Kiểm soát tài sản cán bộ cấp cao:

“Tổng thống công khai tài sản trên mạng cũng chỉ là… phần nổi”

(Dân trí) - Trao đổi về việc xây dựng quy định kiểm soát tài sản cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ Lê Thị Thuỷ so sánh về cơ chế công khai để giám sát việc kê khai tài sản mà Việt Nam đang áp dụng hiện nay với kinh nghiệm một số nước…

Sau khi Trung ương thống nhất giao UB Kiểm tra TƯ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, đến nay việc xây dựng đề án thế nào, thưa bà?

Chúng tôi đã họp nhưng hiện vẫn còn nhiều tranh luận về việc xác định đối tượng của đề án. Lúc đầu, UB Kiểm tra tính là xây dựng quy định theo hướng chỉ kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Tuy nhiên, sau mấy cuộc hội thảo, có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị quy định cả cơ chế để cấp ủy các cấp thực hiện.

Ngay cả việc mở rộng như nào cũng có ý kiến khác nhau. Nếu làm ở cấp huyện cấp tỉnh thì cấp xã lại không có. Mà làm đến cấp ủy huyện thì hơi loãng.

Trong khi đó, quan điểm của UB Kiểm tra TƯ là muốn đi theo hướng của nhiều nước đang áp dụng là làm việc này theo hướng tập trung, làm trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau.

Với quan điểm khác là muốn mở rộng diện đối tượng để làm đồng loạt thì giờ chúng tôi phải xin ý kiến, định hướng của TƯ Đảng.

Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ Lê Thị Thủy trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 28/12 (ảnh: N.T).
Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ Lê Thị Thủy trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 28/12 (ảnh: N.T).

Có ý kiến cho rằng diện đối tượng yêu cầu kê khai như hiện tại, lên tới hơn 1 triệu người đã là rất rộng, rất "loãng", thưa bà?

Đúng là như hiện giờ, diện đối tượng kiểm tra việc kê khai tài sản chúng ta đang làm cũng đã rất rộng rồi (kiểm tra đến cán bộ cấp tỉnh ủy viên). Chính vì rộng vậy, nên có nhiều vấn đề như đã được phân tích.

Giờ bước đầu, chúng tôi muốn chỉ tập trung ở nhóm đối tượng cán bộ cấp trên, do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thôi nhưng lại có người đề xuất là nên mở rộng ra đến cấp ủy địa phương, không chỉ kiểm tra ở cấp ủy cấp tỉnh nữa còn làm tới cả cấp huyện nữa. Nhưng như thế thì càng khó khăn.

Ngoài ra, cũng còn một nhóm đối tượng nữa cần xem xét là cán bộ Đảng viên cấp vụ của các bộ, ngành. Đến giờ các ý kiến vẫn đang tranh luận xem nhóm đối tượng này nằm ở đâu trong quy định.

Thực tế, nhóm đối tượng này vẫn thuộc diện phải kê khai tài sản theo luật Phòng chống tham nhũng nhưng đề án kiểm tra việc kê khai tài sản này lại là khía cạnh từ bên Đảng nên làm đến phạm vi nào là chuyện cần bàn tính. Hai hướng ý kiến hiện nay, một hướng thì sợ rộng quá, làm không hiệu quả, một hướng lại lo hẹp quá thì bỏ lọt đối tượng, rất khó quyết.

Đã từng đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, nay lại sang bên Đảng, làm Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ, chắc hẳn bà biết, vấn đề gây băn khoăn hiện nay là kiểm soát việc kê khai tài sản thế nào để biện pháp phòng chống tham nhũng này phát huy hiệu quả, tránh tình trạng hình thức chứ không phải là cần có nhiều người hơn nữa phải kê khai?

Việc kê khai thì phải đúng theo quy định của pháp luật, bất kì đối tượng nào nằm trong diện phải kê khai thì cần làm đúng như thế, không bàn lại. Vấn đề là kiểm soát việc kê khai thế nào, để đánh giá được xem người kê khai có đúng, có đủ không, nếu chưa đủ thì tài sản giấu giếm còn nằm ở những chỗ nào.

Lâu nay, việc kê khai đã triển khai nhưng việc kiểm soát sau kê khai thì còn ở một chừng mực nhất định. Cũng phải nói, kê khai tài sản chỉ là 1 trong 9 biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Và mọi người lại đang khá trông đợi vào biện pháp này, vì cho rằng nếu làm tốt việc này sẽ giúp thúc đẩy thêm các giải pháp khác. Nhưng thật ra, cơ chế giám sát, ngăn ngừa phải đồng bộ mà kê khai tài sản chỉ là một giải pháp.

Dư luận cũng đặt vấn đề, cơ chế giám sát việc kê khai tài sản tốt nhất chính là người dân nhưng thực tế người dân hiện vẫn chưa thể tiếp cận từng bản kê khai tài sản của cán bộ khi muốn, khi cần. UB Kiểm tra TƯ có tính đến vấn đề này khi xây dựng đề án kiểm soát việc kê khai tài sản?

Kinh nghiệm làm của chúng ta và các nước về việc này cũng khác nhau. Ở nhiều nước, có thể cứ lên trên mạng tra là ra bản khai của các cán bộ nhưng vấn đề cần hiểu là bản kê khai đó cũng chỉ công khai phần nổi, kê khai về tổng tài sản của một người nhưng nhìn vào không thể nắm rõ được khối tài sản đó nằm ở đâu, do đâu có, chứ không công khai kiểu như người này có một tài khoản bao nhiêu tiền ở một ngân hàng cụ thể nào.

Vấn đề này các nước cũng không công khai, với quan điểm cần bảo vệ bí mật cá nhân cũng như đảm bảo an toàn tài sản. Vậy nên có thể dễ dàng biết được một Tổng thống kê khai có bao nhiêu tiền nhưng khối tài sản đó nằm ở những đâu, do đâu có cũng không được công khai.

Còn theo luật của Việt Nam, bản kê khai tài sản yêu cầu liệt kê đầy đủ, rõ ràng từng mục như nhà/ đất/xe cộ/tiền mặt… có bao nhiêu.

Vấn đề của chúng ta, việc kê khai và công khai ở phạm vi nào đã làm theo quy định rồi, bước tiếp theo là việc kiểm soát được việc kê khai thế nào, đúng hay sai thì mới làm ở chừng mực, giờ cần bàn tính hướng kiểm tra, giám sát cụ thể xem có làm đồng loạt ở tất cả các cấp hay khuôn đến đối tượng như thế nào, giám sát, kiểm tra theo quy trình thường xuyên hay theo chuyên đề, kiểm tra vào thời điểm, trong trường hợp nào…

Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ năm nay đã nêu con số trong hơn 1 triệu người kê khai tài sản, đã tiến hành thẩm tra, xác minh với hơn 400 trường hợp nhưng cũng không phát hiện trường hợp nào kê khai sai, thiếu, kê khai gian dối… Như phân tích của bà, vấn đề là cần nâng tỷ lệ kiểm tra, giám sát lên?

Tôi nhắc lại, việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản ở mức độ nào phải làm đúng như quy định của pháp luật. UB Kiểm tra TƯ không bàn lại việc này mà bàn đề án về việc thực hiện kiểm tra giám sát thường xuyên hay kiểm tra giám sát khi nào, làm sao để biết là bản kê khai tài sản đó có vấn đề.

Xin cảm ơn bà!

P.Thảo