Bình Định:

Siết kỷ cương, xử lý công chức xã, phường “ăn bớt” giờ làm việc

(Dân trí) - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng vừa ra “tối hậu thư”, yêu cầu chấn chỉnh tình trạng một số cơ quan cấp xã, phường “ăn bớt” giờ hành chính, cán bộ “trốn” cơ quan, cúp giờ làm…

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng vừa có văn bản giao UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Nội vụ kịp thời chỉ đạo các UBND các xã, phường, thị trấn nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm các công chức vi phạm thời gian làm việc hành chính. Chủ tịch tỉnh yêu cầu chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính; khẩn trương xây dựng các nội quy, quy tắc, quy chế hoạt động theo quy định để làm cơ sở thực hiện.


Công sở trong giờ làm vắng hoe, cán bộ cúp giờ về sớm

Công sở trong giờ làm vắng hoe, cán bộ "cúp giờ" về sớm

Lãnh đạo tỉnh giao Sở Nội vụ tiếp tục công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh để chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trước đó, Thanh tra Sở Nội vụ thanh tra đột xuất tại 33 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Định về việc thực hiện kỷ luật lao động đối với cán bộ công chức (CBCC) tại 33 xã, phường, thị trấn được thanh tra. Theo đó, tổng biên chế CBCC được phép bố trí là 777, biên chế đã thực hiện 646, đạt 80%. Tại thời điểm kiểm tra, thanh tra xác định các cơ quan vắng 197 người. Tỷ lệ người có mặt tại trụ sở làm việc chỉ đạt 70%.

Các xã có tỷ lệ CBCC làm việc thấp như: xã Cát Tài (32%), Ân Đức (33%), Hoài Đức (24%) đa số rơi vào thời điểm đầu giờ hoặc cuối giờ hành chính. Điển hình như xã Ân Hảo Đông, thời điểm kiểm tra 13h45 phút chỉ có 5/20 (25%) người có mặt, không có lãnh đạo, đa số các bộ phận chưa làm việc.

Theo Thanh tra Sở Nội vụ, đa số các các bộ công chức vắng mặt tại trụ sở làm việc, trừ những người đang tham gia các lớp/khóa học tập trung, lãnh đạo xã cũng không biết người của mình đi đâu, làm gì.

Đối với những nhân sự hoạt động không chuyên trách, số lượng người hoạt động được phép bố trí theo quy định là 678, thực tế bố trí 592, số có mặt tại thời điểm kiểm tra 283 (tỷ lệ có mặt chỉ 48%). Như vậy, đa số nhân lực làm việc không đảm bảo thời gian, công việc không thường xuyên, liên tục.

Việc xây dựng quy chế làm việc ở cấp xã thì một số xã chưa xây dựng quy chế làm việc theo nhiệm kỳ mới, dẫn đến còn chưa phân định trách nhiệm của tập thể UBND, trách nhiệm của chủ tịch, phó chủ tịch cũng như các chức danh CBCC, đa số các xã được xác định thuộc huyện Hoài Ân và huyện Phù Cát.


Một người dân xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn, Bình Định) lên xã làm việc phải ra về vì cán bộ xã nghỉ sớm (ảnh tư liệu)

Một người dân xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn, Bình Định) lên xã làm việc phải ra về vì cán bộ xã nghỉ sớm (ảnh tư liệu)

Thanh tra Sở Nội vụ cũng kết luận tình trạng công tác quản lý CBCC và hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ của CBCC còn hạn chế. Lãnh đạo UBND xã không quản lý được thời gian làm việc của công chức chuyên môn; công chức làm việc không có chương trình, kế hoạch.

Ngoài ra, cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc tại một số xã, đặc biệt là xã vùng cao như An Trung, An Hưng (huyện An Lão) đã xuống cấp cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc của đội ngũ CBCC ở xã…

Theo ông Trịnh Xuân Long, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bình Định, phần lớn các xã chưa sử dụng hết biên chế CBCC cấp xã được bố trí theo quy định, còn hợp đồng người làm việc. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương làm việc không nghiêm, thời gian làm việc không đảm bảo quy định. Công tác quản lý người làm việc không chuyên trách ở cấp xã còn nhiều bất cập, thiếu các quy tắc ràng buộc. Đa số người làm việc không chuyên trách không phát huy hết năng lực làm việc. Ngoài ra, việc bố trí, sử dụng CBCC chưa thực sự hợp lý; thực tế số lượng công việc không nhiều, nhưng bố trí số lượng người làm việc tương đối lớn.

Doãn Công