Cô giáo trẻ và nỗi lo “nai hóa cáo”

(Dân trí) - Trước áp lực của công việc cùng với sự quậy phá đến “bất trị” của học trò, rất nhiều sinh viên sư phạm hay các cô giáo trẻ mới ra trường lo lắng mình không giữ được nhiệt huyết và sự điềm đạm, nhẹ nhàng với nghề.

“Nai” đã hóa “cáo”?

“Học sinh bây giờ rất vô tổ chức. Các em thường không chấp hành các kỷ luật của nhà trường; nói chuyện riêng, ăn uống vô tội vạ ngay trong giờ học; nghịch ngợm và đủ trò phá phách rất khó để hợp tác trong dạy học”

Hoàng Trang, ĐH Sư phạm TPHCM đưa đến chương trình trao đổi chuyên môn về tâm lý học câu chuyện về thực tế xuống trường học mà mình gặp phải khi đi thực tập. Điều này làm cô sinh viên băn khoăn về hành trình chuẩn bị ra trường, nhiệt huyết trong dạy học, tiếp xúc thân thiện với học trò của mình liệu có thực hiện nổi hay không.


Một khóa học về tâm lý học sinh ngày nay ở TPHCM thu hút nhiều sinh viên Sư phạm (Ảnh: Hoài Nam)

Một khóa học về tâm lý học sinh ngày nay ở TPHCM thu hút nhiều sinh viên Sư phạm (Ảnh: Hoài Nam)

Theo dạy chưa đến nửa năm tại một trường tư thục ở Q.11, TPHCM, cô Kim Sen, 24 tuổi không khỏi nặng lòng về đủ trò “tác oai tác quái” của học sinh “tấn công” vào giáo viên (GV), đặc biệt là GV trẻ mới ra trường.

Sự ồn ào, nhốn nháo trong lớp rất khó để dập tắt, trò nhao nhao không nghe giảng bài. Các em giăng dây để “bẫy” cô giáo hoặc dán giấy linh tinh vào áo dài của cô hay đặt những đồ vật rất “tế nhị” lên bàn GV. Các em còn thản nhiên bình phẩm vẻ ngoài của GV rồi cười ồ lên thích chí… Cô gọi đứng dậy trả lời vẫn ngồi im, tỉnh bơ như không.

Cô Sen đau đáu vì các bài giảng mình soạn rất kỹ, tâm huyết nhưng có lúc cô đành mặc HS thích làm gì thì làm, còn mình đành dạy cho xong bài, hết tiết rồi lại mang áy náy trong lòng. “Thời nào HS cũng quậy phá nhưng nhiều em bây giờ rất thiếu tôn trọng người khác. Tôi sợ nếu còn đi dạy sẽ không giữ được sự bình tĩnh, thân thiện với học trò”, cô Sen chia sẻ.

Trong một buổi trao đổi với chuyên gia tâm lý diễn ra ở trường Việt Úc, một giáo viên trẻ dạy học tại một trường THCS ở TPHCM chảy nước mắt kể về cảnh lên lớp khổ sở của mình. Học trò trong lớp quậy phá, nhất là lớp có nhiều học sinh quậy, cô không biết phải tiếp cận với các em như thế nào. Gần như tiết dạy nào của cô cũng dang dở. Nhiều hôm ức mà không làm được gì, cô ra ngoài vào nhà vệ sinh ôm mặt bật khóc.

Cô nói: “Tôi chưa từng dùng đòn roi với các em nhưng không biết mình kiềm chế được tới đâu khi đủ thứ mệt mỏi và ức chế. Quả thật rất bế tắc khi mình không truyền tải được hết bài giảng cho HS, các em lại rất xao nhãng, xem nhẹ việc học”.

Cô Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho hay, nhiều học trò của mình rất năng động, yêu nghề, nhiệt huyết trong quá trình học ở trường ĐH. Nhưng sau 2 - 3 năm đi dạy, các em đã thay đổi hẳn bởi tác động từ môi trường làm việc. Có em trả lời rằng: “Hồi xưa em “nai” lắm, bây giờ thì thành “quỷ” mất rồi cô ơi”.

