Nếu có phải cởi áo từ quan, cũng phải ngẩng cao đầu!

(Dân trí) - Mong ông Hải quyết liệt hơn, vững vàng hơn và cũng nên “kín kẽ” hơn bởi thế lực phản đối ông vì lợi ích cũng có, vì họ không làm (hoặc không làm được) khi ông làm sẽ lộ rõ chân tướng yếu kém của họ cũng có. Mạnh mẽ lên, ông Hải. Nói là làm. Nếu có phải “cởi áo từ quan” thì cũng ngẩng cao đầu!

Nếu có phải cởi áo từ quan, cũng phải ngẩng cao đầu! - 1

Có thể nói, việc trả lại vỉa hè cho người đi bộ tại TP Hồ Chí Minh những ngày qua là một “cuộc chiến” tuy không thương vong, đổ máu nhưng cũng đầy quyết liệt, đòi hỏi một quyết tâm rất lớn của các lực lượng chức năng.

Sau 40 ngày ra quân (16/1) với lời “tuyên chiến” đầy thách thức “Nếu không đòi lại được vỉa hè, tôi sẽ cởi áo từ quan” của ông Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải, đến nay diện mạo đường phố TP HCM đã có nhiều đổi khác.

Theo những gì PV Dân trí ghi lại, hè phố đã ngăn nắp và thông thoáng hơn trước rất nhiều. “Cuộc chiến” đã và đang giành được sự ủng hộ của lãnh đạo Thành phố và đông đảo quần chúng nhân dân. Đặc biệt ghi nhận, nó không chỉ có sức lan tỏa trong địa bàn thành phố mà còn “động rừng” tận Thủ đô Hà Nội. Một số phường thuộc Quận Hoàn Kiếm đã ra quân, tuy chưa quyết liệt và cũng chưa có lời “tuyên chiến” khẳng khái, “một mất, một còn” như ông Phó Chủ tịch Hải.

Song gần đây, có một số ý kiến bày tỏ chưa đồng tình với cách làm của Quận 1.

Lý do, họ cho rằng việc làm này ảnh hưởng đến đời sống của một số người nghèo. Rằng đây chỉ là giải quyết phần ngọn bởi gốc rễ vẫn là công ăn việc làm và thu nhập cho những hộ dân lâu nay sống dựa vào việc nuôn bán trên vỉa hè. Có cả một số ý kiến còn cho rằng, việc làm này là vi phạm điều này, điều nọ.

Bên đồng tình thì dẫn những qui định để chứng minh làm thế là không sai. Bên phản đối thì dẫn những điều khoản để khẳng định không đúng.

Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng lý do viện dẫn người nghèo chưa thỏa đáng bởi thực tế, việc xâm lấn vỉa hè chủ yếu là những hộ có nhà mặt tiền, thuộc tầng lớp trung lưu (thực ra, mỗi căn nhà mặt tiền thường trị giá hàng tỉ đến cả trăm tỉ đồng nên không thể gọi là nghèo được). Vả lại, không vì viện cớ nghèo mà có thể vi phạm pháp luật hoặc chí ít, tước đi quyền lợi của những người khác, trong đó cũng có không ít người nghèo.

Về quan điểm cho rằng đây chỉ là giải quyết phần ngọn thì đúng rồi nhưng trong khi chưa có điều kiện để giải quyết phần gốc thì làm phần ngọn là cần thiết. Và biết đâu, chính từ việc làm “phần ngọn” này lại là cơ sở để giải quyết “phần gốc”.

Về khía cạnh luật pháp, tôi tự thấy hiểu biết của mình rất hạn chế nên cứ rối tinh rối mù. Song, tôi nghĩ luật gì thì luật, nó cũng phải đạt được đến chân lý của cuộc sống. Đó là cái gì của ai thì phải thuộc về người đó, của dân thì trả lại cho dân. Vỉa hè là của người đi bộ thì trả lại cho người đi bộ.

Mưu sinh của người này không được xâm phạm quyền mưu sinh của người khác. An toàn của người này không được xâm phạm an toàn của người kia.

Đặc biệt là không cho phép ai đó trục lợi trong việc này bởi như dư luận, không có cái gì cho không mà còn có ít nhiều… “bôi trơn, thuế phí”?!

Đối với bốt bảo vệ của ngân hàng cũng vậy. Lấn chiếm vỉa hề thì phải dẹp. Ngân hàng muốn bảo vệ tài sản của mình thì rút vào đất của ngân hàng. Sợ mất tiền ngân hàng, sao không sợ mất mạng của dân?

Tóm lại, luật pháp là của dân lập nên (thông qua đại diện của dân là Quốc hội). Vì thế, trước hết nó phải hợp lòng dân và nên ghi nhớ câu “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm” của Hồ Chủ tịch.

Nhớ lại cách đây mấy chục năm, khi Chính phủ đã ban hành qui định về Đường thông, hè thoáng lúc đầu cũng gặp không ít ý kiến phản đối, nên việc làm của UBND Quận 1, dù được sự đồng tình của UBND TP HCM vẫn có ý kiến này nọ cũng là điều dễ hiểu.

Đó là chưa kể những người khi làm cũng phản đối mà không làm cũng… phản đối.

Thực lòng nếu được góp ý, chỉ mong ông Hải quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn và cũng nên “kín kẽ” hơn bởi thế lực phản đối ông vì lợi ích cũng có, vì họ không làm (hoặc không làm được) khi ông làm sẽ lộ rõ chân tướng yếu kém của họ cũng có thể có.

Là quản lý nhà nước, cần lắng nghe dư luận nhưng cũng không mù quáng hành động theo dư luận. Trong khi ở đây, ông càng vững tin bởi số người đồng tình đang nhiều hơn rất nhiều số người phản đối.

Mạnh mẽ lên, ông Hải. Nói là làm. Nếu có phải “cởi áo từ quan” thì cũng ngẩng cao đầu!

Bùi Hoàng Tám