Bốn sai lầm phổ biến nhất của người Việt khi tham gia Bảo hiểm Nhân thọ
(Dân trí) - Càng nhận thức những sai lầm phổ biến khi tham gia bảo hiểm, người Việt càng rút được nhiều bài học đắt giá để có quyết định đúng đắn trước khi đặt bút ký hợp đồng bảo vệ bản thân và gia đình trong tương lai.
Lựa chọn sai thời điểm tìm hiểu Bảo hiểm (BHNT)
Nhiều người nói rằng “khi nào cần BHNT thì sẽ mua”, vậy chính xác khi nào chúng ta mới cần đây? Đó chẳng phải lúc ta đau ốm, bệnh tật phải điều trị, hay lúc ta nằm viện dài ngày do tai nạn, nghiêm trọng hơn là lúc đột ngột rời khỏi thế giới này?
Đồng ý rằng khi rủi ro xảy ra, ta rất cần BHNT – chính xác hơn là cần số tiền đền bù theo hợp đồng BHNT mang lại. Nhưng nếu trước đó ta không lựa chọn ký tên tham gia, thì khi rủi ro sẽ không thể nhận tiền bồi thường bảo hiểm. BHNT khác với những loại hàng hóa, dịch vụ thông thường, bạn chỉ mua được BHNT khi bạn còn khỏe mạnh và đủ điều kiện để được cấp hợp đồng. Khi bạn gặp vấn đề về sức khỏe, rủi ro không còn đủ điều kiện tham gia, bạn sẽ không mua được bằng bất kỳ giá nào.
Nếu trả lời cho câu hỏi “Thời điểm nào là tốt nhất để tham gia BHNT” thì câu trả lời chính là bây giờ. Ngay chính bây giờ là thời điểm tốt nhất để bạn tìm hiểu và có cho mình một hợp đồng bảo hiểm với mức phí phải chăng nhất và được bảo vệ ngay lập tức.
Mua mệnh giá bảo hiểm không phù hợp
Đa số khách hàng hủy hợp đồng giữa chừng vì lý do mua mệnh giá bảo hiểm không phù hợp. Nếu mua mức quá cao sẽ khó theo các năm tiếp theo. Từ việc tham gia BHNT để tiết kiệm số tiền nhỏ hình thành giá trị bảo vệ lớn nhưng lại trở thành gánh nặng tài chính cho gia đình. Hoặc cũng có nhiều khách hàng mua BHNT với mệnh giá thấp bởi tâm lý “mua ủng hộ người quen”, hoặc “mua cho có”, sau vài năm nhìn lại thấy quyền lợi thấp, giá trị tích lũy cũng thấp hơn so với nhu cầu của gia đình nên hủy ngang hợp đồng giữa chừng.
Theo các chuyên gia tài chính, mức phí bảo hiểm phù hợp mỗi năm chỉ nên chiếm từ 10 – 15% thu nhập ổn định của gia đình tính theo năm để hình thành nên mệnh giá bảo hiểm tương xứng với mức sống khác nhau của mỗi gia đình.
Lấy ví dụ, gia đình 2 vợ chồng có thu nhập mỗi tháng 15 triệu (chồng) và 5 triệu (vợ), tổng thu nhập mỗi tháng của cả hai là 20 triệu/ tháng, tính ra thu nhập năm sẽ là 240 triệu đồng. Mức phí tham gia BHNT phù hợp sẽ dao động trong khoảng: 24 triệu – 36 triệu/ năm.
Không đọc kỹ các điều khoản hợp đồng
Một trong những khó khăn của công ty bảo hiểm trong quá trình kinh doanh tại Việt Nam là tình trạng khách hàng ”không thích” đọc hợp đồng để biết được các điều khoản chi trả, điều khoản loại trừ (không chi trả). Những điều khoản loại trừ liệt kê các trường hợp mà công ty bảo hiểm sẽ không thanh toán bồi thường, khách hàng cần nắm được để có thể tự biết trường hợp nào được trả, trường hợp nào không.
Không phải tất cả các rủi ro trong cuộc sống đều được BHNT bảo vệ. Nguyên tắc chung chính là, nếu công ty bảo hiểm không thể tính phí rủi ro cho sự kiện bảo hiểm A hoặc nếu tính thì mức phí rủi ro sẽ rất cao nên họ chủ động loại trừ sự kiện A khỏi danh sách được chi trả để khách hàng không phải đóng tiền cho phần phí rủi ro này, đảm bảo khách hàng được bảo vệ những rủi ro cần thiết khác trong cuộc sống và có mức phí đóng hợp lý.
Mỗi sản phẩm bảo hiểm đều có những điều khoản chi tiết, khách hàng cần đọc để đảm bảo quyền lợi của mình ngay từ khi nhận hợp đồng. Nhờ điều khoản Thời gian cân nhắc, khách hàng luôn có 21 ngày kể từ khi nhận bộ hợp đồng để đọc lại toàn bộ những thông tin, điều khoản trong hợp đồng để khẳng định lần nữa mong muốn tham gia và duy trì hợp đồng.
Hiểu sai về nghĩa vụ của đôi bên
Khi hợp đồng bảo hiểm được ký kết, nghĩa vụ được xác định rất rõ ràng: Doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm đảm bảo khả năng chi trả liên tục cho mọi quyền lợi của khách hàng nếu sự kiện bảo hiểm không bị loại trừ. Ngược lại, khách hàng là chủ hợp đồng có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đầy đủ và khai báo thông tin cá nhân khi thay đổi. Đó là nghĩa vụ để đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Mặc dù các công ty bảo hiểm đều đã triển khai nhiều hình thức đóng phí khác nhau để thuận tiện như qua bưu điện, qua ngân hàng, qua Payoo, ngân hàng trực tuyến, ATM, nộp tiền trực tiếp… nhưng còn rất nhiều khách hàng Việt chỉ quen đóng phí trực tiếp qua nhân viên thu phí. Điều này có thể gây chậm trễ trong việc đóng phí bởi các công ty BHNT có quy định mức phí tối thiểu để được sử dụng tiện ích thu phí tại nhà. Nếu dưới mức phí tối thiểu, khách hàng cần chủ động đóng phí để hợp đồng không bị mất hiệu lực.
Qua bài viết, Dân Trí đã giúp bạn đọc khái quát được những sai lầm phổ biến của người Việt khi tìm hiểu tham gia BHNT. Hãy tìm hiểu thật kỹ những quyền lợi và nghĩa vụ trong hợp đồng BHNT để có những quyết định dễ dàng nhưng chính xác.
Nguyễn Trung