53 vụ án tham nhũng được chỉ đạo xử lý: Không có vùng cấm!
(Dân trí) - Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tăng cường phối hợp với các cơ quan tố tụng để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp.
Trước kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội tập hợp nội dung trả lời kiến nghị của cử tri Đồng Nai từ Ban Nội chính Trung ương.
Cử tri đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cần tăng cường công tác chỉ đạo, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát đối với cấp tỉnh, huyện, xã nhằm làm chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng ở mọi cấp, mọi ngành, từ Trung ương đến địa phương.
Đáp lại ý kiến này, Ban Nội chính Trung ương khẳng định, thời gian qua Ban đã tích cực, chủ động trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng. Nhất là chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực này, tạo cơ sở chính trị, pháp lý đồng bộ cho công tác phòng chống tham nhũng.
Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán để kịp thời phát hiện và xử lý tiêu cực, tham nhũng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước. Quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo đã trực tiếp theo dõi, chỉ đạo xử lý 53 vụ án, 32 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, các cơ quan chức năng đã đưa ra xét xử sơ thẩm 29 vụ/380 bị cáo, với những mức án nghiêm khắc và nhân văn, với quan điểm chỉ đạo “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong phòng chống tham nhũng.
Ban cũng chỉ đạo kịp thời cung cấp, công khai thông tin, định hướng tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, nhất là chủ động thông tin về những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm trong xử lý tham nhũng..., đã giúp cho công tác phòng chống tham nhũng đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt. Kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên được tăng cường, được người dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ, đánh giá cao, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Theo đó, trong 5 năm (từ 2013 - 2017), Ban Chỉ đạo đã tổ chức 40 đoàn công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, có 9 đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác này tại 11 ban cán sự đảng bộ, ngành Trung ương. 31 đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại các cơ quan: Ban cán sự đảng Thanh tra, Chính phủ, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao và 63 ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
Các đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng tại 678 cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc của các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy.
Qua kiểm tra, giám sát, đôn đốc, các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo đã đưa ra 404 kiến nghị về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; về cơ chế, chính sách pháp luật và tổ chức bộ máy, về công tác phát hiện, xử lý tham nhũng. Kiến nghị chỉ đạo xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với 452 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Về nhiệm vụ trọng tâm công tác thời gian tới, cơ quan trả lời cử tri cho biết, Ban Chỉ đạo tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng (Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Tố cáo sửa đổi). Chỉ đạo quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc (“tham nhũng vặt”). Kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan phòng chống tham nhũng.
Nhiệm vụ tiếp theo là chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Chỉ đạo khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Tăng cường phối hợp các cơ quan tố tụng để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng trong thực hiện các nhiệm vụ về phòng chống tham nhũng.
P.Thảo