Nghỉ hưu, cô giáo U60 học cuốc đất, trồng rau, hái làm quà tặng hàng xóm
(Dân trí) - Sau nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, khi đã về hưu, ở tuổi U60, cô Kim Liên (Long Biên, Hà Nội) lại miệt mài dành thời gian để học cuốc đất, trồng rau.
Khoảng sân thượng rộng hơn 80 m2 của gia đình trở thành khu vườn xanh mướt rau củ nhờ sự chăm sóc mỗi ngày của cô giáo về hưu - Kim Liên. Những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội, khu vườn sân thượng không chỉ cung cấp rau xanh sạch, an toàn cho bữa ăn gia đình cô Liên mà còn là món quà mộc mạc, giản dị để cô dành tặng hàng xóm, bạn bè. Sau mỗi buổi thu hoạch, cô Liên lại cẩn thận chia rau, củ, quả vào từng túi riêng, tự tay mang tới, treo trước cổng/cửa nhà những người hàng xóm rồi gọi điện thông báo cho họ.
Trong những ngày dịch bệnh, việc di chuyển, mua bán có nhiều hạn chế, mớ rau xanh, quả cà tím, ít dưa chuột của cô Liên trở thành món quà quý, thay lời san sẻ, động viên với mọi người.
Khu vườn sân thượng được cô Liên thực hiện từ đầu năm 2021, ngay sau khi gia đình hoàn thiện ngôi nhà mới khang trang. Theo thiết kế ban đầu của kiến trúc sư, sân thượng được dành để làm "vườn thượng uyển": nơi trồng cây, tạo tiểu cảnh công phu, đẹp mắt để gia đình thư giãn, ngắm cảnh.
Nhưng cô Liên lại quyết định biến khoảng sân thượng này thành khu vườn rau xanh hữu cơ cho gia đình, vừa để cung cấp thực phẩm sạch, vừa là nơi cho hai vợ chồng hoạt động, giúp tinh thần minh mẫn, không trì trệ tuổi già.
"Dù gia đình có thang máy nhưng thời gian đầu khi làm vườn, tôi cũng phải mang, vác một số dụng cụ, đồ đạc lên sân thượng. Công việc ấy cũng mệt đó nhưng vui lắm. Vừa làm vừa tập thể dục nên tâm trạng thoải mái, cơ thể dẻo dai hơn", cô Liên chia sẻ.
Trước nay, do chưa từng có kinh nghiệm trồng rau củ nên khi lên ý tưởng làm vườn, cô Liên dành thời gian học hỏi kiến thức, tìm đến những người có kinh nghiệm để nhờ hướng dẫn. Cô giáo về hưu U60 không ngại vất vả, tối tối mày mò ghi chép kiến thức, rồi vừa tự làm vừa đúc rút kinh nghiệm.
"Tôi bắt đầu học cuốc đất, ủ phân, trộn giá thể, gieo hạt… Thời gian đầu, nhìn thấy những con trùn quế, tôi nổi da gà, e sợ. Nhưng xác định làm vườn lâu dài nên tôi cũng cố gắng vượt qua. Sau này mọi việc bắt sâu bọ, tôi đều tự làm hết, không e ngại gì cả", cô Liên chia sẻ.
Dù tuổi cao nhưng cô Liên không ngần ngại vào các hội nhóm trên mạng xã hội, nhờ những "nông dân sân thượng" trẻ tuổi hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trồng rau. "Các bạn trẻ rất giỏi, yêu thiên nhiên, cây cối và truyền động lực cho tôi. Các bạn giúp tôi từ việc chọn hạt giống, dạy cách diệt sâu bệnh, làm giá thể… Họ trở thành những người bạn thân thiết từ xa của tôi", cô cho biết.
Trước đây, khi dịch Covid-19 chưa diễn ra phức tạp, cô Liên thường sắp xếp thời gian, công việc gia đình để tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ học sinh khó khăn ở miền núi. Khi dịch bệnh diễn ra, nhiều hoạt động phải tạm dừng, cô dành thời gian chăm sóc khu vườn, thu hoạch để tặng bạn bè, hàng xóm, san sẻ cùng mọi người qua giai đoạn khó khăn.
"Bản thân mình do tuổi cao nên cũng có nhiều bệnh, sức khỏe không tốt lắm nhưng từ ngày có khu vườn, mình thấy vui và khỏe ra. Mình luôn cố gắng sống tích cực, vượt qua bệnh tật, truyền động lực cho các con, gia đình, làm điều có ích cho xã hội", cô Liên chia sẻ.