Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Phải đổi mới chương trình đào tạo ngành viễn thông

(Dân trí) - Sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kỹ năng quan trọng nhất trong cuộc sống sẽ là kỹ năng lập trình. Người dân sẽ viết ra những sản phẩm tùy biến phục vụ cho nhu cầu của họ và được hoàn thiện thông qua công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI).

Sáng nay 4/11, trường ĐH Giao thông vận tải tổ chức Hội thảo đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực viễn thông đến năm 2025 - xu hướng và thách thức.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Phải đổi mới chương trình đào tạo ngành viễn thông - 1

Kỹ năng quan trọng nhất là kỹ năng lập trình

Nhận định về xu thế phát triển viễn thông hiện nay, ông Trần Tuấn Anh, Cục viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hứa hẹn sẽ cải thiện chất lượng sống của người dân trên toàn thế giới. Tuy nhiên cuộc cách mạng này cũng có thể tạo ra sự bất công lớn hơn, đặc biệt là nguy cơ phá vỡ thị trường lao động khi mà mà tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế, người lao động dư thừa.

Trong tương lai, năng lực chứ không phải nguồn vốn sẽ trở thành nhân tố cốt lõi của nền sản xuất, điều này dẫn tới xã hội ngày càng phân hóa theo hai nhóm: Nhóm kỹ năng thấp/trả lương thấp và nhóm kỹ năng cao/trả lương cao.

Theo ông Tuấn, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kỹ năng quan trọng nhất trong cuộc sống sẽ là kỹ năng lập trình. Người dân sẽ viết ra những sản phẩm tùy biến phục vụ cho nhu cầu của họ và được hoàn thiện thông qua công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI).

Đón đầu cuộc cách mạng này, Nhật Bản là nước tiên phong đưa kỹ năng lập trình vào chương trình phổ cập. Đầu tháng 06/2016, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức thông qua chương trình giáo dục lập trình mới cho học sinh phổ thông. Việc dạy lập trình từ sớm có thể giúp phát triển tư duy và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, điều này cũng đồng nghĩa với việc Chính phủ Nhật đang khuyến khích phát triển công dân Nhật khởi nghiệp, mở doanh nghiệp tự kinh doanh. Đưa lập trình vào giảng dạy cho học sinh đang trở thành xu thế trên thế giới.

Tháng 01/2016, Hoa Kỳ công bố kế hoạch đầu tư 04 tỷ USD vào chương trình đào tạo ngành khoa học máy tính cho học sinh Mỹ, Google và nhiều doanh nghiệp IT của Hoa Kỳ sẽ cùng hợp tác để mở các chương trình lập trình miễn trí cho học sinh phổ thông. Các nước như Anh, Israel,... cũng công bố chương trình dạy lập trình bắt buộc cho học sinh.

Theo ông Tuấn Anh, nguồn nhân lực chất lượng có vai trò then chốt trong việc phát triển VT và CNTT trong giai đoạn mới. Quản lý phát triển viễn thông trên thế giới dịch chuyển sang giai đoạn mới gọi là quản lý thế hệ thứ 4. Quản lý thế hệ 4 tập trung các nguồn lực và mục tiêu quản lý để đảm bảo người sử dụng được bảo vệ và tiếp cận mạng viễn thông băng rộng. Tạo ra một hệ sinh thái số của các thiết bị đầu cuối thông minh, mạng viễn thông hội tụ đa phương tiện tốc độ cao, điện toán đám mây, OTT, các dữ liệu đa dạng và đồ sộ (big data), kết nối vạn vật IoT, kết nối M2M.

Tại hội thảo, ông Trần Tuấn Anh mong muốn để các trường, các đơn vị đào tạo viễn thông có mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, với cơ quan quản lý để tạo một môi trường mang tính thực hành cao giúp cho SV nắm bắt xu thế phát triển, có thể hòa nhập và đáp ứng các yêu cầu trong công việc ngay sau khi tốt nghiệp.


Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Đổi mới chương trình đào tạo để phù hợp với xu thế phát triển

Tại Việt Nam, hiện nay, trên cả nước có hơn 30 trường đại học, học viện đang đào tạo kỹ sư kỹ thuật viễn thông hoặc tương đương. Tuy nhiên, chỉ có một số ít trường đã đào tạo lĩnh vực này từ lâu, sản phẩm đào tạo có uy tín với xã hội như Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, ĐH Bách khoa, ĐH Giao thông vận tải...

