Bí quyết giúp trẻ tự tin, thành công

(Dân trí) - Giúp cho trẻ tự tin là trao chìa khóa thành công cho chúng. Mỗi trẻ đều có tiềm năng rất lớn. Khả năng của não bộ hầu như là không có giới hạn – trừ một vài trường hợp bệnh lý.

Tất cả trẻ có thể là những nụ hoa hàm tiếu. Hoa có nở có đẹp là nhờ môi trường chăm sóc. Chính vì thế mà thưởng tốt hơn phạt. Và đừng bao giờ gieo mặc cảm cho trẻ.


Khi bị mắng là .. ngu, trẻ sẽ thụt chí, không cố gắng nữa và thành … ngu thật.

Khi bị mắng là .. ngu, trẻ sẽ thụt chí, không cố gắng nữa và thành … ngu thật.

Từ nhiều thập kỷ rồi, các nghiên cứu về giáo dục cho thấy là nếu trẻ tự tin thì chúng ít lo sợ hơn, hăng hái học tập hơn, “dấn thân” hơn và tự tìm ra những giải pháp học tập thích ứng hơn.

Học không phải chỉ là chuyện của cái đầu mà còn đầy yếu tố tâm lý.

Giữ niềm tự tin của trẻ?

Các khảo cứu cho thấy, thông thường, trẻ bắt đầu quá trình học hành với một niềm tự tin lớn nhưng từ từ, chúng gặp một vài khó khăn ở trường, cộng với những phương pháp chấm điểm xếp hạng của giáo viên, lòng tự tin trên khả năng “đội đá vá trời” của chúng hao mòn dần và chúng tự mang cảm tưởng bất lực trước những tri thức mới cần tiếp thu.

Điều này khiến các nhà giáo tiếp tục áp dụng các chế tài để bắt buộc chúng học và cái “bệnh” mất tự tin trên khả năng mình thành mãn tính.

Trước tình thế đó, các giáo viên phải làm sao phá bỏ cái vòng lẩn quẩn: đặt tin cậy trên trẻ, khuyến khích chúng, không phạt để bảo vệ sự tự tin của trẻ và để trẻ tiếp tục sáng tạo để học.

Vài phương thức nhỏ có thể giúp trẻ tiếp tục tự tin:

. Cho phép trẻ có quyền trong quyết định về công việc học, từ nội dung tới phương pháp

. Chia nhỏ những tri thức cần hấp thụ để trẻ thành công dễ dàng để chúng không có cảm tưởng như đứng trước một núi cao không thể nào trèo lên được.

Nói như thế không hẳn là phải loại trừ hết những vấn đề phức tạp. Chỉ cần tổ chức làm sao một vấn đề phức tạp rốt lại là tổng thể của nhiều vấn đề đơn giản. Và trẻ chỉ cần giải quyết từng vấn đề đơn giản.

.Thiết lập những đích gần, ngắn và cụ thể cho mỗi bài học, mỗi buổi học, mỗi lần

. Cho phép trẻ tự đánh giá

. Khen thưởng ở mỗi chặng đường – con chó của Pavlov còn cần thưởng huống chi là người.

. Và dĩ nhiên là loại bỏ tất cả các hình phạt – phạt là va chạm đến sự toàn vẹn của trẻ, trong đó có lòng tự tin. Trừng phạt làm nhụt chí trẻ và làm mất đi hạnh phúc ở trường.

Phải tránh cho trẻ cảm tưởng bất lực.

Thérèse Bouffard và Carole Vezeau đã nhận xét thấy là những trò có QI trung bình nhưng có cảm tuởng bất tài thường thất bại hơn những trò có QI kém hơn nhưng tự tin.

Nhiều giáo viên kiệm lời khen học trò mình vì sợ chúng thành tự tin thái quá mà bớt cố gắng. Các nghiên cứu cho những kết quả trái lại. Thành công + khen thưởng kéo theo thành công tiếp theo.

Khen thưởng cũng nên làm thường xuyên vì trò tiếp nhận được những tiến bộ của mình sẽ thêm tự tin để cố gắng thêm nữa.

Kiểm soát tiếp thu phải là kiểm soát đào tạo chứ không là kiểm soát chế tài. Với kiểm soát đào tạo trò thấy được chỗ nào đã hoàn chỉnh, chỗ nào cần làm tốt hơn để tiếp tục.

Hợp tác cùng nhau và được hướng dẫn

Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Học cùng với bạn là một công việc thích thú hơn, hữu hiệu hơn, đi đến đích nhanh hơn. Làm cùng với nhau thêm động cơ cho các cháu. Quá trình làm việc với bạn còn cho phép các cháu thêm cơ hội tổ chức, phân công, tương trợ, bảo vệ ý tưởng mình và tiếp thu ý kiến bạn, … Tức là tất cả nhứng cách rất thực tế, rất cụ thể để tập tành sống với xã hội.

Nhưng làm cùng nhau không có nghĩa là cạnh tranh mà là hợp tác …

Học không là một việc thuần trí tuệ mà còn là một sinh hoạt xã hội có tình người.

Được hướng dẫn là một nhu cầu, để tránh thất bại nữa. Trẻ lớn hướng dẫn trẻ nhỏ. Thầy hướng dẫn cả lớp giúp trò trước khi trò gặp vấn đề…

Người lớn ra đường còn cần bản đồ, đi rừng cần hướng dẫn viên huống chi là trẻ. Trẻ cần thầy và cần bạn để học. Trong một không khí bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Nguyễn Huỳnh Mai, Liège, Bỉ

Tài liệu tham khảo

Chiungjung Huang, « Self-concept and academic achievement. A meta-analysis of longitudinal relations », Journal of School Psychology, vol. XLIX, n° 5, octobre 2011.

Thérèse Bouffard et Carole Vezeau, « L’illusion d’incompétence chez l’élève du primaire », in Benoît Galand et Étienne Bourgeois (dir.), (Se) Motiver à apprendre,NXB Presses Universitaires de France, 2006