Đòi hỏi bản lĩnh người thầy

Cũng vì không “quản” nổi học trò theo biện pháp hòa bình, không ít giáo viên dùng đến “uy lực” của người thầy đưa ra các biện pháp mạnh như quát mắng, thậm chí đánh cảnh cáo HS để giải quyết vấn đề trước mắt.

Nhiều GV biết rõ đánh mắng là phi giáo dục, là xâm phạm quyền con người của HS nhưng khi đối diện với sự nghịch ngợm, khó bảo của học trò, lúng túng trong các biện pháp “xử lý” ôn hòa, cộng thêm nhiều áp lực xung quanh khiến họ không kiềm chế được.

Người ngoài cuộc khó để mà hiểu hết những khó khăn, ức chế của nhà giáo. Không phải cứ lý thuyết hay, những lời hoa mỹ đưa vào thực tế là mọi thứ chạy êm ru. Tuy nhiên, ngoài sự quậy phá của các em thì cách thức dạy học còn cứng nhắc, áp lực về thành tích, điểm số cũng góp thêm phần căng thẳng cho người thầy.

Giáo viên đứng lớp phải đối mặt với nhiều áp lực từ quản lý, học trò và cả phụ huynh (Ảnh: Hoài Nam)
Giáo viên đứng lớp phải đối mặt với nhiều áp lực từ quản lý, học trò và cả phụ huynh (Ảnh: Hoài Nam)

Một GV ở TPHCM đưa ra quan điểm, GV chúng ta vẫn thường mong muốn HS là bản sao duy nhất như kỳ vọng của mình như phải làm bài tập, nội quy tốt từ A đến Z… Khi kỳ vọng không đạt được thì họ ức chế, nhất là GV trẻ còn thiếu kinh nghiệm trước các tình huống đứng lớp.

Việc dạy học chưa thật sự giữ được cá tính của các em. Các em bây giờ không như học trò ngày trước, nhất nhất nghe lời người lớn. Các em muốn thể hiện và được thừa nhận nên cũng dẫn đến việc thầy trò khó kết hợp với nhau.

Theo ông Lê Ngọc Điệp, người từng công tác trong ngành giáo dục ở TPHCM, khi một HS cầm đơn thi vào Sư phạm, các em cần biết rõ mình sẽ làm công việc gì, áp lực thế nào, khó khăn ra sao. Còn ở trường sư phạm luôn có 3 môn học bắt buộc là tâm lý, giáo dục và xã hội học để có thể áp dụng với từng học trò.

Ngoài ra, thầy Điệp bày tỏ ngành giáo dục cần thay đổi những chuẩn mực giáo dục lâu nay. Một HS khi ra trường phải đầy đủ các phẩm chất về tri thức, thể chất, đạo đức, thẩm mỹ. Nhưng hiện nay, thông qua các kỳ thi thì chúng ta chỉ mới chú trọng đến tri thức nên tạo ra những “sản phẩm” lệch lạc. Và chính các trường Sư phạm cũng phải đào tạo ra những thầy cô có đầy đủ các phẩm chất ấy.

Thực tế, trước đòi hỏi nghề giáo ngày càng cao, công việc nhiều áp lực, học trò mỗi em mỗi kiểu với tâm lý biến động đặt nhà giáo đối mặt với nhiều thách thức. Họ không chỉ cần giỏi, có tâm mà cần bản lĩnh thép để đương đầu với vô vàn thử thách để theo nghề, yêu nghề.

Tuy nhiên, để thu hút được nguồn nhân lực hội tụ các tố chất, đáp ứng được các yêu cầu, giải quyết được cái bài toán phức tạp của nghề giáo trong điều kiện hiện nay chẳng khác nào hái sao trên trời. Việc nghề giáo đã mất sức hấp dẫn đối với những HS giỏi và ngay cả nhiều HS có ước mơ làm GV cũng từ chối thi Sư phạm, chọn cho mình nghề khác đã được cảnh báo từ lâu chính là mối nguy đối với giáo dục.

Để có thể đứng lớp, một người thầy giờ đây không chỉ cần bằng cấp Sư phạm mà còn đòi hỏi họ phải như một nhà tâm lý, thậm chí còn phải như một diễn viên biết cười để che những giọt nước mắt trăn trở với nghề; những bực dọc, ức chế mà họ gặp hàng ngày cùng với nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)