Tận mắt vườn rau thẳng đứng, trồng cây không cần đất tại TPHCM
(Dân trí) - Ban công vỏn vẹn 4,8m2 (4mx1,2m) của gia đình được anh Thụy (Củ Chi, TPHCM) "biến hóa" thành khu vườn trĩu rau xanh, ai nhìn cũng mê.
Khu vườn ban công được anh Thạch Huyền Lam Thụy thực hiện từ tháng 3/2021, ứng dụng phương pháp canh tác khí canh trụ đứng.
Từ khi thực hiện khu vườn tới nay, gia đình anh Thụy có dư rau xanh để chế biến bữa ăn, không lo đi chợ, siêu thị, nhất là trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thậm chí, vợ chồng anh còn thu hoạch, đem tặng hàng xóm trong những ngày dịch bệnh.
Hiểu một cách đơn giản, khí canh là hình thức trồng cây không cần đất - cây lớn được nhờ môi trường không khí có chứa các giọt dinh dưỡng, dưới dạng sương mù. Ở những mô hình truyền thống, rễ cây thường xuyên ngập trong nước hoặc đất, rễ ít oxy sẽ phát triển chậm hơn. Ưu điểm của mô hình khí canh trụ đứng này là phù hợp với diện tích nhỏ, hẹp.
Anh Thụy chuyển về Củ Chi sinh sống từ tháng 5/2019. "Hàng ngày đi làm về, thấy các gia đình định cư lâu năm ở đây, nhà nào cũng có vườn rộng, trồng đủ loại rau củ, mình thích lắm và ao ước có một khu vườn riêng cho gia đình", anh chia sẻ.
Tuy nhiên, do nhà phố, diện tích eo hẹp nên anh Thụy phải mất nhiều thời gian nghiên cứu phương pháp trồng sao cho hợp lý.
Anh tính toán, với diện tích chưa đầy 5m2 ở ban công, nếu trồng bằng đất thì chỉ trồng được vài chậu cây. Sau thời gian tham gia các diễn đàn chia sẻ kỹ thuật làm nông nghiệp, tìm hiểu kỹ thuật trồng cây mới, anh nhận thấy phương pháp trồng khí canh trụ đứng phù hợp với điều kiện gia đình. "Mình nhận thấy, phương pháp này có ưu điểm tiết kiệm diện tích, tối ưu được không gian chiều cao nên trồng được nhiều hơn, bơm tưới tự động, nhân giống nhanh", anh cho biết.
Khi tìm được phương pháp ưng ý, anh Thụy bắt tay triển khai. Tuy nhiên, giá thành đầu tư và lắp ráp hệ thống này khá lớn. Do đó thay vì thuê người, anh Thụy đặt mua từng món đồ, vật tư sau đó tự thiết kế, lắp ráp. Đến tháng 3/2021, hệ thống hoàn thành.
Anh Thụy cho biết, hệ thống khí canh tại nhà của anh hoạt đồng bằng cách: moteur bơm nước từ bồn chứa dung dịch dinh dưỡng đưa lên hệ thống ống phía trên cùng của trụ cây. Trên mỗi đầu trụ có đầu phun dạng vòi sen giúp phun đều dung dịch vào trong lòng ống, làm ướt từng bộ rễ của cây trồng. Bên cạnh đó nước chảy từ trên xuống sẽ rơi lại vào ống chứa nằm ngang phía dưới, rồi quay về bồn chứa ban đầu. Máy bơm được hẹn giờ tắt mở theo từng thời điểm trong ngày.
Anh Thụy chia sẻ kinh nghiệm riêng, để hệ thống khí canh vận hành thì trước tiên, anh ươm hạt giống vào giá thể. Sau khoảng 2 ngày, khi hạt lên lá mầm thì anh đưa ra phơi nắng. Đến khi cây mầm ra khoảng 2-4 lá thì anh đưa lên trụ.
"Thời gian đầu, cây còn non, mình pha nồng độ dinh dưỡng PPM thấp. Khi cây lên trụ được 1 tuần thì mình tăng lên từ từ. Từ lúc cây non lên trụ, khoảng 3 tuần sau thì mình có thể cắt tỉa ăn dần hoặc thu hoạch nguyên cây được rồi. Phương pháp trồng khí canh này có thể kiểm soát nguồn nước, dinh dưỡng PPM cho cây nên mình chỉ châm vừa đủ dinh dưỡng, không để cây bị vàng lá hoặc thiếu chất là được, cho nên cũng không lo ngại về tồn dư Nitrat trong rau", anh Thụy cho biết.
"Khu vườn siêu nhỏ nhưng lại mang tới ý nghĩa lớn với gia đình. Đây trở thành không gian thư giãn của mình sau mỗi ngày làm việc. Trong mùa dịch, mình hái rau tặng bà con hàng xóm nên tình cảm làng xóm khăng khít hơn, cùng hỗ trợ nhau vượt qua mùa dịch khó khăn", anh Thụy tâm sự.