Đại gia Bê, những chuyện “lùm xùm” & xây chùa… xá lạy!
(Dân trí) - Tôn giáo không thể trở thành một thứ dịch vụ xã hội và càng không để cơ chế thị trường xô đẩy trong vòng quay mua - bán. Sự vụ lợi tiền bạc nơi cõi Phật sẽ tàn phá cõi linh thiêng. Khi đồng tiền thao túng chốn chính trường là mối nguy của thể chế. Khi đồng tiền thao túng chốn tâm linh làm rối loạn tâm linh.
Tin đại gia Trầm Bê bị khỏi tố, tạm giam xôn xao dư luận những ngày qua. Lý do, theo cơ quan điều tra, ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB) xảy ra tại Ngân hàng Sacombank.
Thông tin này chấn động đến mức có người còn cho rằng vụ Trịnh Xuân Thanh bỗng trở thành… con muỗi.
Sự việc như thế nào? Có sai phạm hay không? Sai phạm đến đâu?... chắc chắn sau này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ và việc đại gia Bê có tội hay không có tội sẽ được sáng tỏ tại tòa.
Song, chuyện đại gia Bê bị tạm giam khiến người viết bài này nhớ lại mấy vụ “lùm xùm” của ông này như con trai bị bắt cóc tống tiền, phải lặng lẽ mang tiền 10 triệu USD đi chuộc hay con tê giác mất sừng tại tư dinh mà Vietnam Net ngày 3/8 cũng vừa đăng lại trong bài “Trầm Bê chấn động: Phi vụ con trai bị bắt cóc, mất sừng tê giác tiền tỷ”.
Tuy nhiên, có lẽ ”đình đám” nhất là vụ xây chùa ở Trà Cú, Trà Vinh được báo Dân trí phản ánh hồi tháng 4/2013.
Việc doanh nhân bỏ tiền xây đình chùa, nơi thờ tự không lạ. Nhưng bỏ tiền để treo hình ảnh của gia đình mình giữa chùa thì quả là ngang ngược đến lố bịch.
Nên dạo đó, trên báo Dân trí, Thượng tọa Lý Hùng - Uỷ viên Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải thốt lên: “Gia đình ông Trầm Bê không phải là thần thánh mà được treo hình ảnh của mình giữa chánh điện chùa. Bởi khi phật tử đến chùa, đi ngang chánh điện, họ chắp tay xá lạy Phật chứ không phải xá lạy gia đình ông Trầm Bê. Ở đây hình ảnh của gia đình ông Trầm Bê treo như thế thì khác nào họ xá lạy gia đình ông này”.
Đành rằng việc góp công sức, tiền bạc để xây dựng miếu mạo, đình chùa là việc làm thiện nguyện, cần tôn trọng và khuyến khích. Song, nhà chùa không phải là tư gia và càng không phải cái chợ. Tôn trọng tự do tín ngưỡng cũng không có nghĩa là người có tiền muốn làm gì thì làm.
Những việc làm thiện nguyên phải xuất phát từ sự vô tư, trong sáng, không vụ lợi như lời của Thượng tọa Lý Hùng: “Làm thiện về cho mình thì chỉ hưởng cho mình, làm để cho thấy riêng mình thôi là điều Đức Phật không dạy”.
Được biết không chỉ xây chùa, đại gia Bê còn rất chăm làm từ thiện. Đây là những việc làm rất tốt nếu nó bắt nguồn từ thiện tâm và đặc biệt, nó phải được làm bằng đồng tiền thật, tức là tiền mồ hôi, nước mắt.
Ngược lại, nó sẽ trái đạo lý và phản tác dụng nếu đó là những đồng tiền bẩn nhờ sự ranh ma, lươn lẹo, lừa lọc mà có. Giả sử lừa đảo, tham nhũng được 100 ngàn tỉ, bỏ ra 10-20% (10-20 ngàn tỉ) để từ thiện hay cúng dường thì chẳng trời phật nào phù hộ.
Trở lại với đại gia Bê. Xin nhắc lại, cho đến thời điểm này, chưa thể khẳng định tiền của ông Bê xây chùa là “sạch” hay “bẩn”. Song chỉ cái việc cho đem ảnh mình vào thờ nơi chính điện là một sự ngang ngược, hợm hĩnh của kẻ có tiền.
Tôn giáo không thể trở thành một thứ dịch vụ xã hội và càng không để cơ chế thị trường xô đẩy trong vòng quay mua - bán. Sự vụ lợi tiền bạc nơi cõi Phật sẽ tàn phá cõi linh thiêng.
Khi đồng tiền thao túng chốn chính trường là mối nguy của thể chế. Khi đồng tiền thao túng chốn tâm linh làm rối loạn tâm linh.
Và thảm thương thay cho những cái đầu “trọc phú”, luôn ảo tưởng rằng có tiền mua là được cả tiên Phật, sai bảo cả thần linh.
Do đó biết đâu, vì những việc như thế này mà đại gia Bê không chỉ bị pháp luật trừng phạt mà còn bị Trời Phật… quở?
Bùi Hoàng Tám