Người lính hải quân ít cười vì day dứt "món nợ" với đồng đội
(Dân trí) - Người ta ít thấy ông Lương Viết Thoại (SN 1954, trú bản Còn, xã Châu Quang, Quỳ Hợp, Nghệ An) cười. Ông bảo, suốt đời ông mang nợ với đồng đội ở chiến trường, ở biên cương và hải đảo - đó là món nợ không bao giờ có thể trả được. Bởi vậy, một nụ cười đối với ông cũng nhiều day dứt với đồng đội, với những người đã ngã xuống.
Từ một giáo viên thuộc khoa lý luận Trường Sỹ quan Hải quân (nay là Học viện Hải quân), Lương Viết Thoại trở thành chính trị viên hải đội tàu vận tải lương thực, vật liệu ra Trường Sa trong chiến dịch CQ. 30 năm đã trôi qua, những ngày tháng đạp sóng đi xây đảo giữ cõi ấy vẫn hằn in trong trí nhớ của người con núi rừng xứ Nghệ này.
Người ta ít thấy ông Lương Viết Thoại (SN 1954, trú bản Còn, xã Châu Quang, Quỳ Hợp, Nghệ An) cười. Ông bảo, suốt đời ông mang nợ với đồng đội ở chiến trường, ở biên cương và hải đảo - đó là món nợ không bao giờ có thể trả được. Bởi vậy, một nụ cười đối với ông cũng nhiều day dứt với đồng đội, với những người đã ngã xuống.
Các bạn văn, bạn thơ thường bắt gặp Lương Viết Thoại những đau đáu, trăn trở về Trường Sa, về những tháng năm sôi sục cuộc chiến bảo vệ chủ quyền trên biển. 3 năm gắn bó với biển có thể chỉ là một chương ngắn trong đời binh nghiệp của ông, nhưng 3 năm đó là cả một kí ức không bao giờ phai mờ của người lính biển này.
Chở đá đi xây đảo
Tháng 5 năm 1987, Lương Viết Thoại từ Học viện chính trị - Quân sự được điều về Trường Sỹ quan Hải quân (Nha Trang, Khánh Hòa) làm giáo viên lý luận. Tháng 3/1988, những thông tin từ Gạc Ma dội về. 64 người lính đã nằm lại giữa biển khơi… Những con sóng vỗ vào quân cảng Hải đội 9 của trường sỹ quan Hải Quân Nha Trang trào lên đau đớn, uất hận.
Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên biển trước sự ngang ngược của Trung Quốc với trang bị tàu thuyền, vũ khí hiện đại đè nặng trên đôi vai mỗi người lính hải quân.
Trường Sỹ quan Hải quân được lệnh điều động tham gia chiến dịch CQ (chiến dịch chủ quyền biển đảo, bắt đầu từ tháng 4 năm 1988 đến hết năm 1990). Lương Viết Thoại được giao nhiệm vụ làm chính trị viên hải đội tàu số 9 Thuộc trường sỹ quan Hải Quân.
Từ quân cảng Hải đội 9, bài thơ "Ra đảo" được người chính trị viên hải đội cảm tác:
Nhổ neo lên hỡi những chàng lính trẻ!
Lệnh truyền đi rung tám cụm máy tàu.
Thuyền quay lái, còi ngân lời tạm biệt
Xa bến dần… thành phố đã lùi sau.
Nhắm Trường Sa, trăm hải lý… những con tàu
Chồm lên sóng, cắt ngang lời biển cả
Đi giữ đảo, đất nước mình đẹp quá
Hai ngày đêm chưa vắng bóng Hải Âu!
Đá Bắc, Đá Nam… tàu sẽ cập vào đâu
Đảo nổi, đảo chìm… bạn bè đang đợi
Những bó rau xanh, những thùng nước ngọt…
Theo tàu ta lướt sóng ra khơi!
Song Tử, Thuyền Chài, Tiên Nữ… của ta ơi
Một giọt nước biển khơi cũng là Tổ Quốc
Khi cờ đỏ sao vàng bay trên pháo hạm
Là chủ quyền ta như cột mốc sáng ngời!
