Cưới vợ cho người chết

Tại Tiên Ngưu cũng như Hậu Ngưu (Trung Quốc), mọi người đều theo phong tục âm hôn. Khi một người đàn ông độc thân qua đời, gia đình sẽ tìm cho anh ta một cô vợ cho “cuộc sống” ở thế giới bên kia. Tức là xác một phụ nữ không có chồng.

Tiên Ngưu là một ngôi làng rộng lớn với 4.000 dân ở vùng Hà Nam. Tại đây, có một nhà máy cũ đã bị xây kín, vài trại nuôi gia cầm và một nghĩa trang với các gò đất bị cỏ dại xâm lấn. Ông công nhân về hưu Gu Daxing cho biết: “Ở đây chỉ có những người đàn ông của các gia đình nghèo được chôn một mình”.

Gu Daxing chỉ vào nấm mộ của con trai ông Gu Changsheng, đã “kết hôn” với một cô gái chết đuối ở làng cạnh: “Tục này đã luôn hiện hữu. Chúng tôi hy vọng chúng sẽ sống chung với nhau”. Gu Changsheng chết năm 17 tuổi vì bệnh gan cách đây 26 năm. Cha mẹ anh bèn tìm một cô gái thích hợp (về tuổi tác, giáo dục, sắc đẹp), và cuối cùng đã tìm được sau đó 6 năm. Đó là một cô bé độ 10 tuổi bị chết đuối, và cha mẹ cô ta đồng ý tác hợp ngay lập tức.

Hôm đó, gia đình của “chú rể” tổ chức một buổi lễ thật long trọng. Người ta mang về chiếc quan tài, bức ảnh và bài vị của cô bé. Ảnh và bài vị được đặt lên bàn thờ tổ tiên, sau đó hai họ mở tiệc, cha mẹ họ hàng cùng ăn uống trong ngôi nhà được trang hoàng toàn màu đỏ, màu của hôn nhân, và chữ song hỉ. Sau bữa tiệc, mọi người mặc đồ trắng đưa quan tài của cô bé đến mộ của Gu Changsheng. Kể từ đó, hai gia đình thường xuyên thăm viếng nhau vào dịp tết Nguyên đán.

Tại Tiên Ngưu, người ta không thích nói nhiều về tục âm hôn vì tục này bị Nhà nước cấm đoán, cho là mê tín dị đoan. Thế nhưng đấy là một tập tục rất lâu đời nên nhà cầm quyền địa phương thường nhắm mắt làm ngơ.

Nguồn gốc của tục âm hôn là hai yếu tố chủ đạo trong tư tưởng cổ xưa của người Trung Quốc, tục thờ cúng tổ tiên và đạo Lão. Linh hồn người chết đi đến thế giới âm ty, tại đấy tổ tiên sẽ phù hộ cho con cháu. Để linh nghiệm, linh hồn phải tuân theo sự hài hòa của đạo Lão, kết hợp âm và dương, tức đàn ông và đàn bà.

Nhưng không dễ gì tìm được “nửa kia” cho người đã chết. Vào năm 1995, Wang Chuandong đã làm lễ cưới cho cha anh đã mất trước đó 41 năm với một cô gái đã chết 70 năm khi mới 13 tuổi. Như thế anh đã làm tròn ước nguyện của mẹ anh. Bà luôn mong cưới được vợ cho cha anh, bởi vì khi tái hôn, bà biết rằng sẽ được chôn cùng với người chồng mới và cha anh sẽ lẻ loi. Có nhiều người đã chết hơn một thế kỷ vẫn có được lễ cưới. Nếu không có hài cốt thì tro trong hũ thờ cũng được.

Wang Chuandong nhắc đến một tập quán hiếm thấy nhưng ai cũng biết: việc mua hài cốt. “Khi một thiếu nữ hay phụ nữ độc thân chết đi và có nhiều “chàng rể” đăng ký, gia đình sẽ tổ chức đấu giá. Có thể rao giá đến vài chục ngàn Nhân dân tệ”. Đó là cả một gia tài ở một tỉnh mà thu nhập hằng năm của nông dân chỉ khoảng 2.216 Nhân dân tệ.

Có một tin giật gân đã lan truyền khắp nơi. Một bà nông dân đã làm món cháo trộn thuốc chuột cho chồng và hai cô con gái ăn, bởi bà ta có ý định bán thi thể của họ. Người chồng bị chết, nhưng hai cô gái được cứu sống. Cách đây vài tháng, cảnh sát ở tỉnh Sơn Tây đã bắt giữ bà Tang do bà đã giết một cô bé 12 tuổi đang trên đường đi học. Bà nghe nói rằng, thi thể một cô bé mới chết có giá đến 50.000 Nhân dân tệ.

Nếu việc giết người để cung cấp cho hôn lễ của người chết là hiếm thấy, khả năng mua bán xác chết có thể dễ thấy hơn. Trung Quốc đã từng chứng kiến nhiều mạng lưới mua bán trẻ em và phụ nữ. Trước lễ Thanh minh vừa qua, thời kỳ thích hợp cho tục âm hôn, một người đàn ông đã bị bắt tại nhà ga Tây An (Thiểm Tây) trên tay có 2 bao tải đựng 6 hài cốt phụ nữ. Anh ta đã quật mồ những cô gái đó trong làng với hy vọng sẽ bán được từ 300 đến 500 NDT mỗi bộ hài cốt. Anh ta có thể bị xử 3 năm tù về tội trộm và xâm phạm mồ mả.

Riêng Gu Daxing đã hứa không theo tập tục đó nữa từ khi ông theo đạo Thiên Chúa cách đây 2 năm. Nhưng tại Tiên Ngưu, những người như ông rất ít.

Theo An Ninh Thế Giới