PGS. TS. Nguyễn Tiến Ban, Trưởng khoa Viễn thông 1, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, chương trình đào tạo ngành Điện tử - truyền thông của các trường đại học hiện nay đều đã được thực hiện theo hệ thống tín chỉ với tổng số tín chỉ cần tích lũy trong toàn bộ chương trình trong khoảng 145 - 200 tín chỉ. Nhìn chung nội dung chương trình của tất cả các trường đều cho thấy phần kiến thức cơ sở tương đối giống nhau. Phần kiến thức chuyên môn có sự phân hóa theo quan điểm đào tạo của từng trường.

Theo ông Ban, cách tiếp cận khả thi cho việc đổi mới chương trình đào tạo là các môn học trong chương trình được phân thành các môn học lõi có tính bắt buộc để cung cấp kiến thức nền tảng của chuyên ngành và các môn học tùy chọn để cho phép sinh viên lựa chọn đi theo các chuyên ngành sâu theo ý muốn và theo nhu cầu.

TS. Nguyễn Cảnh Minh, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, kỹ thuật viễn thông là lĩnh vực công nghệ có sự thay đổi hết sức nhanh chóng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Vì vậy, việc tổ chức đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này tại các cơ sở giáo dục đại học cũng cần có sự thay đổi phù hợp. Sự thay đổi này phải được thực hiện một cách đồng bộ, từ chương trình đào tạo, lực lượng các bộ giảng dạy đến cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học và trang bị các kỹ năng mềm cho sinh viên, nhằm mục tiêu đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội.

Tiến sĩ Minh cho rằng, cần tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hệ thống tín chỉ (HTTC) như sử dụng các phương pháp dạy học (PPDH) tích cực mà ở đó, giảng viên chỉ lên lớp 50% thời lượng. Phần thời gian còn lại dành cho các họat động độc lập như thí nghiệm, thực hành, thảo luận, học nhóm, tự học, tự nghiên cứu.. của sinh viên. Nếu sinh viên không tự học, tự nghiên cứu thì không thể đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Minh, để việc tự học, tự nghiên cứu đạt kết quả cao, bản thân sinh viên cần được cung cấp hệ thống học liệu và được bồi dưỡng phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách và đầu tư kinh phí để tăng cường nguồn tài liệu tham khảo cho sinh viên, học viên và giảng viên. Các cán bộ giảng dạy cần tích cực,chủ động biên soạn giáo trình, bài giảng; thường xuyên cập nhập trao đổi tài liệu giảng dạy với các cơ sở giáo dục đào tạo trong và ngoài nước.

Sinh viên phải sử dụng thành thạo ngoại ngữ

Tại hội thảo, ông Đào Xuân Vũ - Phó TGĐ Tổng công ty đầu tư quốc tế Viettel chia sẻ, tiếng Anh là chìa khóa để các bạn sinh viên học, đọc tài liệu và làm việc trong môi trường quốc tế. Các bạn sinh viên nhất thiết phải sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên và thành thạo (bao gồm đọc hiểu, tranh luận và diễn giải suy nghĩ, ý tưởng, khả năng phản biện…

Sinh viên cần có được kỹ năng tự học, tự cập nhật các tri thức, tư duy logic và thực tế,cập nhật xu hướng công nghệ mới các kỹ năng cần thiết để khi tốt nghiệp có thể dễ dàng nắm bắt được công việc.

Sinh viên cần tận dụng tối đa Internet và khai thác các kho kiến thức online; Tạo lập các nhóm học tập và thảo luận cởi mở, có sự tranh luận tốt về topic mà các thành viên nhóm cùng quan tâm.

Đối với việc giảng dạy, nghiên cứu và tự nghiên cứu của các thầy cô và các sinh viên, ông Vũ cho rằng, cần gắn liền với thực tiễn và bám sát các xu hướng chính về công nghệ và dịch vụ. Các giáo trình đào tạo bên cạnh các kiến thức, nguyên tắc chuyên môn nền tảng bắt buộc, rất cần thiết phải có các kiến thức, xu hướng công nghệ mới.

Đặc biệt, theo ông Vũ, các trường nên cho sinh viên tham gia chương trình tìm hiểu doanh nghiệp và tham gia các khóa thực tập sinh càng sớm càng tốt. Các đề tài nghiên cứu phải thực tế, gắn với xu hướng hiện tại.

Theo quyết định số 896/QĐ-BTTTT ngày 28/5/2012 của Bộ trưởng Bộ thông và Truyền thông về việc Phê quyệt Quy hoạch và phát triển nhân lực ngành Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2011-2020 thì đến năm 2020, dự báo nhu cầu nhân lực trong các doanh nghiệp viễn thông là khoảng 150 nghìn người, trong đó nhân lực chuyên về Điện tử - Viễn thông là khoảng 110 nghìn người. Tỷ lệ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 45%, trình độ trung học, sơ cấp, công nhân kỹ thuật là 55%.

Nhật Hồng