Bài 9:

Ninh Bình: Sau “lệnh cấm” bãi cát lậu vẫn thả sức… tung hoành!

(Dân trí) - Sau một năm vào cuộc ráo riết dẹp bỏ các vụ vi phạm pháp luật đê điều, đến nay chính quyền tỉnh Ninh Bình “bó tay” với hàng loạt vụ vi phạm. Tình hình vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn diễn biến phức tạp, sau “lệnh cấm” bãi cát lậu vẫn thả sức tung hoành.

Bãi cát lậu vẫn ngang nhiên… tung hoành

Như Dân trí đã phản ánh trong loạt bài 8 kỳ trước về tình trạng vi phạm pháp luật đê điều và phòng chống thiên tai tại Ninh Bình diễn ra hết sức phức tạp, hơn một năm qua chính quyền tỉnh Ninh Bình đã ráo riết vào cuộc kiểm tra xử lý. Tuy nhiên, đến nay tình hình vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn đang còn diễn biến rất phúc tạp, chính quyền địa phương “bó tay” với hàng loạt vụ vi phạm.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, dọc theo đê tả, hữu sông Hoàng Long, đê Hữu sông Đáy, tả hữu sông Vạc… trên địa bàn các huyện Gia Viễn, Kim Sơn, Hoa Lư, thành phố Ninh Bình vẫn còn tồn tại nhiều bãi tập kết cát trái phép. Sau huyện Yên Khánh, Kim Sơn, Gia Viễn, các bãi cát lậu vi phạm pháp luật đê điều và phòng chống tiên tai ở huyện Hoa Lư vẫn thả sức tung hoành, bất chấp “lệnh cấm” của tỉnh Ninh Bình.

Một bãi cát lậu ngang nhiên hoạt động dọc đê hữu sông Hoàng Long trên địa bàn xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.
Một bãi cát lậu ngang nhiên hoạt động dọc đê hữu sông Hoàng Long trên địa bàn xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.

Theo đó, trên địa bàn xã Trường Yên, huyện Hoa Lư hiện nay đang có hai bãi cát lớn hoạt động không phép, bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận ra cả hai bãi tập kết cát này đều vi phạm pháp luật đê điều và luật phòng chống thiên tai một cách nghiêm trọng. Hai bãi cát tự phát này của hai hộ gia đình gồm: ông Nguyễn Văn Chiến ở thôn Chi Phong và Nguyễn Văn Sang ở thôn Trường Sơn (đều dọc theo đê hữu sông Hoàng Long).

Hai bãi cát này ngang nhiên tập kết cát cao như núi dọc theo mái đê phía sông, có chỗ còn đổ cát sát mép sông. Hàng ngày, có hàng chục xe tải vào các bãi cát này ăn hàng sau đó chở đến các công trình xây dựng trên địa bàn tiêu thụ. Mặt khác, phía dưới sông, các tàu thủy đổ hàng cập bến liên tục. Dù mùa mưa bão cận kề, tuy nhiên hai bãi cát này vẫn đang tập kết cát, việc mua bán diễn ra hết sức bình thường. Điều ngạc nhiên, hai bãi cát này nằm không xa khu dân cư cũng như đường lớn, nhưng lại không hề có sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức kiểm tra xử lý sai phạm.

Ông Nguyễn Đức Lợi – Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết, diện tích đất hộ ông Chiến và ông Sáng đang sử dụng làm bãi cát hiện nay thuộc đất xã quản lý, nhưng không hề cho hộ dân nào thuê mượn. Hai hộ dân này tự ý tập kết cát lên bãi để bán khoảng 2 năm nay. “Đây là các bãi cát tự phát, đổ sẵn trên các bến bãi bốc dỡ đá vật liệu cũ” – ông Lợi nói.

Cát lậu đổ cao hơn mặt đê nhiều mét nhưng không hề bị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xã Trường Yên kiểm tra xử lý.
Cát lậu đổ cao hơn mặt đê nhiều mét nhưng không hề bị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xã Trường Yên kiểm tra xử lý.

Về diện tích tổng thể hai bãi cát mà hai hộ dân đang lấn chiếm làm bãi cát trái phép, ông Lợi không nắm rõ. Đề cập đến việc kiểm tra xử lý tồn tại tại hai bãi cát này, ông Lợi cho hay, đã phối hợp với Hạt quản lý đê lập biên bản, sau đó xử phạt 3 triệu đồng. Còn việc yêu cầu các hộ dân ngừng tập kết cát, trả lại mặt bằng cho địa phương, ông Lợi cho rằng khó, vì địa phương đã rất nhiều lần yêu cầu nhưng hai chủ bãi vẫn cứ… làm ngơ

Điều bất thường là, hai bãi cát trái phép này không hề có trong danh sách những vụ vi phạm pháp luật đê điều và phòng chống thiên tai của Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình. Cũng vì thế mà chính quyền huyện Hoa Lư, xã Trường Yên không ráo riết kiểm tra xử lý, dẹp bỏ sai phạm. Sau “lệnh cấm” của UBND tỉnh Ninh Bình, phải chăng hai bãi cát lậu này có sự bao che của chính quyền địa phương, để mặc chủ bãi thả sức tung hoành?.

