Bạn đọc viết:

Cẩn thận với đòn roi trong giáo dục

(Dân trí) - Đòn roi trong giáo dục là câu chuyện không mới trong cách dạy con trẻ. Nhiều bố mẹ sử dụng roi vọt để dạy con. Và ngay cả giáo viên - những người được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và nhận thức rõ đòn roi là phản giáo dục - cũng gây ra nhiều câu chuyện đáng buồn.

Tôi vẫn nhớ như in lời nói của một cậu bé học tiểu học gần nhà mỗi lần nhắc về thời học mẫu giáo: “Con không thích cô. Không ăn, cô đánh. Không ngủ, cô đánh. Ngủ dậy gọi mẹ, cô cũng đánh”. Thế đó, ký ức tuổi thơ của con có những vết lằn khó phai về đòn roi…

Có lúc trẻ bị đánh oan và cái roi ấy trở thành sự căm phẫn, oán hận. Cháu tôi học lớp 4. Hai học sinh trong lớp đánh nhau, cô giáo gọi cháu tôi là lớp trưởng lên và quất hai roi vào mông vì cái tội “không quản lớp, không ngăn bạn”. Và sự thật là cậu bé ấy không có mặt lúc ấy để căn ngăn rồi cũng chẳng kịp thanh minh cho mình. Từ đó, hình ảnh người thầy chẳng còn vẹn nguyên trong lòng trò nữa rồi.

Một người đồng nghiệp của tôi chuẩn bị về hưu và cậu học trò lớp 6 rụt rè hỏi giáo viên chủ nhiệm về thông tin ấy. Nhận được cái gật đầu xác nhận của cô giáo, vẻ mừng rỡ lập tức hiện ra trên nét mặt con. Bởi mấy ngày trước con vừa bị một cái tát của thầy vì cái tội gọi cô giáo là “Cô Sử… Cô Sử…”. Con gọi cô theo môn học vì không biết tên cô mà lại bị đòn đau. Nhưng là từ nay con hết lo sợ bị thầy đánh mà chưa kịp định hình mình sai ở đâu, sai thế nào. Người thầy phải chăng đã thất bại trong cách giáo dục và tạo dựng hình ảnh sáng trong, mẫu mực?

Một người cha tầm tuổi tôi vẫn ngày ngày đánh, tát hai đứa con nhỏ của mình. Và tôi biết người cha ấy đang đi vào “vết xe đổ” ngày xưa. Tôi đã chứng kiến tuổi thơ của người ấy lớn lên cùng đòn roi từ người thân, những trận đòn nhừ tử, bị đấm đá túi bụi, bị trói tay vào cột nhà và quất liên tiếp đến lằn ngang lằn dọc. Một cách vô tình, dòng máu bạo lực ấy lại chảy trong con người ấy lúc trưởng thành. Chỉ khác là các con anh ta còn quá bé để anh ta sử dụng những ngón đòn ghê gớm của cha mình ngày trước, nhưng biết đâu…

Đừng nghĩ trẻ con không biết gì và mình có quyền dạy dỗ chúng bằng đòn roi. Con gái tôi lúc ba tuổi rưỡi đã nhắc khéo mẹ: “Khi có mặt người khác mẹ đừng la mắng, đánh mông con!”. Tôi không phải là một người mẹ thích đánh mắng con. Nhưng lắm lúc con quá nghịch, quá lì cũng lớn tiếng trách mắng và một hai lần gì đó có dùng roi. Tôi mơ hồ nhận ra ánh mắt dè dặt của con nhìn mọi người khi mình bị mắng nhưng không để tâm lắm. Và khi con thủ thỉ nhắc khéo, tôi đã giật mình. Từ đó, tôi kiềm chế cái tính nóng nảy của mình bằng cách nhờ con gái nhắc nhở mỗi lúc tôi to tiếng, tức giận…

Đòn roi trong giáo dục xét về một phương diện nào đó vẫn có cơ sở để tồn tại khi mà mọi lời nói đều bất lực. Một sự răn đe cần thiết, một roi vào mông đôi khi lại cực kỳ hữu hiệu để trẻ biết giới hạn, đi vào khuôn khổ. Và cái roi của bố mẹ, thầy cô giáng xuống phải xuất phát từ cái tâm, cái tình muốn con cái, học trò nên người. Nhược bằng không, cái roi ấy sẽ là trái đắng mà chính người lớn chúng ta phải gặt sau khi đã gieo, một cách vô tình.

Từ những mẩu chuyện nhỏ nhặt về đòn roi xảy ra xung quanh mình, tôi muốn nhắn gửi với phụ huynh, thầy cô: Hãy cẩn thận với đòn roi trong giáo dục!

Thanh Ny

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm