Sau 2 lần thất bại, chàng trai Quảng Bình quyết làm giàu bằng gà hữu cơ

Hương Thảo

(Dân trí) - Trong 6 năm khởi nghiệp với lĩnh vực nông nghiệp, chàng trai 29 tuổi Nguyễn Văn Nhị (xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã hai lần không thành công do ảnh hưởng của thiên tai.

Năm 2017, trận bão đi qua dải đất miền Trung, "xóa sạch" 10ha trồng tiêu hữu cơ khiến chàng trai trẻ mất trắng 800 triệu vốn liếng. Nhìn 10ha tiêu hữu cơ chuẩn bị đến ngày thu hoạch nay tan hoang, anh Nhị mất ăn mất ngủ, sụt 4kg chỉ trong vỏn vẹn 1 tuần. Thất bại này khiến anh nản lòng, từ bỏ làm nông nghiệp.

Tháng 11/2020, cơn bão Vàm Cỏ đổ bộ đi qua Quảng Bình khiến một vạn con gà ri sắp xuất chuồng của anh bị chết. Một nửa số tài sản dành dụm trong 3 năm trời lại trôi theo thiên tai.

Sau 2 lần thất bại, chàng trai Quảng Bình quyết làm giàu bằng gà hữu cơ - 1
Anh Nhị tại trại gà hữu cơ.

10ha tiêu tan hoang, ôm khoản nợ chồng chất

Sinh ra trong một gia đình khó khăn có 6 anh chị em, từ nhỏ Nguyễn Văn Nhị đã sống trong cảnh thiếu thốn, lo ăn từng bữa. Học hết lớp 9, bố mất, gia đình khó khăn nên cậu bé 15 tuổi phải nghỉ học, đi làm thuê cho một chủ vườn tiêu, đỡ đần mẹ nuôi em. Năm 2010, chủ vườn tiêu có một suất học 6 tháng về vi sinh vật do chuyên gia nước ngoài dạy tại Học viện Nông nghiệp Hà Nội. Người này ngỏ ý nhường suất học này cho Nhị.

Tháng 8/2010, nói dối mẹ là đi làm, Nhị bắt xe ra Hà Nội đi học. Chỉ có một triệu đồng tiền tiết kiệm, không đủ tiền thuê nhà, anh xin chủ trọ cho ngủ dưới gầm cầu thang. Ngoài giờ học ở trường, Nhị xin làm bảo vệ từ 5h chiều đến 12h đêm, mỗi ngày kiếm 50.000 đồng, gửi về nhà phụ mẹ nuôi em. Kết thúc khóa học, Nhị nhận được danh hiệu học viên xuất sắc nhất kèm tiền thưởng.

Năm 2012, Nhị được giới thiệu công việc phụ trách kỹ thuật nông nghiệp hữu cơ tại một số tỉnh miền Nam với mức lương đáng mơ ước 15 triệu đồng/tháng. "Đối với tôi đó là một số tiền quá lớn. Thời điểm đó tôi vẫn rất khó khăn, mỗi ngày không cho phép mình tiêu quá 30.000 đồng", Nhị kể.

Sau hơn 3 năm làm thuê, chàng trai này có trong tay hơn 400 triệu đồng. Đầu năm 2015, Nhị mạnh dạn vay bạn thêm 200 triệu, tự mình trồng tiêu hữu cơ rồi gặp thất bại vì thiên tai.

Chuyến xuất khẩu lao động "hụt" và quyết định đổi đời

Hay tin con trai "phá sản", bà Cao Thị Liểng - mẹ Nhị gọi anh về, thuyết phục con đi xuất khẩu lao động. Nhị quyết định mang 100 triệu tiền thế chấp sổ đỏ của gia đình ra Hà Nội học tiếng.

Trong thời gian ở thủ đô, tình cờ Nhị biết đến món gà ri hữu cơ. Tò mò với cái tên "gà hữu cơ", anh đi tìm hiểu và được giới thiệu tới một ông chủ chuyên phân phối thực phẩm. Người này cam kết, nếu có nguồn cung sẽ lấy 20 tấn gà mỗi tháng với giá hơn 140.000 đồng một kg, cao gấp ba lần giá gà công nghiệp thông thường. Ý tưởng về quê nuôi gà "làm lại từ đầu" lại nảy lên trong đầu Nhị.

Ngày hôm sau, anh bắt xe về quê, nói dối mẹ là chưa thể đi Hàn Quốc. Anh đến các trang trại nuôi gà hữu cơ học họ cách làm chuồng trại, khử trùng… Một tháng sau, bằng 40 triệu tiền thừa sau khi xuất khẩu lao động "hụt", cộng thêm số tiền hùn vốn của 2 người bạn, Nhị lập công ty chuyên nuôi và cung cấp gà ri hữu cơ.

Ở lứa đầu tiên, Nhị nhập 1.000 con gà mới bóc trứng từ Viện Chăn nuôi, thả trên diện tích 1ha đất đi thuê để nuôi gà "thuận tự nhiên", không nhốt. Thức ăn tự phối trộn từ ngô, thóc, mầm lúa mạch và đạm cá. Hai lứa đầu, gà khỏe mạnh, lên cân đều, mỗi lứa 2000 con cho thu về 50 triệu đồng. Sang lứa thứ ba, vào cuối năm 2018, gần nghìn con gà bỗng đổ bệnh, "chết như ngả rạ".

Lúc này, anh lại nhận ra mình chưa có biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Tình cờ biết đến "thức ăn sinh học hữu cơ" gồm ngô, lúa mạch, đậu tương... kết hợp công nghệ vi sinh vật, giúp gà hấp thu dinh dưỡng và kháng bệnh tốt, Nhị như vớ được "phao cứu sinh". Do loại cám này đa phần nhập khẩu với giá thành cao nên anh tự thuê phòng nghiên cứu, dùng vốn kiến thức từng học được cách đó gần chục năm để tự mình phối trộn đưa vi sinh vật vào thức ăn.

Sau 2 lần thất bại, chàng trai Quảng Bình quyết làm giàu bằng gà hữu cơ - 2
Sau 3 năm nghiên cứu cám chứa vi sinh vật, đầu năm 2020 Nhị thành công. Sản phẩm này có thời gian bảo quản được vài tháng thay vì vài ngày như trước, lại rẻ hơn so với cám nhập khẩu. Đàn gà 4 vạn con, liên kết với 40 hộ tại nhiều tỉnh thành được cung cấp cám vi sinh vật do Nhị sản xuất, con nào con nấy đều khỏe mạnh, hấp thụ tốt.

Năm 2020, công ty anh vẫn cung cấp ra thị trường hơn 40 tấn gà, doanh thu gần 6 tỷ đồng.

Sau 2 lần thất bại, chàng trai Quảng Bình quyết làm giàu bằng gà hữu cơ - 3
Anh Nhị cũng là một trong 10 thanh niên có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh nhận giải thưởng Lương Ðịnh Của và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2020. (Anh Nhị ngoài cùng bên phải).

"Những nghịch cảnh, khó khăn đã rèn luyện bản thân tôi trở nên kiên cường, mạnh mẽ. Tôi biết ơn những biến cố đã qua", chàng trai 29 tuổi chia sẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm