Thủ tướng lo vì sức vươn của TPHCM đang chậm lại

(Dân trí) - Nhận định khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của TPHCM so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, có mặt thậm chí tụt hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về những cơ chế, chính sách đặc thù, ủy quyền cho thành phố thực hiện một số nhiệm vụ thuộc Bộ ngành, Chính phủ để thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh hơn của đầu tàu kinh tế.

Ngày 6/9, tại trụ sở Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 và các cơ chế chính sách đặc thù của TPHCM.

Các ý kiến tại cuộc làm việc đều nhất trí đánh giá về vị trí, vai trò quan trọng của TPHCM đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau 30 năm đổi mới, TPHCM đạt thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần vào thành tựu chung của vùng và cả nước.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Thành ủy TPHCM
Thủ tướng chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Thành ủy TPHCM

Chỉ ra các thách thức đối với sự phát triển của Thành phố, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, xu hướng gia tăng dân số cơ học rất cao gây áp lực lớn đến hạ tầng, nhất là giao thông, nhà ở. Do đó, quản lý, kiểm soát dân cư là thách thức lớn nhất khi có những dự án phải điều chỉnh 3 – 4 lần so với ban đầu chỉ vì gia tăng dân số ngoài dự tính. Phó Thủ tướng cho rằng vị trí đầu tầu kinh tế đòi hỏi Thành phố tăng trưởng cao nhưng cần bền vững.

Đánh giá cao báo cáo của Thành phố, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận, có thể tóm lại trong 6 từ “khát vọng, trách nhiệm, sẻ chia”. TPHCM thể hiện khát vọng tiếp tục vươn lên, thể hiện trách nhiệm với cả nước, cảm thông, chia sẻ với điều kiện chung của cả nước.

Về khó khăn, thách thức, ông Huệ cho rằng có 2 điểm nổi lên là tăng trưởng của Thành phố chưa tương xứng với tiềm năng; kết cấu hạ tầng quá tải, gây cản trở trong việc thực hiện mục tiêu kinh tế cũng như ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường ngày càng gay gắt.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, trước hết, Thành phố cần phát huy nội lực, sức sáng tạo của mình với các biện pháp đột phá, cộng thêm các cơ chế, chính sách đặc thù thì có thể phát huy hiệu quả theo cấp số nhân. Phó Thủ tướng nhất trí phải phân cấp mạnh cho Thành phố, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong một số lĩnh vực.

Thủ tướng: Xác định tinh thần “Thành phố vì cả nước, cả nước vì Thành phố”.
Thủ tướng: Xác định tinh thần “Thành phố vì cả nước, cả nước vì Thành phố”.

Kết luận cuộc họp, đề nghị TPHCM tiếp thu các ý kiến tại cuộc làm việc để hoàn thiện đề án bảo đảm tính bao quát, tổng thể, khả thi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng TPHCM đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết 16 trong 5 năm qua, đạt nhiều kết quả tốt.

Tuy nhiên, cũng xuất hiện nhiều vấn đề bất cập mà nếu “không cố gắng vượt qua với sự phấn đấu, nỗ lực, quyết liệt sáng tạo của Thành phố cùng với cơ chế, chính sách của Trung ương thì Thành phố gặp khó khăn”.

Cụ thể, khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của Thành phố so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, có mặt tụt hậu. Từ nguy cơ này, đặt ra vấn đề là phải có cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù cho TPHCM, trong khi TPHCM đang trên chặng đường hướng đến là trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á như Nghị quyết 16 đề ra.

Thủ tướng nhắc lại tầm nhìn đã gợi mở cho TPHCM trong cuộc làm việc vào tháng 6/2017 là trở thành thành phố toàn cầu, thành phố thông minh, nơi hội tụ văn hóa Đông – Tây gắn với các giá trị nhân văn, cùng với đó là giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa phương Nam của người Việt.

Lãnh đạo Chính phủ chụp ảnh lưu niệm cùng các lãnh đạo chủ chốt của TPHCM.
Lãnh đạo Chính phủ chụp ảnh lưu niệm cùng các lãnh đạo chủ chốt của TPHCM.

Nhất trí với những giải pháp, phương hướng lớn mà Thành ủy TPHCM đặt ra, Thủ tướng cho rằng, phải tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cần xác định Thành phố còn dư địa phát triển lớn trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và cần thấy rõ hơn khoảng cách, trình độ phát triển còn thấp so với các thành phố lớn khác ở Đông Nam Á. Do đó, yêu cầu đối với Thành phố là phải đổi mới, vươn lên mạnh mẽ hơn.

Thủ tướng nhất trí cần có cơ chế, chính sách đặc thù để TPHCM phát triển nhanh, bền vững hơn với tinh thần “Thành phố vì cả nước, cả nước vì Thành phố”. Trong đó, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc TPHCM cần được phân cấp, phân quyền tối đa, tạo sự chủ động, sáng tạo đối với Thành phố gắn với đề cao trách nhiệm các cấp chính quyền địa phương trong quản lý điều hành kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Thủ tướng nêu rõ tinh thần của Ban cán sự Đảng Chính phủ là ủng hộ đẩy mạnh phân cấp ủy quyền theo hướng cho phép Thành phố thực hiện một số nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc phê duyệt một số dự án, điều chỉnh một số loại quy hoạch, thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, của Chính phủ trên địa bàn.

P.T