Cách chức hiệu trưởng, hiệu phó trường Nam Trung Yên và chấm dứt quy hoạch “treo” làng ĐH Đà Nẵng

(Dân trí) - Tuần qua, sau gần 3 tháng cháu Trần Chí Kiên bị tai nạn tại Trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội), vụ việc đã được làm sáng tỏ, hiệu trưởng và hiệu phó trường Nam Trung Yên bị cách chức. Cũng trong tuần này, Trường THPT Tầm Vu, huyện Châu Thành A, tình Hậu Giang đã có báo gửi Sở GD&ĐT tỉnh này về việc xử lý kỷ luật thầy và trò trong vụ thầy trò xô xát trong lớp học.

Công bố cách chức hiệu trưởng và hiệu phó trường Nam Trung Yên

Sáng ngày 21/2, Hội đồng kỷ luật UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã chính thức công bố kết luận cách chức bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng và bà Nguyễn Thị Hương - Hiệu phó Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) liên quan đến vụ tai nạn của cháu Trần Chí Kiên tại trường này.


Bà Trịnh Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy công bố quyết định cách chức.

Bà Trịnh Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy công bố quyết định cách chức.

Theo Hội đồng kỷ luật quận, việc cách chức này do bà Ngọc đã vi phạm nghĩa vụ của công chức trong thực thi công vụ, không hoàn thành nhiệm vụ quản lý điều hành, không trung thực trong báo cáo vụ việc xảy ra tai nạn của học sinh tại trường, cố tình che giấu vi phạm gây khó khăn cho cơ quan điều tra; vi phạm rất nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức nghề giáo viên, tạo dư luận xấu trong xã hội về đạo đức nghề nghiệp và hình ảnh người giáo viên Thủ đô nói chung và ngành giáo dục nói chung. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Cùng với đó, UBND quận Cầu Giấy cũng đã kỷ luật bà Nguyễn Thị Hương, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên với hình thức cách chức.

Lý do là bà Hương vi phạm nghĩa vụ của viên chức, không hoàn thành nhiệm vụ quản lý điều hành, không trung thực trong báo cáo vụ việc xảy ra tai nạn của học sinh tại trường; cố tình che giấu vi phạm gây khó khăn cho cơ quan cho cơ quan điều tra; vi phạm rất nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức nghề giáo viên, tạo dư luận xấu trong xã hội về đạo đức nghề nghiệp và hình ảnh người giáo viên Thủ đô nói chung và ngành giáo dục nói chung. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Để bảo đảm cho trường hoạt động bình thường, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy đã ban hành quyết định giao bà Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Phòng GD&ĐT phụ trách tiểu học kiêm nhiệm quản lý, điều hành chung và là chủ tài khoản trường Tiểu học Nam Trung Yên cho đến khi Chủ tịch UBND quận bổ nhiệm Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên.

Chiều ngày 21/2, tại buổi giao ban báo chí, ông Trần Xuân Hà, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, sau cách chức Hiệu trưởng, Hiệu phó Trường Nam Trung Yên, thành phố tiếp tục chỉ đạo điều tra làm rõ sai phạm và xử lý kỷ luật về mặt Đảng.

Gần 3 tháng sau vụ học sinh Trần Chí Kiên bị tai nạn được đưa ra ánh sáng, cùng với sự hỗ trợ của nhiều cơ quan báo chí, hành trình đi tìm sự thật của gia đình anh Trần Chí Dũng đã có kết quả. Anh Dũng chia sẻ: “Tôi như trút được gánh nặng. Qua sự việc này, sự hoài nghi về công lý của tôi đã bị đánh tan”.

Theo bà Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, việc bố trí công việc gì cho hai nhân sự vừa bị cách chức ở Trường tiểu học Nam Trung Yên sẽ được cân nhắc kĩ. Tuy nhiên, việc trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho học sinh là điều không được tính đến.

Nhà báo Tạ Bích Loan làm Trưởng bộ môn Phát thanh và Truyền hình

Nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng ban VTV6 - Đài truyền hình Việt Nam vừa nhận làm kiêm nhiệm nhiệm vụ Trưởng bộ môn Phát thanh và Truyền hình thuộc Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội.


Nhà báo, tiến sĩ Tạ Bích Loan

Nhà báo, tiến sĩ Tạ Bích Loan

Chia sẻ với PV Dân trí, PGS.TS. Đặng Thu Hương, Chủ nhiệm khoa Báo chí & Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã quyết định mời nhà báo Tạ Bích Loan về trường làm kiêm nhiệm nhiệm vụ Trưởng bộ môn Phát thanh và Truyền hình thuộc Khoa Báo chí và Truyền thông từ tháng 7/2016.

PGS.TS. Đặng Thu Hương nhận định, nhà báo Tạ Bích Loan là người giàu kinh nghiệm và có năng lực chuyên môn tốt. Đặc biệt, nhà báo Loan rất tâm huyết với thế hệ trẻ, có khả năng sư phạm truyền lửa tốt đối với sinh viên. Chính vì vậy, với vị trí vừa Trưởng ban VTV6, vừa kiêm Trưởng bộ môn Phát thanh và Truyền hình, nhà báo Loan sẽ dẫn dắt được công tác đào tạo gắn liền với thực tiễn và cũng là mắt xích bản lề nối công việc đào tạo trong trường đại học với thực tế trong ngành truyền hình.

