Bữa ăn học đường: Chỉ đạt 76% nhu cầu năng lượng
Bữa ăn học đường chưa hợp lý, thực phẩm không đa dạng khiến nhiều trẻ thiếu máu, thiếu vi chất dinh dưỡng. Kiểm tra các bếp ăn trên toàn quốc, Bộ GD&ĐT phát hiện nhiều lỗi về không đảm bảo dinh dưỡng và mất vệ sinh.
11,8% học sinh thiếu máu
Theo báo cáo mới nhất về sức khỏe học đường tại buổi tổng kết đề án “Bữa ăn học đường” của TS Nguyễn Thị Nhung, Trưởng khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề - Viện Dinh dưỡng cho thấy, nhiều học sinh đang bị thiếu dinh dưỡng. Cụ thể, trẻ dưới 5 tuổi thiếu vitamin A ở miền núi chiếm khoảng 14,8% đối với bé trai, 17,6% đối với bé gái. Không chỉ ở miền núi, trẻ dưới 5 tuổi ở thành thị cũng thiếu vitamin A tỉ lệ khoảng 8,5%.
Đáng nói, khảo sát của TS Nhung cho thấy: ở 6 tỉnh khắp ba miền Bắc – Trung – Nam cho thấy ở tuổi học đường, tỉ lệ học sinh thiếu vi chất dinh dưỡng khá cao. Trong đó, học sinh thiếu vitamin D chiếm tỉ lệ cao nhất, từ 46,6-58,3%. Tỉ lệ học sinh thiếu máu chiếm 11,8%. Bên cạnh tỉ lệ học sinh thiếu vi chất dinh dưỡng cao, tỉ lệ trẻ béo phì cũng tăng nhanh những năm qua. Chiều cao tăng trưởng trung bình của trẻ em Việt Nam trong vòng 15 năm, kể từ 3 đến 18 tuổi, chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn là 77cm.
Thiếu sự hướng dẫn
TS Lê Văn Tuấn, Vụ Học sinh - Sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, khi đi kiểm tra bếp ăn bán trú tại các trường trên 63 tỉnh thành, đoàn kiểm tra của bộ phát hiện nhiều lỗi. Trong đó, lỗi phổ biến là bếp ăn chưa đảm bảo quy trình 1 chiều (chiều đồ sống, chiều nấu đồ chín), bếp ăn xây dựng cạnh trại giết mổ, nhà máy… không đảm bảo vệ sinh. Chưa kể, nhiều trường sai các lỗi cơ bản như: Nấu gia vị theo vùng miền quá cay, quá mặn, quá ngọt hay dùng nước ninh xương để nấu canh, nấu cháo cho học sinh; thực phẩm chế biến trong các bữa ăn không đảm bảo đa dạng.
Ông Tuấn cho biết, hiện những trường chưa có bếp ăn bán trú phải ký kết hợp đồng với một doanh nghiệp cung ứng suất ăn. Theo quy định, Cục an toàn thực phẩm phải kiểm định chất lượng bữa ăn khi vào trường học. “Tuy nhiên, có thể khẳng định, cơ quan chức năng của Bộ Y tế khó theo sát chất lượng bữa ăn hàng ngày của học sinh. Vì thế, đa số phần ăn khi được doanh nghiệp cung ứng đưa đến trường cho trẻ là thực phẩm đã nguội hoặc được đun nóng lại, không đảm bảo dinh dưỡng”, ông Tuấn nói.
Cũng theo Viện dinh dưỡng, khẩu phần ăn của trẻ em, đặc biệt trẻ ở lứa tuổi tiểu học chưa đáp ứng cả về lượng lẫn chất. Điều tra khẩu phần ăn của học sinh từ 6-11 tuổi tại 6 tỉnh thành cho thấy, khẩu phần ăn năng lượng chỉ đạt khoảng 76% nhu cầu, canxi chỉ đạt 59%; khẩu phần sắt nhóm 6-9 tuổi chỉ đạt 68%. Được biết, vừa qua Viện dinh dưỡng Quốc gia phối hợp Bộ GD&ĐT và Cty Ajinomoto (Nhật Bản) triển khai thí điểm đề án “Bữa ăn học đường”. Đề án dành cho học sinh tiểu học với 40 thực đơn chuẩn cho từng bữa ăn chính, phụ không trùng lặp nhau.
Điều tra khẩu phần ăn của học sinh từ 6-11 tuổi tại 6 tỉnh thành cho thấy, khẩu phần ăn năng lượng chỉ đạt khoảng 76% nhu cầu, canxi chỉ đạt 59%; khẩu phần sắt nhóm 6-9 tuổi chỉ đạt 68%.
Theo Nguyễn Hà
Tiền Phong