Giám đốc thành đạt, bỏ việc lương cao, về quê làm nông tri ân dân làng

Thu Trang

(Dân trí) - Từng được người dân giúp đỡ suốt những năm tháng đại học, Li Anchao quyết định từ bỏ nhà lầu, xe hơi để quay trở lại giúp đỡ dân làng thoát nghèo.

Sinh ra trong một làng quê nghèo ở Đông Hưng, Tứ Xuyên, Trung Quốc, Li Anchao có tuổi thơ khá thiệt thòi. Ba mẹ anh phải rất cố gắng, làm việc bất kể ngày đêm để con trai mình có thể đến trường. Hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Li Anchao nhiều lần muốn nghỉ học để ở nhà phụ giúp nhưng ba mẹ không đồng ý.

Với sự chăm chỉ, nỗ lực, Li Anchao trở thành người đầu tiên trong làng đỗ đại học. Thế nhưng, điều này lại khiến ba mẹ anh vừa mừng vừa lo. Cuộc sống chỉ đủ ăn khiến họ không biết liệu có trả nổi học phí đắt đỏ cho con trai hay không.

Tưởng chừng ước mơ đành phải gác lại vì sự khó khăn của gia đình thì Li Anchao lại đã được những người hàng xóm ủng hộ. Dù hoàn cảnh họ không khá hơn gia đình anh nhưng dân làng đã cùng nhau quyên góp, giúp chàng trai đầu tiên của làng có thể đặt chân đến giảng đường đại học. Suốt những năm sau đó, người trong làng còn nhiều lần gửi cho anh gạo, rau và trái cây khiến cuộc sống sinh viên của Li Anchao không quá thiếu thốn.

Giám đốc thành đạt, bỏ việc lương cao, về quê làm nông tri ân dân làng - 1
Li Anchao quay trở lại quê hương lập nghiệp để giúp đỡ những người dân nghèo khó.

Sau khi tốt nghiệp, Li Anchao bị cuốn vào guồng quay công việc ở thành phố. Nhiều năm phấn đấu, từ chàng sinh viên ngày nào, anh đã trở thành Tổng giám đốc một tập đoàn lớn, phụ trách đầu tư, quản lý và phát triển tài nguyên khoáng sản ở nhiều tỉnh thành như Vân Nam, Hồ Bắc, Tứ Xuyên. Không còn ở trong căn phòng cũ kỹ, chật hẹp, Li Anchao chuyển đến căn biệt thự lớn, di chuyển bằng ô tô sang trọng và nghỉ ngơi tại các khách sạn 5 sao trong mỗi chuyến công tác.

Thế nhưng vị giám đốc đã có quyết định bất ngờ trong một lần về quê thăm ba mẹ. Nhiều năm trôi qua, làng quê nơi anh sinh ra vẫn không có gì thay đổi. Phần lớn đất đai bị bỏ hoang, các hộ dân trong làng chật vật với miếng cơm manh áo. Nhiều thanh niên đã rời bỏ làng để kiếm việc ở thành phố.

Ngôi làng giờ chỉ còn lại trẻ nhỏ, người trung niên và người già. Sau nhiều đêm đấu tranh tư tưởng, Li Anchao có quyết định táo bạo, anh xin nghỉ việc ở công ty, từ bỏ cuộc sống thượng lưu, bán hết tài sản ở thành phố để dọn về quê hương khởi nghiệp. Mục tiêu quan trọng nhất của anh là giúp đỡ dân làng thoát nghèo và cũng là cách để tri ân họ.

Trong mắt những người khác, hành động của Li Anchao thật khó tin. Tuy nhiên, Li Anchao đã có kế hoạch của riêng mình. Anh muốn hồi sinh vùng nông thôn bằng việc phát triển nông nghiệp sinh thái, giải quyết những vấn đề về ô nhiễm đất đai do thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.

Li Anchao đã đầu tư 6 triệu tệ (hơn 20 tỷ đồng) vào việc xây dựng hệ thống trang trại lớn theo mô hình vườn ao chuồng hiện đại. Việc đầu tiên anh làm chính là cải tạo đất. Những vùng đất hoang vu, khô cằn được Li Anchao tìm cách khắc phục để trả lại sự màu mỡ.

Trang trại của Li Anchao hoạt động khép kín. Phân bò được trộn vào đất để nuôi trùn quế, trong khi nước thải được đưa vào hầm khí sinh học phục vụ sản xuất. Phụ phẩm của chúng dùng để bón cho rau, củ, quả. Những loại thực phẩm này cùng trùn quế lại cung cấp thức ăn cho gia súc, gia cầm và các loại thủy sản. Hiện tại, do không được phép đốt rơm rạ nên Li Anchao đã thu gom từ dân làng để làm nguồn nguyên liệu tái sinh, tạo ra thức ăn cho gia súc trong trang trại.

Giám đốc thành đạt, bỏ việc lương cao, về quê làm nông tri ân dân làng - 2
Vùng đất khô cằn nơi Li Anchao từng sinh sống giờ đã được cải tạo trở nên màu mỡ hơn.

Mục tiêu lâu dài của Li Anchao là phát triển mô hình nông nghiệp bền vững bằng cách ứng dụng các công nghệ sinh học tái chế chất thải thành nguyên liệu đầu vào của quy trình sản xuất khác. Điều này giúp hạn chế ở mức tối đa lượng chất thải ra môi trường, không những tăng hiệu quả kinh tế mà còn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, chất lượng.

Giám đốc thành đạt, bỏ việc lương cao, về quê làm nông tri ân dân làng - 3
Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học tái chế chất thải thành nguyên liệu đầu vào của quy trình sản xuất khác.

Với quy mô trang trại ngày càng lớn, Li Anchao thường xuyên đi công tác để trao đổi và học hỏi công nghệ mới. Tuy nhiên, anh cho biết cảm giác "chân lấm tay bùn" dưới ruộng đất vẫn là thoải mái nhất.

Ở năm đầu tiên, mô hình trang trại sinh thái của anh đã mang về doanh thu 1 triệu tệ (hơn 3,5 tỷ đồng) và tiếp tục tăng gấp nhiều lần trong những năm tiếp theo. Sau hơn 7 năm, Li Anchao đã tạo việc làm cho hàng trăm người dân, giúp hơn 300 nông dân trở nên giàu có và hơn 10 hộ gia đình thoát nghèo.

Xie Xuewen, một người từng làm nghề câu cá giờ đã chuyển sang làm toàn thời gian ở trang trại của Li Anchao cho biết, từ công việc với thu nhập bấp bênh, giờ đây anh đã có mức lương ổn định 50.000 tệ/năm (hơn 170 triệu đồng) mà không phải rời quê hương, một điều trước đây anh chưa bao giờ nghĩ đến.

Giám đốc thành đạt, bỏ việc lương cao, về quê làm nông tri ân dân làng - 4
Từng chia sẻ trong những chương trình về khởi nghiệp, Li Anchao bày tỏ luôn suy nghĩ, con đường phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững cần kết hợp hài hòa giữa các yếu tố tự nhiên và con người. Đặc biệt nên ứng dụng khoa học công nghệ để đạt được chất lượng và hiệu quả cao nhất.

Trong tương lai, Li Anchao sẽ mở rộng chuỗi sản xuất sang các địa phương lân cận, ưu tiên ở những nơi có đất đai ít được khai thác. Anh hy vọng có thể đứng vững trên thị trường nông nghiệp không chất thải, đem đến nhiều cơ hội cho những ai muốn quay trở về lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.