Về quê khởi nghiệp nuôi giun quý, cựu vận động viên kiếm tiền tỷ
(Dân trí) - Với mong muốn giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nam vận động viên đã quay trở lại quê hương để phát triển sự nghiệp bằng việc kinh doanh phân bón hữu cơ từ trùn quế.
Sinh năm 1985, Lee Ka-lam từng là một vận động viên lướt ván chuyên nghiệp ở Trung Quốc cho đến khi anh cảm thấy đây chỉ là công việc mang tính tạm thời của mình. Vốn yêu thích kinh doanh, anh Lee đã rời thành phố về làng quê nghèo ở Huệ Châu, Quảng Đông để khởi nghiệp.
Địa phương nơi gia đình anh Lee sinh sống vốn nổi tiếng với nghề trồng thanh long nhưng anh nhận thấy, đây không phải là cơ hội của mình do có quá nhiều cơ sở sản xuất cây giống chuyên nghiệp đã ra đời. Nếu tham gia thị trường này, anh sẽ rất khó cạnh tranh. Chính vì vậy anh quyết định đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ từ giun quế.
Giun quế hay còn gọi là trùn quế là thành phần giàu dinh dưỡng để cung cấp cho chăn nuôi. Giun quế góp phần làm đa dạng món ăn của gia súc, gia cầm. Trong khi đó, phân trùn quế lại mang lại nhiều giá trị cho việc sinh trưởng của cây trồng và đặc biệt là không gây hại cho môi trường.
Nghề nuôi giun quế chưa quá phát triển ở Trung Quốc, đặc biệt là ở Quảng Đông, quê hương anh Lee, không nhiều người dân quan tâm đến lĩnh vực này. Đó cũng là lý do khiến anh khởi nghiệp với công việc nuôi giun quế.
Anh Lee đã thuê hơn 6.000m2 đất để bắt đầu dự án của mình. Có rất nhiều cách để nuôi trùn quế nhưng anh Lee đã lựa chọn kỹ thuật nuôi bằng phân bò. Anh cho dựng những chuồng nuôi bằng bạt, tất cả đều đảm bảo sự thông thoáng và giữ được độ ẩm cao. Đất dùng để nuôi trùn quế cũng rất quan trọng.
Đất phải đạt các yêu cầu về độ tơi xốp, sạch, nhiều dinh dưỡng. Đất nền được sử dụng bằng phân bò, thường dày từ 3-5cm. Trùn quế ưa thích nhiệt độ ấm áp, thường từ 20 - 25 độ C. Vì vậy, vào mùa đông, anh Lee phải chuẩn bị nhiều phương pháp để ủ ấm như đèn sưởi, bạt chắn gió để đảm bảo trùn quế không ngủ đông. Phân bò dùng để nuôi trùn cũng không được sử dụng ngay khi mới lấy về mà phải được làm mịn, trộn với bã đậu, sau 3 ngày mới lấy cho trùn ăn.
Trùn quế sinh sản rất nhanh. Sau khi phân trùn quế hình thành, anh Lee sẽ tiến hành tách trùn quế và phân của chúng để đem bán. Thời gian đầu, cơ sở của anh từng tiến hành thu hoạch thủ công bằng cách mở lần lượt những tấm bạt để ánh sáng chiếu vào. Sau khi gạt bỏ lớp phân bên trên, những con trùn quế vì sợ ánh sáng sẽ chui xuống sâu hơn. Lần lượt gạt hết lớp phân của chúng sẽ lấy được trùn quế. Lớp phân trùn trên cùng được đặt trở lại luống để nuôi tiếp giống như chất nền, giúp trùn sinh trưởng nhanh hơn.
Phân trùn sau khi tách xong sẽ được đóng gói và vận chuyển đến các đại lý trong vùng. Trùn quế thì được bán cho các cơ sở chăn nuôi gia súc. Hiệu quả của phân trùn quế đối với cây trồng có thể nhìn thấy được chỉ trong vòng chưa đầy một tuần. Cây phát triển rất tốt, sản lượng tăng và quả thu hoạch được có vị ngọt hơn. Phân trùn quế khi được thêm vào thức ăn cho gia súc, gia cầm cũng giúp chúng tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ bị nhiễm các bệnh do virus gây nên.
Hiện tại, người nông dân đang phải chi trả từ 300-400 tệ tiền phân bón hóa học cho chưa đến nửa ha đất trồng, trong khi với phân trùn quế, họ chỉ cần trả từ 100-200 tệ. Hàng năm, anh Lee tiêu thụ được 1000 tấn phân giun quế. Tổng doanh thu đạt 1,9 triệu tệ (gần 6,7 tỷ đồng), chiếm 10% thị trường phân bón ở Quảng Đông.
Hiện tại, anh Lee không chỉ thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm về việc phát triển nông nghiệp sạch mà còn tích cực vận động các bạn trẻ khởi nghiệp tham gia vào việc sản xuất phân bón hữu cơ, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.