Khu vườn gần 50 gốc hồng "tiếp năng lượng" cho gia đình Sài Gòn mùa dịch
(Dân trí) - Suốt nhiều tuần phải ở nhà vì thực hiện giãn cách xã hội nhưng chị Minh Hằng chưa lúc nào cảm thấy thời gian trôi qua nhàm chán, đơn điệu.
Cả gia đình chị Hằng được "tiếp năng lượng" nhờ khu vườn sân thượng, ban công trĩu rau xanh, ngát hương hoa. Mỗi ngày, gia đình nhỏ lại cùng nhau chăm vườn, tỉa cây, thu hái rau trái để chế biến bữa ăn.
Gia đình chị Nguyễn Thị Minh Hằng (44 tuổi, Gò Vấp, TPHCM) có khu vườn 24m2 ở sân thượng và một vườn ban công 3m2, đều được thực hiện từ đầu năm 2020 tới nay.
Khoảng sân thượng phía trước được chị Hằng dành để làm "vườn hồng mini". Khoảng sân thượng phía sau, ngoài trồng hồng thì ⅔ diện tích để trồng rau màu, củ quả như rau muống, mùng tơi, cà chua, cải, cóc thái, ổi, cây gia vị... Sau hơn một năm sưu tầm, chăm sóc, chị có hơn 50 gốc hồng, chủ yếu là các giống hồng ngoại.
Thời gian đầu, vợ chồng chị Hằng mất rất nhiều thời gian để vận chuyển nguyên vật liệu, đất, chậu lên sân thượng tầng 4. "Đa phần việc vận chuyển do ông xã đảm nhận. Ngày nào anh cũng kiên trì bê vác tới khi mệt mới nghỉ", chị Hằng nhớ lại. Trong khi đó, chị Hằng nhận nhiệm vụ tìm hiểu kiến thức, đọc tài liệu về cách chọn giống, chăm sóc hoa hồng. Trong suốt hai tháng, chị xem các kênh Youtube dạy trồng hoa hồng nhiều đến nỗi… chỉ cần nghe nhạc hiệu, cả gia đình đã biết kênh của ai, chương trình nào.
Do tìm hiểu rất kỹ trước khi mua cây về trồng nên chị Hằng chưa "thất bại" lần nào. Chị chọn những giống hồng có bông to, sai hoa, thơm, thích hợp với khí hậu nắng nóng của Sài Gòn.
Theo chị, khi trồng hồng, yếu quan trọng nhất chính là đủ nắng. Hoa hồng muốn phát triển tốt phải được nhận đủ 6 - 8 giờ nắng mỗi ngày. Giá thể trồng phải tơi xốp, thoáng khí, thoát nước tốt. "Hồng ưa ẩm nhưng nếu ẩm ướt, trũng nước sẽ rất dễ sâu bệnh", chị cho biết.
Chị Hằng ưa chuộng những giống hồng có bông to, hương thơm, hoa bền.
Chị Hằng chia sẻ kinh nghiệm, vào mùa hè nắng nóng gay gắt, hạn chế tưới phân, nhất là các loại phân nóng như phân dơi, phân gà. Nếu tưới thì lượng chỉ khoảng 50% so với mùa mưa và tưới xa gốc. Việc bón phân nhiều nhưng không đúng cách sẽ lợi bất cập hại. Sài Gòn có mùa mưa kéo dài nên để tránh đen thân, thối gốc và chết cây thì mỗi tháng, chị Hằng bổ sung thêm Trichoderma một lần.
Cứ 10 - 15 ngày, vợ chồng chị Hằng lại xịt dung dịch phòng bệnh cho hoa. Anh chị thường dùng dung dịch ngâm từ rượu, tỏi, ớt hoặc pha coca với nước rửa chén. Nếu không may hoa mắc bệnh, 3 ngày phải phun trị một lần với neem oil, giấm gỗ hoặc chế phẩm nano bạc, chế phẩm sinh học và làm 3 lần liên tiếp.
Những ngày ở nhà chống dịch, khu vườn trở thành nơi thư giãn, giải tỏa áp lực với cả gia đình. "Mỗi ngày, ngắm những chậu rau xanh mơn mởn, những bông hoa khoe sắc, mình có thêm niềm tin và năng lượng. Thay vì lo lắng, buồn bã vì đại dịch, khu vườn trở thành người bạn đích thực với gia đình", chị Hằng tâm sự.