Thanh Hóa:

Bất lực nhìn học sinh lội sông đến trường

(Dân trí) - Bỏ bao công sức mới làm được chiếc cầu tạm, nhưng chỉ một trận lụt, toàn bộ cầu đã bị dòng nước cuốn trôi khiến gần 20 học sinh cũng như người dân bị ngăn cách, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.

Cầu tạm bị lũ cuốn trôi, học sinh lội sông đến trường

Dòng sông Đặt chảy qua địa bàn nhiều xã vùng cao của huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), sau đợt lũ lụt những ngày cuối tháng 9 vừa qua đã khiến bà con bản Hón Cánh, xã Vạn Xuân như một ốc đảo.

Bản Hón Cánh vốn nằm lọt thỏm giữa núi rừng của huyện vùng cao Thường Xuân. Cả bản có 16 hộ dân với hơn 70 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái và Kinh sinh sống. Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào rừng. Do địa hình bị ngăn cách bởi con sông Đặt nên việc đi lại của người dân và học sinh nơi đây gặp nhiều trở ngại.

Dòng sông Đặt nước chảy xiết
Dòng sông Đặt nước chảy xiết

Muốn đi vào bản chỉ có con đường duy nhất là qua con sông Đặt. Trước đây, bà con dân bản góp công, góp vật liệu để làm cầu tạm từ những cây tre, cây luồng. Nhưng chỉ sau một đợt mưa lũ, toàn bộ công sức của bà con đã bị dòng nước lũ cuốn trôi.

Thời điểm này, muốn vào bản Hón Cánh buộc phải lội qua dòng sông Đặt rộng khoảng gần 100 m. Có những lúc nước sâu, các cháu nhỏ không thể lội qua thì phải dùng mảng. Việc giao thương đi lại nơi đây không chỉ khó khăn với bà con dân bản mà nhất là các cháu học sinh mỗi khi đến trường.

Cầu bị lũ cuốn trôi, học sinh phải lội sông đến trường
Cầu bị lũ cuốn trôi, học sinh phải lội sông đến trường

Trong bản hiện có gần 20 em học sinh các cấp phải đi qua con sông này để tới trường. Có những thời điểm nước lũ về các em học sinh phải nghỉ học. Không chỉ phải lội qua sông mà các em học sinh còn phải đi hơn 6km mới tới trung tâm xã. Mặc dù thương các em học sinh nhưng chính quyền địa phương và nhà trường cũng đành bất lực.

Hàng ngày, bố mẹ bận lên nương, lên rẫy không thể đưa con đến trường, để tạo điều kiện cho con em theo học chữ, nhiều gia đình đã phải mang con ra các nhà dân phía bên kia bờ sông hay đến trường ở bán trú để các em trọ học. Đối với học sinh cấp 3 lớn hơn nên đi về trong buổi, nhưng mỗi lần qua sông là quần áo lại ướt nhẹp, có nhiều hôm còn bị trượt chân ngã.

Với học sinh cấp 3 tự đi lại được
Với học sinh cấp 3 tự đi lại được

Thầy Cầm Bá Khuyển - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn Xuân 1, xã Vạn Xuân cho biết: “Bản Hón Cánh là một trong những bản xa trung tâm xã nhất, bản có 16 hộ dân với hơn 70 nhân khẩu, trong bản có gần 20 học sinh theo học các cấp. Ngày trước bà con có làm cây cầu tạm nhưng đã bị nước lũ cuốn trôi. Vì sợ con em đi lại nguy hiểm nên nhiều phụ huynh đã phải gửi con ở nhà người quen bên này sống để các cháu đi học”.

Ông Cầm Bá Huế - Phó chủ tịch UBND xã Vạn Xuân chia sẻ: Do bản nằm cách biệt bên bờ sông Đặt nên về mùa mưa lũ gần như bị cô lập hoàn toàn. Chính quyền địa phương còn nhiều khó khăn nên không thể đầu tư xây dựng cầu cho bà con, địa phương cũng đã có đề xuất lên trên về việc xây dựng cây cầu qua bản.

Người dân đi lại rất khó khăn
Người dân đi lại rất khó khăn

Cũng theo ông Huế, nếu không có cây cầu thì có thể đầu tư làm một con đường men bờ sông dẫn từ một cây cầu cứng cách bản khoảng gần 2km để bà con thuận tiện trong việc giao thương và các cháu học sinh đi học. Tuy nhiên, để làm được con đường cũng phải mất hàng trăm triệu đồng.

Duy Tuyên