“Đo” lại uy tín của đại biểu Quốc hội Võ Kim Cự sau đề xuất cách chức

(Dân trí) - Nói về thông tin đề xuất cách chức ông Võ Kim Cự, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm, nếu là ông Cự, trong trường hợp này, ông sẽ từ chức. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương thì nhận định, khi những sai phạm trong vụ việc Formosa đã được làm rõ, đề xuất kỷ luật cá nhân là quy trình bình thường…

Bên lề Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng nay, 4/4, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhận định, việc đề xuất cách chức ông Võ Kim Cự là việc bình thường vì khi đã xác định cụ thể vi phạm, xét một cán bộ không còn đủ tư cách để giữ cương vị công tác thì chiếu theo các quy định để xử lý.

Theo ông Nhưỡng, việc này cũng hợp với ý kiến dư luận đòi hỏi các cơ quan Đảng trong thời gian qua.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng bên hành lang hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng bên hành lang hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

“Đây cũng là việc bình thường, đừng nghĩ khó khăn hoặc phức tạp. Chúng ta cũng phải có thói quen chấp nhận vấn đề này. Bản thân những người trong cuộc cũng phải có thói quen chấp nhận vấn đề này. Thủ tướng cũng đã nói về văn hoá từ chức. Nếu là tôi, tôi sẽ từ chức chứ không đợi đến lúc xử lý kỷ luật, còn cơ quan có xử lý kỷ luật tôi là chuyện khác, chứ tôi không ngồi trong một thời gian dài được đâu, tôi không chịu được. Về mặt cá nhân tôi không chấp nhận được” – ông Nhưỡng nói.

Vấn đề xem xét tư cách đại biểu Quốc hội với ông Cự sau kết luận về trách nhiệm của UB Kiểm tra Trung ương, rồi đề xuất cách chức của Ban Thường vụ Đảng ủy khối cơ quan Trung ương vừa qua, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc này sẽ thực hiện theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội.

“Nếu thấy một đại biểu không còn đảm bảo các tiêu chuẩn quy định với người đại diện của nhân dân, các cơ quan của Quốc hội sẽ xem xét. Theo cá nhân tôi, lẽ ra các cơ quan không nên đưa ông Cự vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khi xung quanh một cá nhân đang có nhiều bức xúc như vậy. Nếu là ông Cự, tôi cũng không tham gia Quốc hội” – ông Nhưỡng trao đổi.

Để đánh giá tư cách đại biểu Quốc hội trong trường hợp này, ông Nhưỡng phân tích, theo quy định, đại biểu không còn uy tín được đo lường bằng nhiều thước đo khác nhau. Ví dụ, từ khía cạnh công tác cán bộ, có thể là các cơ quan Đảng thấy rằng nếu tiếp tục sử dụng con người này thì không có lợi cho Đảng, Nhà nước còn về phía dư luận, người dân nêu ý kiến cho rằng người đó không còn xứng đáng đại diện cho mình.

“Khi nào có sự khớp nối giữa ý Đảng và lòng dân thì chúng ta không ngần ngại trong việc ra quyết định. Ngoài ra còn những thước đo vô hình như đối với Đảng viên, với một người giữ cương vị cao, vị trí công tác hết sức nhạy cảm, nếu tự lượng thấy bản thân mình không còn đủ điều kiện gánh vác trách nhiệm thì cũng có thể lựa chọn ứng xử cho đúng, không tham quyền cố vị. Một người có khuyết điểm, nếu từ chức chắc sẽ được ghi nhận, tôn trọng hơn là cố tiếp tục” – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhận xét.

Ông Nhưỡng chốt lại: “Việc từ chức, theo ông Nhưỡng, có thể thậm chí chỉ dựa vào tiêu chí về “tình cảm”. Việc xin từ nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội cũng có thể tự thực hiện. Đã gọi là “từ chức” thì không cần phải quy định ràng buộc gì vì bản thân việc đó đã là văn hóa”.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương thì cho rằng, tinh thần xử lý, truy trách nhiệm những tổ chức, cá nhân liên quan tới sự cố Formosa xuất phát từ chỉ đạo của Thủ tướng và trong tất cả báo cáo của Chính phủ về Formosa cũng đề cập vấn đề này.

Thường bản thân cán bộ công chức, lãnh đạo không ai muốn mình sai lầm, phải nhận khuyết điểm. Nếu cơ quan thanh, kiểm tra đã chỉ rõ sai phạm của ông Võ Kim Cự trong việc để xảy ra sự cố Formosa thì việc Đảng uỷ doanh nghiệp khối Trung ương bỏ phiếu đề xuất hình thức kỷ luật với ông Cự là bình thường.

“Đề xuất hình thức kỷ luật đối với ông Võ Kim Cự là việc làm trước hết để quy trách nhiệm, xử lý trách nhiệm người đã trực tiếp để xảy ra sai phạm liên quan đến Formosa”, ông Phương nói và nhấn mạnh, đây là việc làm để ổn định lòng dân.

“Người dân sẽ thấy thoả đáng nếu nhà nước nghiêm khắc trong việc xử lý những tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm của Formosa”, Phó trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc xử lý cán bộ có trách nhiệm sẽ củng cố niềm tin của tổ chức Đảng với Chính phủ trong quá trình quản lý hành chính, đặc biệt khi vấn đề môi trường đang nổi cộm không chỉ tại Hà Tĩnh, mà ở nhiều địa phương khác.

Về quy trình xem xét tư cách đại biểu Quốc hội với ông Võ Kim Cự, ông Phương cho hay, Quốc hội chỉ xem xét dựa trên đề xuất, kiến nghị từ tổ chức hiệp thương, mặt trận tại địa phương, cụ thể là tỉnh Hà Tĩnh.

P.Thảo