Xóm trọ rủ nhau dùng cốc nhựa, thùng xốp làm khu vườn xinh xắn ở Hà Nội
(Dân trí) - Khu vườn sân thượng 20m2 xanh mướt là thành quả sau 2 tháng thực hiện và chăm sóc của nhóm bạn cùng khu trọ.
Khoảng 2 tháng nay, cứ tan làm trở về phòng trọ, Đỗ Thảo (22 tuổi, quê Hải Dương) lại nhanh chóng thay quần áo, chạy lên sân thượng tưới nước, chăm sóc khu vườn nhỏ. Đây là khu vườn do Thảo và 8 người bạn khác trong cùng khu trọ tự lên ý tưởng thực hiện trong những ngày giãn cách xã hội vừa qua.
Khu trọ của Thảo là một căn nhà 5 tầng, có hơn 20 phòng, nằm gần Học viện Nông nghiệp Hà Nội (Gia Lâm, Hà Nội). Sân thượng tầng 5 trước nay ít được sử dụng tới, chỉ thỉnh thoảng mới có vài thành viên trong khu lên tập thể dục.
Tháng 8 vừa qua, khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết các thành viên trong khu trọ đều về quê, chỉ còn số ít ở lại học tập, làm việc online. Ở trong phòng lâu ngày bí bách nên các bạn trẻ thường mang bàn ghế lên sân thượng trò chuyện, hít khí trời, tập thể dục. Và cũng từ đây, nhóm bạn nảy ra ý tưởng làm một vườn sân thượng để cải tạo không gian sống và lại có nguồn rau sạch tự cung tự cấp.
Nhóm bạn gọi điện xin phép chủ nhà và nhận được sự đồng ý ngay lập tức. "Chỉ một vài ngày sau, tụi mình bắt tay vào thực hiện. Chúng mình tận dụng hầu hết là đồ có sẵn như thùng xốp, vỏ cốc nhựa, vật phẩm, phế liệu từ các công trình xây dựng cảnh quan của công ty một người anh trong khu trọ... Cần mua thêm gì thì chúng mình góp tiền mua", bạn Nguyễn Văn Tôn (sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam) - người phụ trách thực hiện "dự án" chia sẻ.
Vườn làm dưới dạng module với vật liệu trồng là cốc nhựa hoặc chai nhựa (tái chế tận dụng), được lắp ráp thẳng đứng để gia tăng diện tích trồng. Mỗi module có kích thước 1,5mx2m với 2 mặt. Khu vườn lắp ráp 2 module như vậy tương ứng với khoảng 600 hốc trồng.
Theo Tôn, quá trình làm không quá khó khăn vì hầu hết các bạn là sinh viên ngành nông nghiệp nên có kiến thức về trồng trọt. Việc vất vả nhất là bê vác đồ lên sân thượng vì cầu thang nhỏ, hẹp. "Nhưng mọi người tích cực lắm, động viên nhau cố gắng", Tôn cho hay.
"Thời gian giãn cách xã hội, cả nhóm thường xuyên túc trực trên vườn để chăm cây, trò chuyện. Hiện mọi người quay lại đi học đi làm nên chiều muộn, tranh thủ sau giờ học, giờ làm, mọi người thay nhau lên tưới cây, bắt sâu, chăm sóc…", Thảo chia sẻ.
"Chiều chiều, khi đi học, đi làm về, ai cũng mong ngóng lên sân thượng để thăm vườn, gặp gỡ trò chuyện với nhau. Thỉnh thoảng khu trọ tổ chức tiệc nho nhỏ rất vui, xua tan mệt mỏi, căng thẳng", Tôn chia sẻ.