Phát triển cảng biển, du lịch - Trái tim của nền kinh tế Bình Định
(Dân trí) - Ngày 20/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Chính phủ có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định để đánh giá tình hình phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Bình Định năm 2017 và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2018.
Bình Định vượt khó
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, mặc dù Bình Định là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, nhưng cùng với những thành tựu chung của cả nước, kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2017 đã đạt nhiều thành tựu quan trọng và đang chuyển biến theo hướng tích cực. Lĩnh vực kinh tế có nhiều khởi sắc, nhiều dự án đầu tư đi vào hoạt động tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới cho xã hội và nguồn thu ngân sách địa phương; công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh khá tập trung, năng lực cạnh tranh địa phương (PCI) ngày được cải thiện.
Ông Dũng cho rằng, để khai thác tốt tiềm năng lợi thế về địa lý - kinh tế, cửa ngõ của khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong giao thương quốc tế, tỉnh Bình Định kiến nghị Thủ tướng quan tâm một số vấn đề: rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội quy mô vùng, tạo nên sự liên kết phát triển chung của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; vấn đề cổ phần hóa cảng Quy Nhơn cần phải xem xét lại; kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn để thi công tuyến Quốc lộ 19, đoạn nối cảng Quy Nhơn đến Quốc lộ 1A; đầu tư đường ven biển đi qua tỉnh Bình Định; cho chủ trương bổ sung Khu kinh tế Nhơn Hội vào nhóm khu kinh tế ven biển trọng điểm, ưu tiên đầu tư từ giai đoạn 2018-2020…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, biểu dương kết quả về phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Bình Định trong những năm vừa qua. “Bình Định là địa phương bị thiên tai liên tiếp, nhất là trong 2 năm 2016 và 2017, địa phương bị ảnh hưởng rất nặng nề. Tuy vậy, nhờ tinh thần vượt khó và quyết tâm cho nên tỉnh đã vượt qua mọi khó khăn, đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện, nhiều mặt và cũng mang lại những dấu ấn rất mạnh mẽ”, Thủ tướng nói.
“Đọc cái bảng chỉ tiêu tôi thấy rằng, kinh tế- xã hội của Bình Định phát triển toàn diện, trong phát triển đã quan tâm đến kinh tế - xã hội, đặc biệt là rất biết chú trọng giữ gìn môi trường tự nhiên để phát triển bền vững. Một số việc tôi thấy Bình Định làm rất tốt, tôi rất hoan nghênh, trong đó, phát triển khoa học, những khu du lịch lớn, các dự án có vốn đầu tư lớn ở nước ngoài, đặc biệt một số thương hiệu lớn, nhiều dự án nước ngoài đã tìm đến Bình Định đầu tư”, Thủ tướng nói thêm.
Cảng biển, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, ngoài thành tựu đạt được tỉnh Bình Định cũng còn những hạn chế, bất cập phải khắc phục như: tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại, nhất là năm 2017 chỉ đạt 67,2%, thấp hơn với mức bình quân cả nước. Khu công nghiệp, khu kinh tế chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư, chưa thúc đẩy có hiệu quả, đặc biệt ở Khu kinh tế Nhơn Hội 1.200 ha, nhưng chỉ có một vài nhà máy, doanh nghiệp nên hiệu quả chưa cao. Trong khi nguồn lực đầu tư hạn chế, thì một số dự án chậm triển khai, giải phóng mặt bằng tái định cư còn chậm, ô nhiễm môi trường tại một số khu chăn nuôi, khai thác tài nguyên trái phép, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn đang diễn ra, tỉ lệ nghèo còn cao so với mức bình quân cả nước.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Chính phủ có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định
Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh phải có sự quyết tâm, thể hiện được khát vọng phát triển với quan điểm tăng trưởng bao trùm. Đây là yếu tố quan trọng tạo động lực chung cho cả tỉnh. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng có tâm huyết, có khát vọng thì mới sáng tạo và có hành động mạnh mẽ, cần phải có tinh thần tự lực tự cường…”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng lưu ý rằng: Phát triển kinh tế của Bình Định phải đặt trong mối quan hệ với cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên để khai thác các lợi thế kinh tế của địa phương. Việc quy hoạch phát triển kinh tế cần đặt trên quan điểm kinh tế mở, nhằm khai thác lợi thế chung của cả vùng, nhất là với Tây Nguyên. Trên tinh thần điều chỉnh quy hoạch mới đảm bảo phát triển nhanh bền vững, nhưng phải theo tinh thần mới, từ cảng biển, ngành du lịch, khu kinh tế Nhơn Hội. Xem xét để làm rõ hơn quy hoạch phát triển cảng, sân bay - trái tim của nền kinh tế và nòng cốt của sự phát triển Bình Định.
Cần quy hoạch quản lý tốt hơn, chặt chẽ hơn 134 km bờ biển quý của tỉnh nhà. Quy hoạch theo hướng những năm tới đây thì du lịch là lĩnh vực quan trọng, trong tương lại không xa du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Định. Có giải pháp xử lý hiệu quả xung đột giữa công nghiệp, du lịch, dịch vụ và môi trường. Công tác này phải bắt đầu từ quy hoạch, không để mâu thuẫn, cản trở, triệt tiêu lợi thế của địa phương trong phát triển.
Doãn Công