1.000 tỷ đồng trở lên mới được mở trường đại học nước ngoài tại Việt Nam

(Dân trí) - Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải có tổng số vốn thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất).


Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục phổ thông phải có suất đầu tư ít nhất là 50 triệu đồng/học sinh (không bao gồm các chi phí sử dụng đất).

Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục phổ thông phải có suất đầu tư ít nhất là 50 triệu đồng/học sinh (không bao gồm các chi phí sử dụng đất).

Đó là một trong những nội dung của Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, trong đó quy định về liên kết giáo dục với nước ngoài mà Chính phủ vừa ban hành.

Theo Nghị định, về điều kiện cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài, Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải có tổng số vốn thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất).

Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ đầu tư dự án thực hiện việc chứng minh tài chính theo Luật Đầu tư. Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng.

Dự án đầu tư thành lập phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại VN phải có vốn tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng.

Đối với dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục mầm non phải có suất đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất. Kế hoạch vốn đầu tư phải phù hợp với quy mô dự kiến của từng giai đoạn.

Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục phổ thông phải có suất đầu tư ít nhất là 50 triệu đồng/học sinh (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất, nhưng không thấp hơn 50 tỷ đồng.

Đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại, hoặc phía đối tác Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất, thì số vốn đầu tư tối thiểu cần đạt từ 70% của các quy định tương ứng nêu trên.

Thời hạn của liên kết giáo dục không quá 5 năm kể từ ngày được phê duyệt và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 5 năm.

Chương trình phải được kiểm định ở nước ngoài

Theo Nghị định, về chương trình giáo dục, chương trình giáo dục của nước ngoài đưa vào tích hợp phải là chương trình đã được kiểm định chất lượng giáo dục ở nước sở tại hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại công nhận về chất lượng giáo dục.

Chương trình giáo dục tích hợp phải bảo đảm mục tiêu của chương trình giáo dục của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục nước ngoài; không bắt buộc người học phải học lại cùng một nội dung kiến thức, bảo đảm tính ổn định đến hết cấp học và liên thông giữa các cấp học vì quyền lợi của học sinh, bảo đảm tính tự nguyện tham gia và không gây quá tải cho học sinh.

Chương trình giáo dục tích hợp phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể việc tích hợp chương trình giáo dục của Việt Nam với chương trình giáo dục của nước ngoài.

Quy mô lớp học và cơ sở vật chất phải đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục tích hợp và không làm ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy chung của cơ sở giáo dục phía Việt Nam tham gia liên kết giáo dục.

Về đội ngũ nhà giáo, giáo viên Việt Nam giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp phải đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của cấp học theo quy định của pháp luật Việt Nam; giáo viên nước ngoài giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp phải có trình độ đại học phù hợp với chuyên môn giảng dạy và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc tương đương.

Giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp bằng ngoại ngữ phải có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của chương trình tích hợp và không thấp hơn Bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.

Việc đánh giá kết quả học tập, kiểm tra, thi, công nhận hoàn thành chương trình giáo dục, công nhận tốt nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và của nước sở tại nơi cung cấp chương trình giáo dục. Người học hoàn thành chương trình giáo dục tích hợp cấp trung học phổ thông phải được cấp văn bằng tốt nghiệp của Việt Nam và của nước ngoài.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ 1/8/2018.

Hồng Hạnh