Ôi Tổ Quốc nơi trùng dương xanh biếc
Có chúng tôi canh giữ đêm ngày!
Lướt sóng dữ, dìm quân thù xuống nước
Quyết giữ đến cùng mỗi tấc biển quê hương!
“Chúng tôi có nhiệm vụ vận chuyển nước ngọt, lương thực, thực phẩm và vật liệu (đá hộc, sắt thép, xi măng) ra các đảo để phục vụ nhiệm vụ xây dựng đảo, thay nhà chòi ở các đảo chìm bằng nhà xây kiên cố. Các đội tàu của ta ngày ấy cũ kỹ, công suất nhỏ nên có khi phải chạy nhiều ngày mới ra được đến các đảo xa như Tiên Nữ..., thực phẩm vì thế cũng đã héo queo quắt đi rồi.
Thứ duy nhất anh em ở đảo có thể ăn tươi được là bí đao. Tàu đến nơi, lính đảo ùa ra xin bí đao. Chỉ cần gọt lớp vỏ cứng bên ngoài đi là ăn sống một cách ngon lành như ăn giò chả vậy. Ngày đó thiếu thốn trăm bề, thông tin liên lạc chưa có như bây giờ, người lính, đặc biệt là người lính biển càng phải đối diện với nhiều hiểm nguy, gian khổ, nhưng trong bất cứ tình huống nào họ đều vững vàng trước biển khơi để bảo vệ, gìn giữ từng tấc đất của cha ông để lại”, ông tâm sự.
Con đường đưa hàng hóa, vật liệu ra đảo cũng đâu có đơn giản. Hơn ai hết, người lính vận tải hiểu cái khó khăn của đồng đội mình – những người sống trên từng ngọn sóng, nơi những giọt nước ngọt quý hơn vàng, nơi những cọng rau xanh trở thành xa xi phẩm, nơi mỗi cánh thư từ đất liền ra là cả một niềm động viên lớn lao. Nơi ấy, người lính đảo chờ đợi từng viên gạch, hòn đá, từng bao xi măng, từng thanh thép để xây nhà kiên cố giữ đảo, xây công sự bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc giữa trùng khơi.
Vượt sóng dữ, vượt bão tố, từng đội tàu vẫn đè sóng lướt tới bởi phía trước những người giữ cõi đang chờ họ, đang chờ tình cảm của đất liền để vững tâm hơn, để không phải đơn độc giữa biển khơi.
“Thỉnh thoảng, tàu chiến Trung Quốc được ngụy trang dưới vỏ bọc tàu dân sự hoặc những chiếc tàu chiến tháo hết bạt, để lộ những khẩu pháo "giương oai diễu võ" ngang ngược lướt qua đội hình tàu vận tải ta. Tàu họ to, chỉ cần tăng tốc là đè sóng, khiến tàu ta chao đảo. Bộ Tư lệnh Hải Quân luôn chỉ thị các đơn vị phải hết sức kiềm chế, tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao, tránh mọi tình huống va chạm để Trung Quốc có cớ gây hấn với ta trên biển ”, cựu binh Lương Viết Thoại kể tiếp.
Vì yêu cầu nhiệm vụ nên công tác chuẩn bị, vận chuyển vật liệu ra đảo trong giai đoạn đầu của chiến dịch hết sức khẩn trương. Cùng với các đơn vị vận tải khác như tổng cục hậu cần... các đơn vị tàu của Bộ Tư lệnh Hải Quân (trong đó có Trường Sỹ quan Hải quân), dù trải qua biết bao khó khăn gian khổ, đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.
Rừng xanh nhớ sóng Trường Sa
Cuối năm 1990, chiến dịch CQ kết thúc. Lúc này, thương người vợ tảo tần lo cho hai con ăn học trong khó khăn, Thiếu tá hải quân Lương Viết Thoại xin về nghỉ hưu, kết thúc mối duyên với biển sau 3 năm gắn bó.
