Thủ tướng gỡ vướng bài toán phát triển của các tỉnh ĐBSCL

(Dân trí) - Ngày 20/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo một số bộ, ngành làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Với Cà Mau, Thủ tướng biểu dương những kết quả tỉnh này đạt được thời gian qua, nhất là trong việc khắc phục hậu tình trạng hạn mặn. Thủ tướng cho rằng, Cà Mau chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu, đây là nguy cơ, thách thức và cũng là thời cơ, cơ hội mà Cà Mau có thể tận dụng để phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, Cà Mau cần nhìn thẳng vào những hạn chế, phải phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá ở ĐBSCL.

“Cà Mau phải có chính sách mạnh mẽ hơn, cả hệ thống chuyển động tốt hơn để phấn đấu thu hút nguồn lực nhiều hơn cho phát triển”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau.
Thủ tướng chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau.

Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý chú trọng quy hoạch gắn với ứng phó biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển nguồn nhân lực; cải cách hành chính tốt hơn. Thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, tạo làn sóng đầu tư mới vào tỉnh. Tiếp tục bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, trong đó quan tâm bảo đảm an toàn cho ngư dân.

Về các đề xuất của Cà Mau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí bổ sung vốn đầu tư các công trình khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh và đề nghị tỉnh quan tâm cung cấp nước sạch cho người dân. Phải bảo đảm người dân không thiếu nước nếu hạn hán tiếp tục xảy ra.

Thủ tướng cũng lưu ý Cà Mau về việc chống sạt lở bờ biển ở Đất Mũi, trong đó, tập trung xử lý những đoạn xung yếu.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành chức năng hỗ trợ Cà Mau trong quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn; sớm đưa khí tự nhiên vào bờ; đạm, nhiệt điện Cà Mau phát huy hết công suất.

Theo báo cáo của lãnh đạo Cà Mau, tỉnh là một trong những địa phương chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hiện tỉnh đang tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp với 6 ngành hàng nông sản chủ lực là lúa chất lượng cao, keo lai, cá bổi, tôm sinh thái, cua biển và chuối. Thời gian qua, tỉnh cũng đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, đến nay, bình quân mỗi xã trong toàn tỉnh đạt 13,3/19 tiêu chí, có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong 8 tháng qua, Cà Mau có 326 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên gần 4.600 doanh nghiệp. Tỉnh cũng thu hút được 26 dự án đầu tư, tổng vốn trên 6.376 tỷ đồng.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bạc Liêu. Tại buổi làm việc, Thủ tướng đồng ý về chủ trương để tỉnh thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu.

Thế mạnh lớn nhất của Bạc Liêu là có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất vùng ĐBSCL với gần 1.280km2, tương đương gần một nửa diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Năm 2016, dù tác động xấu từ biên đổi khí hậu, nhưng dự tính, xuất khẩu thủy sản vẫn đạt khoảng 3,2 tỷ USD. Bạc Liêu còn là tỉnh có sản lượng tôm đứng thứ hai cả nước, với sản lượng khoảng 105.000 tấn/năm, mang lại giá trị kinh tế khoảng 500 triệu USD/năm.

Thủ tướng đồng ý chủ trương lập khu công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu.
Thủ tướng đồng ý chủ trương lập khu công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu.

Theo báo cáo của tỉnh này, nếu được duyệt lập khu công nghệ cao, sản lượng tôm có thể tăng gấp 10 lần so với trước, từ 10 – 15 tấn lên 100 đến 150 tấn/héc ta.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao Bạc Liêu đã tìm ra hướng đi rõ nét để khắc phục khó khăn của tỉnh, trong bối cảnh tỉnh chịu tác động sâu của biến đổi khí hậu. Tỉnh đã có nhiều cố gắng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nỗ lực thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư FDI; có vùng nuôi tôm công nghệ cao; công tác an sinh xã hội đảm bảo. Tuy nhiên Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn xây dựng cơ bản, thúc đẩy khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển.

Thủ tướng đống ý về mặt chủ trương với kiến nghị của tỉnh Bạc Liêu, thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm.

Cũng tại buổi làm việc, Bạc Liêu đề nghị Thủ tướng chấp thuận rút dự án Nhiệt điện Cái Cùng trên địa bàn tỉnh ra khỏi Quy hoạch Tổng sơ đồ điện 7, vì đây là nhà máy nhiệt điện than, có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến định hướng phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Thủ tướng đồng ý về chủ trương và giao Bộ Công thương nghiên cứu, có giải pháp thay thế dự án khác bổ sung vào Quy hoạch Tổng sơ đồ điện 7. Trong đó, Thủ tướng lưu ý đến việc phát triển các nhà máy điện gió trên địa bàn Bạc Liêu, vì là tỉnh có tài nguyên gió lớn.

P.T