Quan điểm của Việt Nam trước việc Trung Quốc đệ đơn xin gia nhập CPTPP
(Dân trí) - Các nền kinh tế muốn gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cần đáp ứng các tiêu chuẩn, tuân thủ các quy trình, thủ tục gia nhập đối với các thành viên mới.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã nêu quan điểm về việc Trung Quốc chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, Hiệp định CPTPP là một Hiệp định Thương mại tự do mở với các cam kết toàn diện nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa các nền kinh tế thành viên.
"Việc Hiệp định CPTPP được các nền kinh tế khác quan tâm và mong muốn trở thành thành viên cho thấy vai trò ngày càng tăng của Hiệp định trong thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế, thương mại khu vực và quốc tế" - bà Hằng nói.
Bà Hằng cũng cho hay, theo các quy định về thủ tục liên quan, các nền kinh tế muốn gia nhập cần đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp định cũng như tuân thủ các quy trình, thủ tục gia nhập đối với các thành viên mới. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của mình với Trung Quốc về việc tham gia Hiệp định này.
Liên quan tới việc Australia, Anh và Mỹ thiết lập Quan hệ Đối tác An ninh tăng cường ba bên (AUKUS), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng nêu rõ quan điểm.
"Việt Nam luôn quan tâm theo dõi các diễn biến của tình hình khu vực. Chúng tôi cho rằng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới là mục tiêu chung của tất cả các quốc gia và các nước có trách nhiệm đóng góp vào mục tiêu này" - bà Hằng cho biết.
Liên quan đến việc Đài Loan - Trung Quốc cũng xin gia nhập CPTPP, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định CPTPP là một hiệp định thương mại tự do mở và Việt Nam sẽ tham vấn chặt chẽ với các thành viên khác về các quy định tham gia hiệp định này.
Ngày 16/9, Trung Quốc thông báo đã chính thức đệ đơn gia nhập CPTPP. Với quyết định này, Trung Quốc là nước thứ hai đệ đơn gia nhập hiệp định có 11 thành viên. Đầu năm nay, Anh cũng đã đệ đơn gia nhập và được chấp thuận bắt đầu quá trình đàm phán.
Tại cuộc họp báo ngày 18/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết: "Trung Quốc ủng hộ tự do hóa thương mại và tham gia vào hợp tác, hội nhập ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc Trung Quốc đệ đơn gia nhập một lần nữa cho thấy quyết tâm mở cửa và thúc đẩy hợp tác khu vực".
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 23/9, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam khi tổ chức Freedom House ngày 21/9 tiếp tục xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia không có tự do trên mạng internet, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết đây không phải là lần đầu tiên tổ chức Freedom House đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, định kiến dựa trên những thông tin sai sự thật về Việt Nam.
"Thực tế những nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế đánh giá cao tại Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc qua các chu kỳ. Do đó, báo cáo của Freedom House là vô giá trị và tôi thấy không cần thiết phải bình luận thêm" - bà Hằng nhấn mạnh quan điểm.