Người phụ nữ Hải Phòng gom rác về nhà, "biến hóa" thành đồ đẹp khó tin
(Dân trí) - Chị Xuân Hoa (53 tuổi, ở Lê Chân, Hải Phòng) là chủ nhân của nhiều đồ trang trí từ vỏ chai, nilon… gây chú ý trên mạng xã hội thời gian gần đây.
Chị Hoa đã gắn bó với công việc tái chế rác thải nhựa thành đồ vật trang trí được 4 năm. Trước đây, chị có gần 30 năm làm nghề thiết kế, vẽ mẫu trang trí gốm sứ, thủy tinh. Với tình yêu nghệ thuật, chị thường mày mò làm những đồ trang trí sáng tạo cho con hay tặng bạn bè từ nguyên liệu sẵn có.
"Ban ngày đi làm rồi về chăm sóc gia đình, mình lúc nào cũng bận rộn nhưng hễ có thời gian rảnh mình lại gom nhặt các đồ có sẵn trong nhà như chai nhựa, túi nilon, vải vụn… để làm đồ trang trí. Ban đầu thì chỉ trang trí trong nhà, làm cho con, rồi tặng bạn bè. Dần dần, mọi người giới thiệu nhau, mình bắt đầu có những vị khách đăt hàng", chị Hoa chia sẻ.
Thấy những sản phẩm từ "đồ bỏ đi" của mình được mọi người chú ý, chị Hoa vui lắm. Chị lên mạng tìm kiếm những video tái chế trên thế giới để tham khảo, học hỏi mẫu mã, cách làm rồi tự sáng tạo sản phẩm của riêng mình. Chai nhựa, túi nilon… trong nhà không đủ, chị Hoa đi "huy động" từ người thân, hàng xóm, đặt mua lại từ những người bán ve chai.
"Có chai, lọ gì hình dáng là lạ, họ giữ lại rồi mang bán cho mình. Nhiều khi cả góc sân trước nhà toàn vỏ chai bỏ đi, nhìn không khác gì bãi tập kết ve chai. Hồi đầu, chồng con còn kêu mình mang rác về nhà", chị Hoa kể.
Sau này, thấy chị Hoa có tài biến "rác" thành đồ trang trí đẹp mắt, nhiều bạn bè của chị tự tích đồ chai, lọ trong nhà, trong cửa hàng rồi mang tới tặng chị. Để sản phẩm thêm đẹp mắt, chỉnh chu, chị Hoa cũng tìm mua thêm các phụ liệu như hạt cườm, vải ren, len, dây thừng… để kết hợp cùng đồ nhựa.
"Hai năm nay, mình bắt đầu nghỉ dần việc ở công ty để ở nhà, chuyên tâm làm sản phẩm tái chế. Mình mở một gian hàng nhỏ tại nhà để trưng bày sản phẩm, làm nơi đón mọi người tới thăm, xem, chọn mua…", chị Hoa chia sẻ.
Chị Hoa tâm sự, công việc này là đam mê của chị nên nhiều khi làm đến muộn, quên ăn quên ngủ chị cũng chẳng thấy mệt mỏi. Cứ nghĩ ra mẫu nào mới, chị lại nóng lòng muốn thực hiện ngay. "Sản phẩm của mình ngày càng đa dạng mẫu mã, được làm khéo léo hơn, tinh tế hơn. Nhưng cái khó là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm", chị Hoa chia sẻ.
Được con giới thiệu về lợi ích của việc chia sẻ sản phẩm trên mạng xã hội, người phụ nữ tuổi ngũ tuần bắt đầu học sử dụng Facebook, Youtube. Chị không ngần ngại chia sẻ cách làm, tái chế các loại chai nhựa, nilon cho mọi người.
"Dần dần, đơn đặt hàng nhiều lên và khách hàng của mình ở trên khắp cả nước. Nhưng lúc này, khi phải vận chuyển hàng đi xa mình lại gặp khó khăn khác. Đây là đồ thủ công, mong manh, dễ vỡ nên quá trình đóng hàng mất thời gian, phí vận chuyển cao. Nhiều món đồ chỉ 70 - 80.000 đồng nhưng chi phí vận chuyển cả trăm ngàn", chị Hoa chia sẻ.
Khi dịch Covid-19 diễn ra, nhu cầu về các sản phẩm tái chế, phù hợp với lối sống xanh ngày càng được ưa chuộng. Khách hàng của chị Hoa có rất nhiều người trẻ, họ mua đồ trang trí nhà, phòng làm việc…
Hiện tại, chị Hoa có quay video chia sẻ, hướng dẫn tái chế rác thành đồ trang trí trên Youtube với sự hỗ trợ của con trai. Chị cũng mở một lớp dạy tại nhà cho các bạn trẻ đam mê công việc này. Thỉnh thoảng, khi dịch bệnh diễn biến không quá phức tạp, chị mở các lớp dạy miễn phí cho mọi người tại các quán cà phê của bạn bè.