"Từ anh lính người dân tộc thiểu số, chỉ luôn gắn với rừng núi, biên cương, chưa từng biết đến biển, thời gian đầu lên tàu nôn ra mật xanh mật vàng... nhưng chấp hành nhiệm vụ của Quân đội giao phó, tôi trở thành anh lính hải quân. Những ngày lênh đênh trên biển chở đá xây đảo, biển trở thành cuộc sống, thành máu thịt. Ký ức 3 năm ở biển có chăng chỉ đến khi chết mới có thể quên được”, ông Lương Viết Thoại tâm sự.
Về với đời thường, ông lăn lội với đủ công việc để sống, để nuôi hai con ăn học và xây dựng gia đình từ hai bàn tay trắng. Giữa cuộc vật lộn với cơm áo, ông vẫn không quên cây bút và chiếc máy ảnh đã gắn bó với mình suốt nhiều năm trong quân ngũ.
Ông miệt mài viết với đủ thể loại từ báo chí đến bài thơ, truyện ngắn hay tiểu thuyết. Ông viết như một cách để giải bày tấm lòng mình, như một cách "trả nợ" bạn bè người còn người mất, viết để “dịu” đi những khắc nghiệt của cuộc mưu sinh. Bạn đọc vẫn bắt gặp nỗi nhớ biển thường trực trong thơ Thái Tâm (bút danh của Lương Viết Thoại). Ông luôn dành cho biển một góc trang trọng trong gia tài sáng tác của mình.
Khi "CLB Báo chí - Văn nghệ Quỳ Hợp" được thành lập năm 2003, Lương Viết Thoại trở thành Phó chủ nhiệm CLB cho đến tận hôm nay với khoản hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng - mức hỗ trợ tượng trưng ấy không đủ để ông tiếp đãi bạn văn, bạn thơ.
“Tôi chỉ ao ước có đủ kinh phí để in một tập thơ về biển, như là một cách tri ân những người đã ngã xuống, những người đã sống, chiến đấu vì chủ quyền biển đảo quê hương” - ông đau đáu.
Dõi đôi mắt về phía Đông, nơi có biển – nơi trở thành một phần máu thịt, thành ký ức đẹp đẽ của cuộc đời quân ngũ, bằng chất giọng trầm ấm, mộc mạc, ông đọc:
..."Giờ đây trước biển ta tin
Ngày mai tất cả sẽ thành lời ca
Để mình ta hát, riêng ta
Rừng xanh nhớ sóng Trường Sa rối bời.
Đâu rồi ngày tháng xa khơi
Còn chăng ai nhớ cuộc đời của ta?
Còn chăng ơi biển Khánh Hòa
Anh em, đồng chí, Trường Sa, con tàu…”
(bài thơ Chia tay với biển – 1990)
"Dọc bờ cát trắng tôi đi
Cát mênh mông cát thấy gì nữa đâu
Trời xanh biển biếc một màu
Lả lơi xuống biển mấy tàu dừa xanh
Tôi lần theo dấu chân anh
Hỡi người lính biển vô danh thủa nào
Cát thơm còn đọng máu đào
Dưới chân tôi sóng biển trào đớn đau
Hãy về một phút bên nhau
Hỡi người dưới sóng bạc đầu nhớ thương
Tôi là người lính biên cương
Đèo cao đã trải biển sâu chưa từng
Hôm nay dưới cát chân trần
Tôi đi nghe cát ấm dần thịt da
Phải chăng máu của chúng ta
Đổ trên biển cát hóa thành niềm tin
Niềm tin ấm mỗi cuộc đời
Niềm tin làm bến đợi người xa khơi
Biển còn sóng gió đầy vơi
Thì người lính biển còn gian khổ nhiều
Tôi nghe trong sóng buổi chiều
Các anh đến giữa tình yêu cuộc đời
Các anh đến giữa tim tôi
Tôi thành lính biển, tôi thành niềm tin"
(bài thơ Viếng liệt sỹ Hải quân – Lương Viết Thoại)
Hoàng Lam