Vi phạm đê điều giảm so với cùng kỳ!

Báo cáo mới đây ngày 28/6/2018 của Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình cho thấy, hiện nay trên địa bàn vẫn còn tồn tại 67 vụ vi phạm pháp luật đê điều và phòng chống thiên tai (giảm 25 vụ so với cùng kỳ năm 2017). Cụ thể, huyện Kim Sơn còn 5 vụ, Yên Khánh 28 vụ, Hoa Lư 7 vụ, thành phố Ninh Bình 5 vụ, Gia Viễn 16 vụ, Nho Quan 3 vụ, Yên Mô 3 vụ; trong đó có 32 vụ vi phạm của các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp là “ông lớn” - các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình mà Dân trí đã đề cập đến trong những bài viết trước.

Hoạt động tập kết cát vẫn diễn ra ngang nhiên như chốn không người ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.
Hoạt động tập kết cát vẫn diễn ra ngang nhiên như chốn không người ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.

Theo Sở NN&PTNT Ninh Bình, các vụ vi phạm về tập kết cát, vật liệu xây dựng trong hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ đã cơ bản ngừng tập kết và giải tỏa di chuyển đi nơi khác. Các vụ vi phạm còn tồn tại chủ yếu là vi phạm cũ không có vi phạm mới phát sinh, các vụ vi phạm đã được lập biên bản kịp thời, tuy nhiên chưa được xử lý dứt điểm. Đã xử lý vi phạm hành chính được 18 vụ (Chi Cục Thủy lợi 3 vụ, UBND các xã 15 vụ).

Trong năm 2017, sau loạt bài phản ánh của báo Dân trí về tình trạng vi phạm pháp luật đê điều và phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Ninh Bình đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các huyện thành phố vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ vi phạm. Từ đầu năm 2018 đến nay, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố tiếp tục vào cuộc xử lý vi phạm.

UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo sát sao là vậy, dưới cấp huyện, xã lại “thờ ơ” trong việc vào cuộc xử lý vi phạm đê điều trên địa bàn. Điển hình, đến ngày 28/6/2018, các huyện, thành phố đều có báo cáo cụ thể các vụ vi phạm, nhưng huyện có vi phạm nhiều nhất là Gia Viễn vẫn chưa có báo cáo gửi về theo chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình cho Sở NN&PTNT, tiếp đó là UBND huyện Kim Sơn nơi bãi cát lậu tung hoành nhiều nơi dọc sông Vạc và đê Bình Minh cũng không hề có báo cáo theo đúng định kỳ về kết quả xử lý các sai phạm về pháp luật đê điều trên địa bàn.

Hai bãi cát lậu ở xã Trường Yên không hề có trong danh sách phải dẹp bỏ của Sở NN&PTNT Ninh Bình.
Hai bãi cát lậu ở xã Trường Yên không hề có trong danh sách phải dẹp bỏ của Sở NN&PTNT Ninh Bình.

Chính quyền cấp huyện, xã không chỉ “bó tay” trong cách giải quyết các vụ vi phạm, mà còn thể hiện rõ sự trông chờ, ỉ nại vào cấp trên. Tỉnh bảo đến đâu, huyện xã làm đến đó, xong rồi lại đâu vào đấy. Các vụ vi phạm vẫn tồn tại, ngang nhiên hoạt động. Đầu mùa mưa bão kiểm tra, xử phạt đôi ba triệu lấy lệ cho xong, đến mùa khô lại cho các bãi tiếp tục tập kết cát, vật liệu xây dựng hoạt động. Nhiều xã còn cho thuê đất thu phí, đồng nghĩa với việc tiếp tay cho sai phạm.

Theo Sở NN&PTNT Ninh Bình, tình trạng vi phạm pháp luật đê điều ở Ninh Bình vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, cần sự “mạnh tay” hơn nữa từ UBND tỉnh Ninh Bình để chỉ đạo UBND các huyện, thành phố vào cuộc, cương quyết cưỡng chế giải tỏa các vụ vị phạm. Các Sở ban, ngành cùng đồng hành vào cuộc may ra mới có kết quả khả quan hơn.

Hơn một năm ráo riết xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn, chưa biết đến bao giờ Ninh Bình mới dẹp bỏ hoàn toàn được tình trạng trên.

Ninh Bình: Sau “lệnh cấm” bãi cát lậu vẫn thả sức… tung hoành! - 5
Ninh Bình: Sau “lệnh cấm” bãi cát lậu vẫn thả sức… tung hoành! - 6
Chưa biết đến bao giờ, tình trạng vi phạm pháp luật đê điều ở Ninh Bình mới được dẹp bỏ hoàn toàn.
Chưa biết đến bao giờ, tình trạng vi phạm pháp luật đê điều ở Ninh Bình mới được dẹp bỏ hoàn toàn.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này đến bạn đọc.

Thái Bá