Chiến thuật ôn thi để đạt điểm cao môn Vật Lý THPT quốc gia 2016

(Dân trí) - Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là đến kỳ thi THPT Quốc gia 2016, vậy làm thế nào để ôn thi đạt kết quả cao môn Vật lý? Chiến thuật làm bài như thế nào?

Chia sẻ với những lo lắng của sĩ tử, Chủ tịch CLB Gia sư Thủ khoa Đinh Quang Cường sẽ “mách nước" cách ôn thi môn Vật lý để đạt điểm cao.

Chủ tịch CLB Gia sư Thủ khoa Đinh Quang Cường cho biết, các em khá giỏi không được chủ quan, các em yếu thì không được nản chí vì với 3 tháng nếu các em ôn thi đúng cách thì kể cả mất gốc vẫn lấy được điểm 6-7. Các em phải hạ quyết tâm cao, tin tưởng vào bản thân mình sẽ làm được. Tự ép bản thân vào khuôn khổ, tạo cho mình môi trường sư phạm lí tưởng. Thời gian dùng điện thoại, lên facebook, gặp gỡ bạn bè phải có kỉ luật. Nếu cần có thể tạm thời từ bỏ những thứ đó trong 3 tháng để tu luyện vì mục tiêu đỗ đại học.


Thí sinh có phương pháp ôn tập tốt sẽ đạt kết quả cao như mong muốn

Thí sinh có phương pháp ôn tập tốt sẽ đạt kết quả cao như mong muốn

Chiến thuật ôn tập trong tháng 4 và tháng 5

Các em tập trung rà soát thật kĩ phần lí thuyết và bài tập cơ bản trong sách giáo khoa Vật Lí lớp 12. Học theo từng chương, các chương dễ học trước. Hết mỗi chương các em sưu tầm các cuốn sách hay có tổng hợp các câu hỏi trắc nghiệm về toàn bộ lí thuyết và bài tập của chương đó để làm. Làm xong đối chiếu kết quả, ghi chép lại những phần chưa hiểu vào cuốn sổ tay để lên trường hỏi thày cô hay những bạn học giỏi trong lớp.

Phần Lí thuyết: Nếu đọc sách thấy nhàm chán khô khan các em có thể kết hợp với phương pháp lên mạng để tìm những video dạy học online. Sau đó nhớ công thức tính toán, môn Vật lý có hai phần lý thuyết và bài tập. Việc nhớ rõ công thức là điều rất quan trọng. Vì nếu học sinh nhớ sai công thức thì kết quả bài làm sẽ sai. Muốn nhớ được những công thức mới phải làm bài tập nhiều.

Phần bài tập: Sau khi đọc xong đề việc tóm tắt đề bài rất quan trọng, bước này giúp chúng ta tìm những dữ kiện cần thiết trong đề. Việc tóm tắt đề sẽ giúp chúng ta biết được đề bài cho những đại lượng nào, đại lượng nào chưa có để học sinh có hướng giải cho bài toán.

Sau khi đọc xong đề thì tưởng tượng trong đầu hiện tượng rồi viết công thức tính toán ngay, nên vẽ hình minh họa hiện tượng trước rồi hãy tính toán. Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hiện tượng hơn và ít bị rối hay giải sai bài toán.

Với những bài phức tạp thì việc vẽ hình còn quan trọng hơn nữa, nên vẽ hình đủ lớn, vì sau đó ta còn viết hay vẽ thêm nhiều dữ kiện khác nữa. Điều này giúp cho chúng ta có thể minh họa những dữ kiện đề bài ngay trên hình vẽ, giúp cho việc tính toán chính xác và nhanh hơn. Làm đầy đủ bài tập (từ dễ đến khó) trong sách giáo khoa và sách bài tập vật lý do Bộ GD-ĐT phát hành.

Với hầu hết bài trong các bài tập này, HS sẽ làm được không khó khăn lắm nếu học kỹ phần lý thuyết. Ở từng chương trong sách bài tập thường có một hay hai bài tập mức độ khó, cần cố gắng làm những bài tập này sau khi làm các bài tập dễ và trung bình.

Không nên tập trung làm những bài tập quá dài, đòi hỏi nhiều thời gian. Ưu tiên làm các bài tập cơ bản do giáo viên hướng dẫn tại lớp, trong sách giáo khoa và sách bài tập do Bộ GD-ĐT ban hành, sau khi thuần thục mới làm thêm các bài tập phù hợp và giải thử các đề trắc nghiệm để rèn luyện kỹ năng.

Chiến thuật làm đề trong tháng 6

Lúc này chỉ còn 1 tháng cuối cùng, khi kiến thức lí thuyết và bài tập đã được ôn kĩ trong 2 tháng trước, các em bắt đầu bước sang giai đoạn luyện đề. Khi làm đề hãy tự bấm giờ, nên làm đề trong 80 phút để rèn áp lực. Tuyệt đối không mở tài liệu khi đang làm.

Khi làm xong đề mới mở đáp án tra, đánh dấu các câu đã đúng, đã làm được nhưng sai và chép lại các câu lạ ra cuốn vở, sưu tầm câu khó để dành lâu lâu lôi ra nghiên cứu hoặc hỏi thầy cô, bạn bè,…

Đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó nên các em không cần mất thời gian đọc toàn bộ đề, mà cứ làm lần lượt từ đầu đến cuối. Nguyên tắc làm đề phải có 3 lượt:

Lượt thứ 1 các em làm nhanh các câu dễ, những câu mất khoảng 2-3 phút rồi vẫn không làm được hoặc những câu đề quá dài dòng các em bỏ qua. Các câu vẫn còn lăn tăn giữa 2 phương án thì đánh dấu 2 phương án đó để lại.

Lượt thứ 2 các em quay lại làm những câu khó, lần này các em đầu tư nhiều thời gian hơn cho mỗi câu. Hãy đọc lại toàn bộ câu hỏi và phương án chọn, rất có thể em đã hiểu sai ý của đề bài từ lần đọc trước. Nếu lâu quá 5-7 phút vẫn không làm được các em bỏ qua để làm ở lượt 3.

Lượt thứ 3 Khi đã gần hết thời gian làm bài, nếu còn một số câu trắc nghiệm chưa tìm được phương án trả lời đúng, các em không nên bỏ trống, mà nên thống kê các phương án đã trả lời sau đó tích tất cả những câu còn lại theo cùng 1 phương án có xác suất đúng cao nhất. Cách làm này sẽ giúp các em tăng được cơ hội có thêm điểm số.

Hồng Hạnh ghi