“Không trục lợi quy hoạch nhưng có biểu hiện lợi ích nhóm”
(Dân trí) - Nhận trách nhiệm trong việc còn quá nhiều vi phạm về hoạt động xây dựng, xây dựng không phép, trái phép tại các đô thị lớn nhưng Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà không thể cam kết với đại biểu Quốc hội về việc chấm dứt trình trạng này. Ông phân tích, như vụ Mường Thanh, Bộ thanh tra, chỉ rõ sai phạm nhưng xử lý trách nhiệm lại thuộc quyền TP Hà Nội.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng tại UB Thường vụ Quốc hội sáng 16/8 bắt đầu với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng).
Đại biểu nhận định, thực tế vừa qua cho thấy quy hoạch đô thị ở Việt Nam rất thiếu tầm nhìn dẫn đến tình trạng đô thị nào cũng vướng mắc về vấn đề xử lý rác thải, nước thải, đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM thì phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông, thiếu khu vui chơi, không gian công cộng. Bộ mặt đô thị thì xấu xí với những tuyến đường mọc lên toàn nhà siêu mỏng, siêu méo. Đại biểu nghi vấn, có sự lợi dụng việc quy hoạch, thực hiện quy hoạch để trục lợi?
Bà Thuý cũng băn khoăn nhiều với hiện tượng thực hiện quy hoạch lộn xộn như khu đô thị mà không có có chợ, bệnh viện, trong sân bay lại mọc lên sân golf, giữa trung tâm thành phố vẫn lừng lững cao ốc… Đại biểu đặt câu hỏi: “Bộ trưởng đã chỉ đạo thế nào về việc này, đã xử lý trách nhiệm ai chưa?”.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà giải thích về tính đặc thù của quy hoạch xây dựng khi đây là loại quy hoạch vật thể, cần tính cả công trình hiện tại và những công trình sẽ có trong tương lai.
Việc làm quy hoạch đô thị thời gian qua đã phủ rộng với hơn 500 đô thị nhưng cũng có hạn chế về chất lượng lập quy hoạch. Quy hoạch có tầm nhìn chưa ổn, có cái tầm nhìn quá ngắn, có cái lại quá dài, tiến trình đưa ra chưa phù hợp nên tính khả thi của quy hoạch chưa cao.
Hạn chế khác, theo Bộ trưởng là trong khâu tổ chức thực hiện quy hoạch, như thực hiện chậm, chắp vá. Việc này là do cơ quan chức năng chưa làm đúng chức trách của mình, đáng ra khi ban hành quy hoạch thì phải có kế hoạch thực hiện đi liền. Rồi khâu thanh tra kiểm tra cũng làm nhưng chưa liên tục. Đặc biệt việc xử lý vi phạm chưa dứt khoát kịp thời dẫn đến… nhờn.
Bộ trưởng cũng thừa nhận có lúc buông lỏng khâu thực hiện quy hoạch này, dẫn đến hệ luỵ như ùn tắc giao thông, ngập lụt đô thị, sử dụng đất không hiệu quả, vi phạm việc cấp phép xây dựng.
“Còn có hiện tượng trục lợi hay không thì về tổng thể có thể nói là không có nhưng ở một số vụ việc cụ thể thì cũng có biểu hiện lợi ích nhóm trong việc này” – Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đáp lời đại biểu.
Ông Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận Bộ Xây dựng có trách nhiệm về vấn đề này như việc quy hoạch còn nhiều điểm phức tạp, đề ra những mục tiêu nặng nề mà thiếu tính khá thi; việc phối hợp với các địa phương để thanh kiểm tra thì còn những thời điểm chưa chặt chẽ, liên tục…
Bộ trưởng khẳng định tới đây sẽ quan tâm hơn tới vấn đề đang bức xúc dư luận là điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện, có biểu hiện lợi ích nhóm.
Bộ thanh tra sai phạm tại Mường Thanh, xử lý trách nhiệm thuộc… Hà Nội
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà trong lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ (Hậu Giang) bức xúc với vấn đề xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm đất công, rừng đặc dụng, đất quốc phòng an ninh. Thanh tra chuyên ngành đều có lực lượng để kiểm tra nhưng việc xử lý chưa nghiêm, vẫn để tình trạng vi phạm xảy ra.
Đại biểu “truy” trách nhiệm của Bộ trưởng Xây dựng trong việc này, Bộ trưởng có cam kết để thời gian tới hiện tượng này không tiếp tục xảy ra?
Xác nhận hiện tượng vi phạm quy định xây dựng tại đô thị là một thực tế, là một hạn chế trong khâu thực hiện quy hoạch, xây dựng sai phép được cấp, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng chỉ rõ, địa bàn trọng điểm là Hà Nội, TPHCM.
Theo thông tin ông Hà đưa ra, hiện tỷ lệ xây dựng sai phép, không phép dù đã giảm dần (10%/năm) nhưng cũng còn rất lớn.
Năm 2016 có khoảng 12-13% các công trình xây dựng với hơn 15.000 trường hợp vi phạm về giấy phép xây dựng. Điều đáng chú ý là nhiều trường hợp sai phạm chỉ được phát hiện khi báo chí, dư luận lên tiếng. Việc xử lý sau đó nhiều khi cũng không dứt điểm.
“Trong việc này có trách nhiệm của Bộ Xây dựng. Hiện chúng tôi đang trình Chính phủ xem xét ban hành nghị định thay thế nghị định 21 về xử phạt trong lĩnh vực xây dựng để tăng hiệu lực của hoạt động này, đưa ra công cụ kiểm soát tốt hơn. Chúng tôi nhận trách nhiệm nhưng cam kết thời gian tới có chấm dứt trình trạng vi phạm không thì cá nhân Bộ trưởng cũng không dám cam kết vì việc này cần sự phối hợp của các cấp ngành và cơ quan chuyên môn.
Nhưng chúng tôi cũng hứa, trong năm nay sẽ tập trung xử lý, thanh tra một số dự án, điểm nóng cụ thể. Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng kiểm tra một số công trình, dự án bất động sản có quy mô sử dụng đất lớn. Bộ đang tổng hợp và sẽ sớm có báo cáo tổng hợp hơn, toàn diện hơn về lĩnh vực quản lý đô thị” – Bộ trưởng Xây dựng phân trần.
Với yêu cầu thêm của đại biểu là nêu cụ thể những trường hợp cá nhân Bộ Xây dựng đã xử lý trách nhiệm, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà dẫn chứng, vừa qua thanh tra Bộ này đã vào cuộc làm rõ sai phạm trong dự án của Mường Thanh tại khu Linh Đàm (Hà Nội) mà dư luận từng đề cập nhiều. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm sau thanh tra, theo ông Hà, trách nhiệm thuộc địa phương và Hà Nội đang đôn đốc việc xử lý này.
P.Thảo