Bí thư Đinh La Thăng “gỡ” khó cho trường ĐH Tôn Đức Thắng
(Dân trí) - Sáng nay 14/3, trong quá trình đi tham quan cơ sở vật chất trường ĐH Tôn Đức Thắng (TPHCM), nghe lãnh đạo trường chia sẻ rằng một máy đo loãng xương nhập về vẫn bị "ách" ở cảng do Bộ Y tế chưa cấp phép, Bí thư Đinh La Thăng liên hệ ngay với Bộ trưởng Bộ Y tế để có cách “gỡ” ngay cho trường.
Bí thư Đinh La Thăng gọi điện cho Bộ trưởng Y tế để “gỡ” khó cho trường
Bí thư Đinh La Thăng đã đi tham quan cơ sở vật chất của trường ĐH Tôn Đức Thắng như khu kỹ thuật y dược với nhiều máy móc tầm soát bệnh nhập từ nước ngoài, khu ký túc xá 11 tầng, các phòng thí nghiệm, điện máy, thiết kế thời trang, phòng mô phỏng,... Trong quá trình đi tham quan, TS Lê Vinh Danh, hiệu trưởng cho biết trường đang gặp khó khăn khi một máy đo loãng xương phục vụ cho việc nghiên cứu nhóm cơ xương của sinh viên ở bị “ách” ở cảng từ tháng 11/2015 do Bộ Y tế vẫn chưa cấp.
Ngay lập tức, Bí thư Đinh La Thăng liên lạc ngay với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị cho kiểm tra lại trường hợp của ĐH Tôn Đức Thắng. Tiếp đó, Bí thư Thăng gọi điện cho Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến- người phụ trách vấn đề này đề nghị kiểm tra. Sau đó, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đã liên lạc với ông Lê Vinh Danh để hỏi rõ và hứa sẽ kiểm tra và giải quyết sớm.
Bí thư Đinh La Thăng đến thăm một phòng kỹ thuật của trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Cũng trong buổi làm việc, TS Lê Vinh Danh cho biết trường ra đời được gần 19 năm với xuất phát điểm gần như từ con số 0. Từ 9 người của năm 1997, hiện nay có 1.760 cán bộ, giảng viên. Ông Danh cho biết trong 7 năm tới trường sẽ chuẩn hóa đội ngũ giảng viên với 80% tiến sĩ. Hiện nay, thu nhập giảng viên trình độ tiến sĩ khoảng 1000 USD/tháng, thạc sĩ 17 triệu đồng/tháng; thu nhập lãnh đạo môn khoảng 25 triệu/ tháng; lãnh đạo khoa trung bình cũng 35 triệu đồng/tháng…
Trường xin “tự quyết” về nhân sự cấp ban giám hiệu
Theo TS Lê Vinh Danh, ngay từ đầu xác định đi theo chuẩn ĐH nước ngoài nên trường cố gắng xây dựng và đặt mục tiêu 7 năm nữa sẽ đứng đầu cả nước về mọi mặt, kể cả vượt qua 2 ĐH quốc gia và 20 năm nữa vào top 500 thế giới. Ông Danh khẳng định sẽ đạt mục tiêu vì hiện số lượng công bố khoa học và bằng sáng chế của trường năm sau tăng hơn năm trước. Chỉ 5 năm nữa thôi trường sẽ có 2.000 bài báo khoa học ISI để được xếp hạng trong các trường ĐH ở châu Á.
Còn vướng gì không trong tự chủ? Ông Danh cho biết nhờ có Nghị quyết 77 và Quyết định 158 của Chính phủ thì nhà trường có thể tự quyết việc mở ngành; liên kết đào tạo; được điều chỉnh chương trình học theo chương trình của các trường top 100 thế giới. Tuy nhiên, điều vướng hiện nay là trường chưa có quyền tự quyết về nhân sự ở cấp Ban giám hiệu. Hiện tại Tổng liên đoàn lao động là cấp quản lý ban giám hiệu. Còn việc quản trị như một doanh nghiệp thì dù trường cũng muốn nhưng cơ quan quản lý chưa đồng ý nên còn phải thuyết phục. TS Danh cho biết: “Chúng tôi chỉ xin cơ chế chứ không cần tiền nhà nước”.
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Liên đoàn lao động VN, cơ quan chủ quản ĐH Tôn Đức Thắng bổ sung rằng “trường muốn được tự quyết định về nhân sự hiệu trưởng, hiệu phó qua quyết định của hội đồng trường chứ không phải Tổng Liên đoàn bổ nhiệm tuy nhiên điều 20 của Luật Giáo dục chưa cho phép”.
Bí thư Đinh La Thăng phát biểu trong buổi làm việc với nhà trường
Theo Bí thư Đinh La Thăng thì nếu vướng luật thì cơ quan chủ quản nên đề nghị cho trường thí điểm quyền tự quyết về nhân sự.
Sau khi nghe chia sẻ của đại diện nhà trường, Bí thư Đinh La Thăng cho biết “đi nhiều trường nhưng tôi rất ấn tượng với cơ sở vật chất và cách quản trị của nhà trường dù trường mới ra đời chưa được 20 năm. Với triết lí và phương châm hành động của trường, tôi nghĩ trường đang tiệm cận với chuẩn của các trường quốc tế”.
Với vai trò là lãnh đạo TPHCM, Bí thư Thăng đề nghị trường ĐH Tôn Đức Thắng tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, trường càng tự chủ bao nhiêu thì cần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, Đảng viên.
Đề nghị trường triển khai thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng TPHCM lần 10 và nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần 12 về nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo góp phần giúp thành phố xây dựng hướng đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bí thư Thăng cho biết:“Tôi đánh giá cao khát vọng của nhà trường hiện nay dù còn khó khăn nhưng vẫn đề ra định hướng vào top 500 trường ĐH của thế giới. Trường cần đưa đề xuất cụ thể, trường làm gì, thành phố làm gì, Tổng liên đoàn lao động làm gì, kiến nghị Chính phủ làm gì. Đất nước ta muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cần có những trường ĐH có khát vọng như thế này, nếu chỉ bằng lòng với hiện tại thì không thể phát triển được”.
Cũng theo Bí thư: “Thành phố khuyến khích trường chuyển sang mô hình xã hội hóa hơn nữa, quản trị như mô hình một doanh nghiệp để được chủ động hơn trong việc quyết định tiền lương, thưởng, học bổng cho sinh viên. Phải thể chế hóa, không chỉ hoạt động như một doanh nghiệp mà phải là một doanh nghiệp. Đề nghị Tổng liên đoàn Lao động nên giao quyền bổ nhiệm về nhân sự cho hội đồng trường, đồng thời kiến nghị không nhất thiết đưa thành phần khác vào Hội đồng trường. “Đưa lãnh đạo thành phố vào kiêm nhiệm thì các vị này bận nhiều việc thì làm sao lo được cho nhà trường”, Bí thư Đinh La Thăng nêu ý kiến.
"Đồng thời, nhà trường phải tự xây dựng thương hiệu của mình cũng như bám sát đào tạo những ngành nghề mà thành phố đang khuyến khích. Bên cạnh đó, tôi hoan nghênh nhà trường đầu tư đào tạo lĩnh vực y tế. Nhà trường cũng phải gắn kết hơn nữa với các viện khoa học, trung tâm nghiên cứu các doanh nghiệp, khu công nghệ… Đấy cũng là đào tạo theo cơ chế thị trường. Chẳng hạn với 3 sáng chế mà Hoa Kỳ công nhận thì cần thương mại hóa các sáng chế đó thông qua việc gắn với doanh nghiệp”.
Lê Phương