Bỏ hay không bỏ ngưỡng đảm bảo đầu vào bậc cao đẳng?
Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề bỏ hay không bỏ ngưỡng đảm bảo đầu vào bậc cao đẳng.
Trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016, Bộ Giáo dục – Đào tạo dự kiến sẽ bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với bậc cao đẳng. Có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Bắt đầu tuyển sinh từ tháng 3/2016 với việc mở thêm 4 ngành mới dựa theo nhu cầu của thị trường, nhưng trước dự kiến bỏ ngưỡng đảm bảo đầu vào bậc cao đẳng của Bộ Giáo dục– Đào tạo, Trường Trung cấp Công nghệ Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh “đứng ngồi không yên”.
Năm ngoái, năm đầu tiên triển khai kỳ thi THPT Quốc gia, mặc dù đã cố gắng sàng lọc nhiều nguồn, trường cũng chỉ tuyển được chưa đến 200 sinh viên trên tổng số 500 chỉ tiêu.
Nhiều lớp có 4-5 sinh viên cũng phải duy trì khiến đơn vị này phải bù lỗ số tiền không nhỏ. Năm nay, nếu Bộ Giáo dục – Đào tạo bỏ điểm sàn cao đẳng, những đơn vị như trường này lại càng chật vật hơn trong việc tìm kiếm người học.
Thạc sĩ Trịnh Việt Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Trung cấp Công nghệ Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh lo lắng: “Năm 2015, công tác tuyển sinh của trường đã rất khó khăn. Năm nay, những khó khăn ấy sẽ tăng lên gấp bội. Đây là nỗi trăn trở của các trường trung cấp vì nếu không tuyển sinh được sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của trường”.
Năm 2015, ngưỡng đảm bảo đầu vào bậc cao đẳng được quy định là 12 điểm trở lên đối với các trường xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi “2 trong 1” và từ 5,5 điểm trở lên đối với các trường xét tuyển qua học bạ.
Nếu bỏ mức ngưỡng này, năm 2016, các thí sinh chỉ cần tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ đủ điều kiện vào các trường cao đẳng. Trong khi nhiều trường trung cấp lo sốt vó vì sợ hết đường tuyển sinh không ít trường cao đẳng cho rằng, thay đổi này chẳng những không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đầu vào mà còn rộng cửa xét tuyển cho các trường cũng như thí sinh.
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách Việt nói: “Về phương thức tuyển sinh, thông thường theo như chỉ tiêu mà Bộ Giáo dục – Đào tạo đã quy định cho mỗi cơ sở đào tạo, các trường sẽ xét kết quả từ trên xuống cho tới khi đủ chỉ tiêu. Như vậy, những thí sinh đạt điểm cao sẽ dễ trúng tuyển hơn. Khi thay đổi, đầu vào của các trường sẽ có những ảnh hưởng nhất định nhưng chất lượng đào tạo còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như về chương trình, cơ sở vật chất, cách thức đầu tư đào tạo sinh viên...”.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Hữu Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn nhận xét: Sự thay đổi này của Bộ Giáo dục – Đào tạo đang theo đúng hướng của các quốc gia phát triển trên thế giới. Nếu các trường cao đẳng muốn chọn được những sinh viên theo chuẩn riêng, có thể bổ sung thêm các hình thức xét tuyển đi kèm.
Ông Khoa nói: “Học sinh tốt nghiệp THPT cũng đã đạt được chất lượng đầu vào của các trường cao đẳng. Vậy nên không cần phải đặt ra ngưỡng điểm sàn nào để xét tuyển vào bậc cao đẳng. Không chỉ bỏ điểm sàn ở bậc cao đẳng mà tiếp tới có thể bỏ luôn điểm sàn của bậc đại học. Các trường cao đẳng, các trường trung cấp cần phải tiến tới việc đào tạo có chất lượng và đào tạo kỹ năng để phục vụ trực tiếp cho các doanh nghiệp”.
Những ý kiến trái chiều của dư luận như thế này là cơ sở để Bộ Giáo dục – Đào tạo cân nhắc trước khi quyết định.
Theo Mỹ Dung
VOV