12 dấu hiệu con đang lo lắng mà bố mẹ nên biết
(Dân trí) - Khi lũ trẻ lo lắng một điều gì, chúng thường không nói ra với ai. Tuy nhiên, có rất nhiều dấu hiệu có thể giúp các bậc phụ huynh hiểu được điều con chưa nói để từ đó có những tác động kịp thời.
1. Cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người
Những đứa trẻ đang lo lắng có thể sẽ tìm cách làm hài lòng mọi người vì chúng sợ khiến người chúng yêu quý thất vọng. Bố mẹ nên chú ý đến con hơn nếu nhận thấy chúng luôn quanh quẩn quanh mình mà không đòi hỏi bất cứ điều gì.
2. Đòi chơi iPad nhiều hơn bình thường
Trong khi tất cả bọn trẻ đều thích chơi các trò chơi điện tử, những đứa trẻ đang lo lắng sẽ có khuynh hướng ngồi lì trước màn hình lâu hơn như một cách chạy trốn. Chuyên gia trị liệu của Trung tâm Điều trị hành vi nhận thức Chicago, ông Dan Mortenson nói rằng “ việc chơi iPad quá nhiều có thể là dấu hiệu cho thấy con bạn đang phải vật lộn và cố gắng thoát ra khỏi những cảm xúc khó khăn”. Nếu bạn thấy con mình đang gặp trường hợp này, hãy thử tương tác với con bằng cách chơi game cùng con và hỏi các câu hỏi để tìm ra điều gì khiến con lo lắng.
3. Rửa tay quá nhiều
Sự lo lắng thường biểu hiện qua các biểu hiện vật lý như rửa tay, cắn móng tay, gãi đầu, lẩm bẩm, đổ mồ hôi và run tay. Cố gắng khuyến khích con tập một cơ chế đối phó thích hợp như viết nhật ký, hoặc thiền.
4. Đột nhiên muốn ngủ cùng bố mẹ
Trẻ lo lắng thường gặp vấn đề về giấc ngủ như khó ngủ hoặc thức dậy thường xuyên. Đó là lý do tại sao chúng có thể đột nhiên muốn được ngủ cùng bố mẹ. Nếu điều này xảy ra, hãy tạo thành một lịch trình trước khi đi ngủ mà bạn có thể tham gia cùng con như đọc sách, nghe nhạc, hoặc thậm chí tắm cho những đứa trẻ còn nhỏ.
5. Từ chối đồ ăn yêu thích
Theo một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên tạp chí Pediatrics, việc ăn uống có thể liên quan đến chứng lo lắng. Đối với một số trẻ đang lo lắng điều gì đó, chúng có thể thay đổi chế độ ăn bình thường của mình, trở nên thờ ơ với các món ăn từng là khoái khẩu của chúng.
6. Tránh xa bạn thân
Nếu con bạn đã từng là một đứa trẻ thích chơi với bạn bè nhưng nay lại thích ở một mình thì đó có thể là dấu hiệu của trầm cảm và lo lắng. Bố mẹ cần tìm ra cách khuyến khích trẻ từng bước giao lưu với những đứa trẻ khác hoặc anh chị em của chúng, thông qua các trò thể thao, hoặc các hoạt động xã hội khác.
7. Phàn nàn về các cơn đau
Theo tiến sĩ Rebecca R. Berry, giáo sư lâm sàng về tâm thần trẻ vị thành niên tại Trung tâm nghiên cứu trẻ em bệnh viện Nhi Đồng Hassenfeld ở NYU Langone, trẻ thường bày tỏ sự lo lắng qua các cơn đau bí ẩn, thường xuất phát ở dạ dày hoặc đầu. Theo bà, bố mẹ có thể giúp con giảm bớt cảm giác này bằng cách dạy con bài tập hít thở sâu.
8. Hỏi về mọi thứ
Nếu bạn thấy con mình liên tục hỏi các câu hỏi để cảm thấy được đảm bảo thay vì sự tò mò thì hãy nên chú ý. Có thể bé đang sợ hãi điều gì đó. Đặt câu hỏi trở lại với con một cách khéo léo để tìm ra nỗi sợ của con bắt nguồn từ đâu.
9. Gặp khó khăn với bài tập về nhà
Nếu đứa trẻ thường bỏ làm bài tập về nhà có thể vì chúng sợ rằng không làm đúng bài. Tất cả những gì bố mẹ phải làm là khuyến khích con và đề nghị được giúp đỡ. Khi con biết rằng có người quan tâm và dành thời gian cho mình, con sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
10. Gặp vấn đề với việc đi vệ sinh
Nếu đứa trẻ đã thuần thục ngồi bô bỗng nhiên tè dầm hoặc từ chối sử dụng toilet thì có thể nó đang cảm thấy sợ hãi điều gì đó. Bố mẹ không nên la mắng trẻ mà hãy sẵn sàng lắng nghe. Bằng cách này, con bạn sẽ cảm thấy rằng chúng có thể tin cậy và tìm đến bạn khi cần thay vì cảm giác lo sợ bị bố mẹ phán xét và trách móc.
11. Không tham gia các hoạt động sau giờ học ở trường
Trẻ đang lo lắng thường bỏ các hoạt động sau giờ học ở trường để trở về nhà nơi chúng cảm thấy an toàn và được bảo vệ. Khi gặp trường hợp này, bố mẹ hãy chú ý đến mối bận tâm của con và thương lượng để có sự cân bằng thích hợp, ví dụ không nên ép con phải tham gia tất cả các hoạt động như trước đây mà chỉ tham gia vào các hoạt động mà con có năng khiếu hoặc yêu thích.
12. Hay cáu kỉnh đột ngột
Nếu bạn thấy con thường xuyên cáu kỉnh và thay đổi tâm trạng mà không có lí do thì hãy thận trọng. Hãy cố gắng để trò chuyện cùng con để từ đó tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra tâm trạng lo lắng và những hành vi kì lạ của con.
Hữu Nguyên
Theo BM