Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa: Tri ân những hùng binh mở cõi

(Dân trí) - Ngày 12/4 (nhằm ngày 16/3 âm lịch), tại đình làng An Vĩnh (xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã diễn ra Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây là nghi lễ tri ân những người con đất đảo đã ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm với lòng thành kính của 13 họ tộc trên đảo Lý Sơn nhằm tri ân công đức các bậc tiền nhân.

Các họ tộc trên đảo Lý Sơn đọc sớ tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân.
Các họ tộc trên đảo Lý Sơn đọc sớ tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Trưởng tộc họ Nguyễn ở Lý Sơn - cho biết: Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa của người dân sống trên đảo Lý Sơn đã có cách đây hơn 400 năm. Vào tháng 2 âm lịch hằng năm, triều đình nhà Nguyễn ra đảo Lý Sơn tuyển mộ 70 tráng dân mạnh khỏe, bơi lội giỏi để gia nhập đội hùng binh Hoàng Sa. Mỗi dân binh được vua ban 6 tháng lương thực, 1 chiếc chiếu, 3 sợi dây mây, 7 nẹp tre và 1 thẻ bài.

70 người lên 5 thuyền câu ra vùng biển quần đảo Hoàng Sa tuần canh, đến tháng 8 âm lịch thì trở về đảo Lý Sơn. Thường thì những dân binh này có đi nhưng không về, vì thế ở Lý Sơn lưu truyền những câu ca đầy bi tráng: "Hoàng Sa trời nước mênh mông. Người đi thì có mà không thấy về. Hoàng Sa mây nước bốn bề. Tháng Ba khao lề thế lính Hoàng Sa".

Chính vì sự nguy hiểm đó nên trước khi lên thuyền làm nhiệm vụ theo lệnh vua ban, các họ tộc trên đảo tổ chức lễ khao lề để yên lòng người ra đi. Từ đó đến nay, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm nào cũng được tổ chức, hàng nghìn con cháu các tộc họ trên đảo soạn lễ vật, nhang đèn với lòng thành kính dâng lên tổ tiên, ông bà đã có công mở cõi.


Lễ vật trong lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

Lễ vật trong lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

"Từ xa xưa các bậc tiền nhân của chúng tôi đã vâng mệnh triều đình đi làm nhiệm vụ tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Vì vậy, hàng năm các tộc họ ở Lý Sơn đều tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tri ân công lao của tổ tiên, qua đó giáo dục thế hệ trẻ noi gương ông cha trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc", ông Phúc chia sẻ.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn được tổ chức hằng năm vào tháng 2 âm lịch tại các tộc họ và vào ngày 16 tháng 3 âm lịch tại Âm linh tự. Hầu hết các tộc họ trên đảo Lý Sơn đều có người đăng lính Hoàng Sa. Vì vậy, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là một nghi thức mang đậm yếu tố tín ngưỡng dân gian của cư dân Lý Sơn, thể hiện khát vọng sống, khát vọng cống hiến cho tổ quốc và cầu mong linh hồn những người đã hy sinh được siêu thoát.


Lễ thả thuyền nan và hình nhân thế mạng.

Lễ thả thuyền nan và hình nhân thế mạng.


Lễ thả thuyền nan và hình nhân thế mạng.

Lễ thả thuyền nan và hình nhân thế mạng.


Tiếng ốc u tưởng nhớ những hùng binh Hoàng Sa.

Tiếng ốc u tưởng nhớ những hùng binh Hoàng Sa.

"Ngày xưa, các bậc tiền nhân với những chiếc thuyền nan bé nhỏ đã đạp sóng ra khơi cắm mốc chủ quyền Tổ quốc. Là con cháu của những hùng binh Hoàng Sa, chúng tôi sẽ tiếp bước cha ông vươn khơi bám biển xây dựng quê hương, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng", ngư dân Nguyễn Văn Đệ (xã An Vĩnh, Lý Sơn) bày tỏ.

Sau lễ tế ở đình làng An Vĩnh là nghi thức thả thuyền tế ra biển. Người dân Lý Sơn đặt các hình nhân và linh vị, cùng những vật dụng tượng trưng mà những hùng binh Hoàng Sa năm xưa thường mang theo như lương thực, thực phẩm, ngư cụ trên các thuyền tế. Những thuyền này được đưa ra biển thả trôi theo dòng nước với mong ước cầu cho vong linh những người lính trong đội Hoàng Sa ngày xưa được siêu thoát; cầu mong cuộc sống yên bình cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng dân cư trên đất đảo Lý Sơn.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định: Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở để góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa lịch sử và thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân đã xả thân vì quê hương, đất nước. Từ cơ sở đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong việc tiếp nối cha ông giữ vững chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.

Hà Xuyên