Xúc động người mẹ kế hiến thận cứu con trai riêng của chồng
(Dân trí) - Mặc dù không phải máu mủ nhưng bà Phạm Thị Minh Lý vẫn quyết tâm hiến một quả thận, cứu người con riêng của chồng đang mắc bệnh suy thận.
Câu chuyện bà Phạm Thị Minh Lý (SN 1969 - Vũ Thư, Thái Bình) hiến một quả thận, cứu người con của chồng cách đây vài năm vẫn được người dân địa phương nhắc đến như minh chứng về tình yêu và sự nhân hậu.
Bà Lý sinh ra trong gia đình nghèo, vì nhiều lý do nên bà muộn màng chuyện hôn nhân.
Cách nhà bà khoảng 500m là gia đình ông Trương Văn Ước (SN 1960). Ông Ước sớm sống cảnh "gà trống nuôi con" đã nhiều năm. Vợ mất, để lại cho ông hai người con là Trương Văn Lân (SN 1988) và Trương Văn Lượng (SN 1985).
Do hai gia đình quen biết, thân thiết từ trước nên anh Lân - con trai ông Ước hay sang nhà bà Lý chơi. Nhiều lần anh Lân nói, muốn mai mối bà Lý cho bố mình. Bà Lý cho rằng thanh niên trẻ hay nói đùa, vì vậy chẳng để tâm.
Một thời gian sau, ông Ước được sự ủng hộ của hai con trai, đã mạnh dạn sang dạm hỏi bà Lý trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Năm 39 tuổi, bà Lý được ông Ước rước về làm vợ trong sự mừng vui của tất cả mọi người. Tiệc cưới chỉ vài mâm cơm nhỏ nhưng chứa chan hạnh phúc.
Ngày ngày bà chắt chiu, xây dựng tổ ấm như bao người phụ nữ khác.
Mặc dù lớn tuổi nhưng bà hi vọng sinh thêm đứa con nữa, để gia đình thêm ấm cúng. Thế nhưng chờ đợi mãi vẫn chưa có tin vui. Bác sĩ tư vấn bà cần điều trị hiếm muộn.
Kế hoạch chưa kịp thực hiện, năm 2010, con trai thứ 2 của ông Ước phát hiện suy thận, ba năm sau, người con còn lại cũng đổ bệnh như vậy.
Bác sĩ tư vấn, cơ hội sống cho cả Lân và Lượng là ghép thận hoặc chạy thận. Phương án ghép thận phải tìm người hiến với các chỉ số phù hợp, đòi hỏi chờ đợi lâu dài.
Chi phí phẫu thuật là số tiền lớn đối với gia đình bà Lý. Trước mắt, chỉ có phương án chạy thận nhân tạo.
Mọi việc chăm sóc, đưa 2 con lên Hà Nội chạy chữa đều do bà Lý lo toan. Gia đình rơi vào khủng hoảng, bà Lý trở thành chỗ dựa tinh thần.
Những lần đưa con chồng đi bệnh viện, bà Lý càng xót xa, thương 2 đứa trẻ mồ côi mẹ, lại gặp phải bất hạnh.
Vợ chồng bà Lý thương con, đến vận động người thân tham gia xét nghiệm máu để tìm thận tương thích với hai anh em nhưng kết quả chẳng ai phù hợp, kể cả ông Ước.
Sau nhiều đêm trăn trở, bà Lý đề nghị chồng cho mình lên Hà Nội xét nghiệm. Nếu các chỉ số phù hợp, bà sẽ tặng cho Lân một quả thận. Giây phút bác sĩ thông báo, thận của bà hoàn toàn phù hợp để ghép, mọi cảm xúc như trào dâng.
Tuy nhiên, bà Lý hiến thận có nghĩa là từ bỏ thiên chức sinh nở của mình.
"Từ ngày bước chân về làm vợ ông Ước, tôi coi Lân và Lượng chẳng khác nào con đẻ của mình. Việc sinh thêm đứa con nữa không còn quan trọng bằng tính mạng của chúng", bà Lý nghẹn ngào.
Tin bà hiến thận cho con chồng loan đi khắp xóm. Một số người nói bà Lý dại, khuyên bà đừng cho nhưng bà gạt bỏ ngoài tai.
Chi phí cho ca phẫu thuật lên đến 300 triệu đồng. Vợ chồng bà bán những thứ giá trị trong nhà và vay mượn khắp nơi, lo đủ số tiền cứu con.
Ca phẫu thuật thành công. Hiện tại, Lân là người đàn ông khỏe mạnh, đã lấy vợ và sinh con. Hàng ngày, Lân uống thuốc chống đào thải và khám bệnh theo lịch hẹn của bác sĩ.
Ngày cưới Lân, bà Lý mặc bộ áo dài, đón con dâu về. Khi con dâu sinh nở, bà lại tỉ mẩn chăm sóc, điện thoại bà ngập tràn ảnh cháu nội.
Bà vui vẻ giơ mấy bức ảnh ra khoe, ánh mắt đầy lấp lánh. Mặc dù không nói ra nhưng ai nấy đều hiểu, bà đang sống những an nhiên đúng nghĩa.
Hai anh em Lân trở thành ông chủ của cơ sở sản xuất lồng gà công nghiệp, mua được ô tô vận tải.
Xưởng sản xuất lồng gà của hai con trai nhiều việc, bà cũng tham gia vào các công đoạn sản xuất.
Anh Lân khuyên mẹ nghỉ ngơi nhưng bà vẫn đòi làm, để tay chân không thừa thãi. Bà Lý và hai con trai còn nuôi thêm 200 đôi chim bồ câu, cải thiện kinh tế.
"Sau ca phẫu thuật, tôi ăn ngủ bình thường. Tôi biết thiếu 1 quả thận, sức khỏe kém hơn nên thăm khám định kỳ và giữ chế độ sinh hoạt điều độ", bà Lý kể.
Hành động nhân văn của bà Lý sau này được VTV đưa vào chuyên mục "Việc tử tế", truyền cảm hứng đến cộng đồng.
Bà Lý tâm sự, "Tôi hiến thận cứu Lân hoàn toàn bình thường, Người mẹ nào ở địa vị tôi cũng sẽ làm như vậy. Mọi người đừng tung hô thành việc phi thường".