Chủ tịch nước: Báo chí là kênh thông tin phản ánh trung thực nguyện vọng nhân dân
(Dân trí) - Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, báo chí cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát hiện, biểu dương, nhân rộng những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt và phát hiện, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống xã hội.
Tối 21/6, phát biểu tại Lễ trao giải báo chí Quốc gia năm 2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tích xuất sắc, đóng góp to lớn của đội ngũ những người làm báo cả nước, các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Chúc mừng các nhà báo vinh dự được trao Giải thưởng Báo chí Quốc gia, Chủ tịch nước khẳng định 92 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, đã ngày càng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, tích cực tham gia và đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với việc kịp thời phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, mô hình sáng tạo, gương người tốt việc tốt, báo chí còn là kênh thông tin phản ánh trung thực, sinh động tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Chủ động tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sau trái của các thế lực thù địch, phản động, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước.
Để báo chí nước nhà tiếp tục phát huy vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo cần quán triệt sâu sắc, tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện tốt vai trò định hướng dư luận xã hội, cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tham gia giám sát, phản biện xã hội.
Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc phát hiện, biểu dương, nhân rộng những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; phát hiện, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống xã hội. Chủ động phối hợp đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động.
Trong khi đó, ông Thuận Hữu- Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới toàn thể những người làm báo Việt Nam, các nhà báo lão thành, thân nhân, gia đình các nhà báo liệt sĩ, cùng đông đảo cộng tác viên và anh chị em làm công tác in ấn, phát hành báo chí trong cả nước nhân kỉ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Theo ông Thuận Hữu, công tác thu nhận, thẩm định tác phẩm, tổ chức chấm sơ khảo, chung khảo đã được tiến hành nghiêm túc theo Điều lệ Giải, chuyên nghiệp và công tâm.
Hội đồng sơ khảo đã chấm sớm, chọn được 129 tác phẩm tiêu biểu trình Hội đồng chung khảo. Hội đồng chung khảo đã chấm, xem xét, thảo luận và quyết định trao giải cho 95 tác phẩm thuộc 11 loại giải ở cả 4 loại hình báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử. Trong đó có 7 giải A, 24 giải B, 39 giải C và 25 giải khuyến khích.
Phóng viên Thế Kha - Ban Thời sự, Báo điện tử Dân trí - giành giải Khuyến khích với loạt bài “Ai chịu trách nhiệm vụ Formosa?”.
Ông Thuận Hữu nhận định, những tác phẩm đọat giải đều là những tác phẩm tiêu biểu, có tính phát hiện, tính chiến đấu cao, có tính lan tỏa, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, tập trung phản ánh những vấn đề lớn của đất nước. Nhiều tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc về công sức, trí tuệ, ý thức trách nhiệm cao và đặc biệt là tính sáng tạo của từng tác giả và nhóm tác giả trong cách thể hiện, nhất là áp dụng những công nghệ làm báo tiên tiến, góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu của giải thưởng báo chí quốc gia.
K.Xuân Lộc