Bạn đọc viết:
Cần chấn chỉnh tình trạng giáo viên hành xử thiếu chuẩn mực với trẻ
(Dân trí) - Tôi nghĩ đã đến lúc ngành giáo dục phải vào cuộc quyết liệt nhằm chấn chỉnh tình trạng giáo viên hành xử thiếu chuẩn mực với trẻ, tăng cường quản lý, giám sát các cơ sở mầm non công lập cũng như tư thục và có giải pháp hữu hiệu nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho giáo viên mầm non.
Hình ảnh những cô giáo ở điểm mầm non Sen Vàng (Hà Nội) dùng dép tát vào mặt, dùng đầu gối thúc vào bụng các cháu nhỏ vừa qua vẫn khiến tôi hãi hùng. Áp lực công việc giữ trẻ, chăm trẻ, dỗ trẻ, dạy trẻ của các cô quả là gánh nặng khủng khiếp. Nhưng áp lực không đồng nghĩa với việc các cô có thể trừng phạt các cháu bằng sự tức giận, bằng lời lẽ mắng nhiếc, bằng hành động vô cảm như thế.
Thêm vào đó là việc tuyển dụng giáo viên không đúng chuyên ngành đứng lớp (một cô giáo có bằng Cao đẳng Y tế) đã cho thấy một lỗ hổng lớn trong cách quản lý của những người có trách nhiệm. Bao nhiêu lời xin lỗi cũng đã muộn màng khi những ký ức bạo lực đã in hằn trong tâm trí trẻ thơ.
Nạn bạo hành không chỉ xảy ra đối với những cô giáo trẻ người non dạ. Ngay đến những người đứng đầu các cơ sở giáo dục có đầy đủ chuyên môn và dư thừa kinh nghiệm cũng ứng xử thiếu chuẩn mực. Ví dụ như cô hiệu trưởng và hai giáo viên Trường mầm non Xuân Giao (Lào Cai) dọa ném trẻ vào máy vặt lông gà.
Dọa dẫm là hành động thường gặp của người lớn nhằm làm cho trẻ nín khóc, ngoan ngoãn, biết vâng lời. Nhưng cách chúng ta dọa trẻ vẫn thường là mượn hình ảnh một “Ông Kẹ” trong tưởng tượng để thị uy. Tất cả đều bằng lời nói chứ không phải bằng hành động quát mắng, dọa cắm ổ điện, bế cả người và tay chân đưa vào máy vặt lông gà như thế.
Giả sử hôm ấy phụ huynh không phát giác sự việc thì có phải cậu bé và nhiều bạn nhỏ khác sẽ tiếp tục chịu những chiêu trò dọa dẫm ấy để rồi nỗi sợ hãi, ám ảnh kéo dài ra mãi…
Và đỉnh cao của nỗi bức xúc trong dư luận lúc này có lẽ là việc hai cô giáo Trường mầm non Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) phạt cháu trong nhà vệ sinh và bỏ quên đến tối muộn. Nếu hành động dọa ném trẻ vào máy vặt lông gà còn làm chúng ta tranh cãi có nên bao dung không thì hành vi nhốt trẻ vào nhà vệ sinh và bỏ quên ấy rất đáng bị lên án kịch liệt. Đó là một hình phạt phản giáo dục!
Việc trẻ nô đùa, xô ngã bạn nên cần bị phạt để tránh lặp lại những hành động nguy hiểm, mất an toàn. Nhưng phạt cháu úp mặt trong nhà vệ sinh là điều không thể chấp nhận được. Đó là nơi không sạch sẽ và không an toàn đối với trẻ. Sau đó cô giáo còn vô tâm đến mức bỏ quên cháu và đóng cửa ra về đến tối muộn sự việc mới vỡ lỡ.
May mắn là cháu bé vẫn bình an nhưng nỗi sợ hãi đã ám ảnh cháu suốt một quãng thời gian từ lúc bị nhốt đến tối muộn và còn có thể mãi sau này nữa. Trong bóng tối. giữa một không gian vắng người, chắc hẳn cháu đã khóc đến lạc giọng. Cô giáo không phải vô tâm nữa mà có phần vô cảm khi chọn hình phạt như thế.
Vụ việc có lẽ sẽ được gói gọn nếu nhà trường có hình thức kỷ luật dành cho cô giáo theo mong muốn của gia đình. Nhưng mười ngày trôi qua, nhà trường im hơi lặng tiếng buộc gia đình phải lên tiếng. Từ đây cho thấy sự thiếu trách nhiệm của những người quản lý trong xử lý vụ việc. Câu chuyện cũng là bài học lớn cho các cơ sở mầm non trong việc quản lý trẻ đến lớp và trả trẻ về nhà.
Một vài vụ việc nổi trội bị đưa lên mặt báo phải chăng chỉ mới là bề nổi của thực trạng bạo hành trẻ mầm non? Tôi nghĩ đã đến lúc ngành giáo dục phải vào cuộc quyết liệt nhằm chấn chỉnh tình trạng giáo viên hành xử thiếu chuẩn mực với trẻ, tăng cường quản lý, giám sát các cơ sở mầm non công lập cũng như tư thục và có giải pháp hữu hiệu nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho giáo viên mầm non.
Ngọc Hùng
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!