Theo bà Hương, đây là vị trí về chuyên môn, chứ không phải là chức danh quản lý hành chính. Nhà báo Tạ Bích Loan sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về định hướng chuyên môn, phát triển bộ môn, đội ngũ giảng viên, tư vấn xây dựng khung chương trình, tổ chức các hoạt động đào tạo cho sinh viên, chuẩn đầu ra… về lĩnh vực phát thanh và truyền hình của khoa.

Hậu Giang: Khiển trách thầy, cảnh cáo trò trong vụ thầy trò xô xát trong lớp học

Liên quan đến vụ thầy trò xô xát trong lớp học, chiều 24/2, Trường THPT Tầm Vu, huyện Châu Thành A, tình Hậu Giang đã có báo gửi Sở GD&ĐT tỉnh này về việc xử lý kỷ luật thầy và trò.

Trường THPT Tầm Vu, nơi xảy ra vụ việc.
Trường THPT Tầm Vu, nơi xảy ra vụ việc.

Theo đó, thầy N.Q.K. bị kỷ luật khiển trách do “xử lý tình huống không đúng, ảnh hưởng đạo đức nghề nghiệp”; nữ sinh N.T.K.N. bị cảnh cáo trước toàn trường vì có hành vi “vô lễ với giáo viên”.

Ngoài ra, học sinh quay clip cũng bị khiển trách (trước Hội đồng kỷ luật nhà trường) do sử dụng điện thoại trong giờ học. Một học sinh khác (cũng lớp 10A3) đã bị phê bình trước lớp do “phát tán, đưa thông tin lên mạng”.

Vụ thầy trò xô xát trong lớp học xảy ra trưa ngày 15/2/2017 tại lớp 10A3. Khi vụ việc xảy ra, một học sinh trong lớp đã dùng điện thoại quay lại. Sau đó, clip này được đăng tải trên Youtube vào ngày 16/2 với thời lượng 23 giây.

Khi nắm thông tin, lãnh đạo trường THPT Tầm Vu đã tiến hành tìm hiểu nguyên nhân và thành lập hội đồng kỷ luật để xử lý. Thầy K., em N. cùng những người có liên quan cũng đã viết tường trình, tất cả đều nhận lỗi và rất hối hận vì để xảy ra vụ việc.

TPHCM: Hợp nhất một trường cao đẳng vào trường đại học

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu vừa ký công văn số 783/UBND-VX gửi Bộ Tài chính về chủ trương hợp nhất hai trường đại học và cao đẳng trực thuộc Bộ này.

Theo đó, UBND TPHCM đã tiếp nhận văn bản của Bộ Tài chính về chủ trương hợp nhất trường CĐ Tài chính - Hải quan và trường ĐH Tài chính - Marketing thành trường ĐH Tài chính - Marketing.


Hợp nhất trường CĐ và ĐH thành trường ĐH Tài chính Marketing

Hợp nhất trường CĐ và ĐH thành trường ĐH Tài chính Marketing

UBND TPHCM có ý kiến rằng: “Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đa dạng hóa hình thức đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn hội nhập quốc tế cũng như tăng cường việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị về tổ chức bộ máy, tài chính, đầu tư, đào tạo. UBND TPHCM ủng hộ việc hợp nhất trường CĐ Tài chính - Hải quan và trường ĐH Tài chính - Marketing thành trường ĐH Tài chính - Marketing”.

UBND TPHCM cho rằng việc sáp nhập cần thực hiện đúng các trình tự và thủ tục theo quy định của các văn bản pháp luật hiện hành.

Thủ tướng: Chấm dứt quy hoạch “treo” làng đại học Đà Nẵng 20 năm qua

Làm việc với Đại học Đà Nẵng sáng 24/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ sớm chấm dứt quy hoạch “treo” làng đại học Đà Nẵng suốt 20 năm qua.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá và đặc biệt biểu dương ĐH Đà Nẵng đã đi đúng hướng và đã trở thành một trong ba trung tâm của cả nước.

Thủ tướng đề nghị ĐH Đà Nẵng nâng tầm địa phương, tầm quốc gia, tầm khu vực và quốc tế đối với trường để trở thành môi trường giáo dục tiên tiến. ĐH Đà Nẵng cần đi đầu trong đổi mới sáng tạo không phải chỉ quốc gia và khu vực. ĐH Đà Nẵng cũng nên xung phong, đi đầu trong lĩnh vực tự chủ, tự trị đại học để đóng góp vào sự chuyển mình, nâng cao chất lượng giáo dục.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận buổi làm việc với ĐH Đà Nẵng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận buổi làm việc với ĐH Đà Nẵng

Thủ tướng quyết định sẽ sớm chấm dứt quy hoạch “treo” làng đại học Đà Nẵng suốt 20 năm qua. Chính vì vậy, Thủ tướng đồng ý, sẽ đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn đối với làng đại học Đà Nẵng trong phát triển mà trước hết là tập trung vào giải phóng mặt bằng để hình hài đô thị ĐH Đà Nẵng sớm được phát triển, khắc phục chậm trễ thời gian qua.

“Khu vực này có các trường đại học thành viên trên tinh thần tự chủ và chính ĐH Đà Nẵng phải sắp xếp lại các trường trong khu vực để có đại học quốc gia, đại học khu vực”, Thủ tướng nói.

Dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng trao 101 suất học bổng đến sinh viên nghèo của ĐH Đà Nẵng.

Nguyên Chi (tổng hợp)