Tổng Bí thư mong muốn cựu chiến binh góp phần xây dựng sự đồng thuận xã hội

Tổng Bí thư đề nghị Hội cựu chiến binh đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, xây dựng sự đồng thuận xã hội để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới.

Sáng 30/12, tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh (CCB) lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027 đã khai mạc trọng thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Đại hội.

Cùng dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lão thành cách mạng, Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Hội CCB Việt Nam qua các thời kỳ cùng hơn 500 đại biểu đại diện cho hơn 3 triệu hội viên cựu chiến binh trong cả nước.

Tổng Bí thư mong muốn cựu chiến binh góp phần xây dựng sự đồng thuận xã hội - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Được thành lập vào ngày 06/12/1989, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho ý chí và quyền lợi của cựu chiến binh, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng lãnh đạo. Từ khi ra đời đến nay, Hội đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, hoạt động tích cực, đúng hướng và có hiệu quả.

Với chủ đề "Phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống "Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới", xây dựng Hội CCB các cấp vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ", đại hội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội CCB Việt Nam lần thứ VI, trên cơ sở đó chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ VII, giai đoạn 2022-2027; xem xét sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội cho phù hợp với tình hình mới; lựa chọn để bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII có đủ phẩm chất, năng lực lãnh đạo Hội hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của cựu chiến binh, cựu quân nhân và nhân dân cả nước, qua đó tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Tổng Bí thư mong muốn cựu chiến binh góp phần xây dựng sự đồng thuận xã hội - 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu tham dự Đại hội.

Phát biểu tại đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong các lực lượng vũ trang, hàng triệu cán bộ, chiến sĩ đã ra quân, trở về với quê hương hoặc chuyển ngành sang công tác ở các cơ quan trên mọi lĩnh vực. Cựu chiến binh là những người đã trải qua chiến đấu, rèn luyện và trưởng thành qua khói lửa của các cuộc kháng chiến, đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày nay đang là một bộ phận rất quan trọng của xã hội. Biểu dương những kết quả công tác và thành tích mà Hội Cựu chiến binh Việt Nam đạt được trong thời gian qua là rất đáng trân trọng, góp phần để "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Đảng và Nhà nước đánh giá cao hoạt động và những đóng góp của Hội Cựu chiến binh Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các đồng chí xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân.

Tổng Bí thư mong muốn cựu chiến binh góp phần xây dựng sự đồng thuận xã hội - 3

Tổng Bí  thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội. 

Nêu rõ, những năm tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục còn có những diễn biến phức tạp, khó lường, trong nước, chúng ta cũng gặp phải không ít những khó khăn, thách thức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, đối với Hội Cựu chiến binh, Đại hội XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ nhiệm vụ: "Động viên cựu chiến binh phát huy bản chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ" trong xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống. Tăng cường vai trò của hội viên trong việc giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh".

Trên tinh thần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị: "Để phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Hội Cựu chiến binh Việt Nam ở các cấp cần làm tốt hơn nữa vai trò là nòng cốt chính trị, có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức tốt cuộc sống của cộng đồng dân cư, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, xây dựng sự đồng thuận xã hội để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ phải là ba chân kiềng vững chắc của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ta, Tổ quốc ta."

Tổng Bí thư mong muốn cựu chiến binh góp phần xây dựng sự đồng thuận xã hội - 4

Các vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng Nhà nước tham gia đoàn chủ tịch.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, Hội Cựu chiến binh các cấp kiên quyết bảo vệ các thành quả của cách mạng, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình", "phi chính trị hóa quân đội" của các thế lực thù địch; là lực lượng chính trị tích cực, đi đầu tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giúp cho cán bộ, hội viên nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thường xuyên tập hợp, phản ánh với các cấp ủy, chính quyền ý kiến của cựu chiến binh, của Nhân dân về những chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Tổng Bí thư mong muốn cựu chiến binh góp phần xây dựng sự đồng thuận xã hội - 5

Các đại biểu dự Đại hội

"Hội cựu chiến binh các cấp cần khai thác tối đa mọi nguồn lực và chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với cựu chiến binh; phối hợp lồng ghép các chương trình, các cuộc vận động trong cựu chiến binh một cách có hiệu quả; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào "Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi. Chú ý quan tâm hơn nữa đến các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, căn cứ địa cách mạng; cổ vũ, động viên các đơn vị, cá nhân cựu chiến binh tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu hợp pháp; coi trọng nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến; phát huy truyền thống "uống nước nhớ nguồn" làm cho công tác đền ơn đáp nghĩa, công tác từ thiện, giúp đỡ đồng bào, đồng chí khó khăn trở thành một phong trào sâu rộng, một nét đẹp "Bộ đội Cụ Hồ" của cựu chiến binh Việt Nam" - Tổng Bí thư đề nghị. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu chăm lo xây dựng Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đổi mới mạnh mẽ phương thức và nội dung hoạt động để Hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, bảo đảm phù hợp với đối tượng, hướng mạnh về cơ sở, coi trọng chất lượng, hiệu quả; tránh phô trương, hình thức và tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước./.

Theo vov.vn