Bộ Giáo dục: Sẽ không có phòng trong vụ, giảm 54 lãnh đạo

(Dân trí) - Ngày 2/3/2017, Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2016.

Ngày 2/3/2017, Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2016.

Thứ trưởng thừa nhận “bệnh thành tích” tại một số địa phương

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng tại cuộc họp giám sát sáng 2/3.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng tại cuộc họp giám sát sáng 2/3.

Kết quả rà soát biên chế công chức, số lượng viên chức và người làm việc hiện có của Bộ cho thấy, biên chế công chức hành chính năm 2011 được giao 609 người; thực hiện 546 người; tháng 12/2016 được giao 605 người; thực hiện 504 người. Số lượng viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc năm 2011 là 35.077 người, tháng 12/2016 là 32.900 người.

Việc giảm biên chế viên chức toàn ngành giáo dục, theo đại diện Bộ GD-ĐT, chưa đạt mục tiêu. Số viên chức được giao là 35.000, số người cần giảm là 3.500, còn 31.570 người, song con số thống kê ở thời điểm 12/2016 là 32.900 người, vẫn cao hơn mục tiêu đặt ra là 1.330 người.

Đoàn giám sát nhận xét, biên chế công chức hạn hẹp nhưng tỷ lệ lãnh đạo/chuyên viên, người lao động ở một số đơn vị khá lớn (như Vụ Tổ chức cán bộ 11/11; Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục 18/30).

Giải trình thêm vấn đề này, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng thừa nhận, tỷ lệ lãnh đạo so với chuyên viên, người lao động thời gian qua còn lớn. Đây là vấn đề của quá khứ. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp phòng hoàn toàn phù hợp với Nghị định 32 năm 2008 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 32, Bộ đã quán triệt nghiêm túc chủ trương cấp vụ không có cấp phòng. Hiện cả bộ có 18 phòng, nếu giảm đi, mỗi phòng có 3 lãnh đạo thì sẽ giảm được 54 lãnh đạo, chỉ còn vụ trưởng, vụ phó.

Đối với các cục, Thứ trưởng Hùng cũng khẳng định sẽ giảm số lượng phòng trong cục đến mức tối thiểu và phải giảm thấp nhất tỷ lệ lãnh đạo quản lý, nhưng vẫn đảm bảo được nhiệm vụ.

Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nêu vấn đề khác, số lượng trường được công nhận chuẩn quốc gia hiện rất nhiều, nhất là hệ thống trường phổ thông nhưng việc thiếu, nợ tiêu chí cũng rất nhiều mà có những tiêu chí nợ không biết bao giờ trả được. Ông Cương dẫn chứng một vài biểu hiện như nhiều trường trung học cơ sở nhưng bàn ghế của tiểu học, nhiều trường đại học, kể cả học viện, kê khai không đúng số lượng giáo viên cơ hữu.

Thừa nhận “bệnh thành tích” khi nhiều trường đạt chuẩn quốc gia nhưng chuẩn hình thức, nợ chuẩn, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng lý giải, Bộ Giáo dục – Đào tạo ban hành quy định về đảm bảo chuẩn nhưng thẩm quyền phê duyệt trường đó có đạt chuẩn hay không lại do các tỉnh quyết định, do vậy trách nhiệm đầu tiên thuộc địa phương, nhưng Bộ có trách nhiệm trong việc thanh tra chưa tới chốn.

Thứ trưởng Hùng quả quyết, Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra. Đối với những trường đại học kê khai không đúng giáo viên hữu cơ cũng vậy, Bộ sẽ kiểm tra và gắn trách nhiệm người đứng đầu, phát hiện sai phạm sẽ xử lý, có thể cắt giảm chỉ tiêu nếu kê khai không chính xác.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Hận chất vấn về cơ sở pháp lý cho việc tăng tổ chức bộ máy, bởi không thể nói do nhu cầu thực tiễn, cứ có yêu cầu là thành lập.

Nhiều ý kiến trong Đoàn đề nghị bỏ biên chế trong đơn vị sự nghiệp để giảm biên chế, giảm gánh nặng ngân sách, thực hiện hợp đồng hành chính, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Đại diện Bộ GD-ĐT bày tỏ sự đồng tình với quan điểm bỏ biên chế đơn vị sự nghiệp ở các trường, bởi thực tế nhiều trường hợp cán bộ khi được tuyển dụng, có biên chế là cảm thấy yên tâm cả đời, sự nỗ lực phấn đấu để nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn không còn tốt.

“Nếu tuyển dụng diện hợp đồng, có cạnh tranh, đào thải sẽ buộc cán bộ viên chức phải phấn đấu hơn chứ đưa vào biên chế rồi, đưa ra rất khó. Nên bỏ biên chế đơn vị sự nghiệp kể cả ở các trường và các đơn vị hành chính” - Thứ trưởng Hùng nói.

“Phê” Bộ TN-MT về công tác luân chuyển cán bộ

Đoàn giám sát của Quốc hội lần lượt làm việc với các Bộ, ngành về vấn đề cải cách tổ chức bộ máy hành chính.
Đoàn giám sát của Quốc hội lần lượt làm việc với các Bộ, ngành về vấn đề cải cách tổ chức bộ máy hành chính.

Tại cuộc làm việc với Bộ TN-MT, báo cáo với Đoàn giám sát, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, trong 2 năm triển khai thực hiện đề án tinh giản biên chế; các đơn vị thuộc Bộ đã tinh giản được 468 người.

Một điểm hạn chế được đại diện Bộ TN-MT nêu rõ, công tác luân chuyển cán bộ của Bộ được đánh giá “chưa được triển khai quyết liệt”. Tổ chức bộ máy của ngành còn có sự giao thoa, chưa rõ trách nhiệm với các ngành khác.

Bên cạnh đó việc phối hợp giữa Bộ với các bộ, ngành, địa phương, giữa các đơn vị trực thuộc Bộ, nhất là trong các lĩnh vực còn chưa đi vào thực chất, hiệu quả...

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, nhờ việc phân cấp trong hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, Bộ có điều kiện tập trung vào hoàn thiện thể chế, quản lý vĩ mô, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật. Việc phân cấp đã làm tăng trách nhiệm cho địa phương.

Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám – Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định sát ghi nhận sự tích cực của Bộ TN-MT trong thực hiện chủ trương cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước. Thực tế, đây là một trong những bộ đầu tiên thực hiện xác định vị trí việc làm, cũng như thực sự cắt giảm được bộ máy bên trong, góp phần thu gọn đầu mối quản lý Nhà nước, dù là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tiếp tục được giao bổ sung nhiệm vụ trong giai đoạn 2011 - 2016.

Tuy nhiên, ông Định lưu ý, khi tự Bộ đã nhận thấy bộ máy hành chính chưa thực sự tinh gọn, thì cần tận dụng cơ hội xây dựng các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ và các cơ quan trực thuộc để xác định lại các chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, tạo điều kiện sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy hơn nữa. Bộ cũng cần chủ động rà soát tổ chức bộ máy hành chính của ngành trên cả nước, qua đó rút ra những kiến nghị xác đáng với Quốc hội, Chính phủ.

P.Thảo