Ghé trang trại trồng giống xoài lạ, "có một không hai"

Thảo Lê

(Dân trí) - Trang trại tại Ấn Độ trồng hơn trăm giống xoài quý hiếm, khác lạ, có một không hai trên thế giới.

Ghé trang trại trồng giống xoài lạ, có một không hai - 1

Trang trại của Khan rộng hơn 6,5 ha, được anh chia làm hai khu vực chính: trồng lúa tại các vùng trũng bên dưới và trồng xoài trên bãi đất cao. Nơi đây là "nhà" của khoảng 116 giống xoài khác nhau, nhiều giống trong số đó không thể được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Ghé trang trại trồng giống xoài lạ, có một không hai - 2
Syed Ghani Khan cho biết gia đình anh đã sở hữu và bảo tồn trang trại này qua 7 thế hệ. Những cây xoài vì thế đã tồn tại từ rất lâu đời, thậm chí nhiều cây còn có tuổi thọ hơn 200 năm. Trong quá khứ, trang trại từng là nơi cung cấp xoài và các loại trái cây khác cho hoàng tộc bởi sự độc đáo và hương vị thơm ngon hiếm có khó tìm.
Ghé trang trại trồng giống xoài lạ, có một không hai - 3

Những cây xoài ở trang trại của Khan luôn cho sản lượng ổn định, bất chấp những yếu tố môi trường tác động như biến đổi khí hậu hay thời tiết thay đổi thất thường. Đặc biệt có những vụ mùa bội thu, gia đình anh có thể thu hoạch được khoảng 700kg xoài/cây.

Ghé trang trại trồng giống xoài lạ, có một không hai - 4
Trang trại được canh tác theo phương thức hoàn toàn hữu cơ nên Khan không sử dụng bất kỳ loại phân bón, thuốc trừ sâu hay chất hóa học nào. "Tôi cùng cha làm nông từ đầu những năm 90. Thời điểm ấy, trồng lúa lai hầu như đều áp dụng các biện pháp hóa học. Một ngày nọ khi đang phun thuốc trừ sâu trong trang trại, tôi bỗng cảm thấy chóng mặt. Mọi người gọi chúng tôi là những người cung cấp thực phẩm nhưng tôi lại đang đầu độc chính những thực phẩm mình trồng nên. Tôi thay đổi suy nghĩ kể từ đó và chuyển sang làm nông nghiệp hữu cơ", anh nông dân chia sẻ.
Ghé trang trại trồng giống xoài lạ, có một không hai - 5
Lối canh tác sạch, thân thiện với môi trường đã góp phần xây dựng hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Khan cho biết trang trại và khu vực xung quanh hiện là nơi sinh sống của hơn 60 loài chim hoang dã.
Ghé trang trại trồng giống xoài lạ, có một không hai - 6
"Trong gần hai thế kỷ, xoài là cây trồng phổ biến ở khu vực này cho đến khi chính quyền địa phương xây dựng một con đập vào năm 1932. Nhiều cây xoài đã bị chặt hạ để nhường chỗ cho những ruộng lúa. Vườn cây ăn quả của gia đình tôi có thể đã chịu chung số phận như thế nếu không nhờ bàn tay chăm sóc của bà. Tuổi thơ của tôi gắn liền với những cây xoài và khi đã trưởng thành, tôi biết rằng mình có trách nhiệm phải bảo tồn những giống xoài này để lưu giữ được chất lượng vượt trội của chúng. Một khi sự đa dạng bị mất đi thì sẽ không thể tìm lại được nữa", Khan tâm sự.
Ghé trang trại trồng giống xoài lạ, có một không hai - 7
Dù không thành công khi kêu gọi sự trợ giúp kinh tế từ chính quyền nhưng Khan không bỏ cuộc. Anh kiên trì thu thập và lưu trữ lại hạt giống sau mỗi mùa vụ và tự tay ghép cành để đảm bảo quá trình phát triển của cây. Khan đã gửi nhiều giống xoài ở trang trại của mình cho Viện Nghiên cứu Làm vườn Ấn Độ để tiến hành nghiên cứu và nhận về kết quả rằng những giống xoài này không thể trồng ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Khoảng 60% các giống xoài sau đó lại tiếp tục được bảo tồn và phát triển tại viện nghiên cứu này.

Khan thường đưa con cùng đi thu hoạch và dạy chúng cách nhận biết các giống xoài. Anh xem đó là cách để truyền lại tình yêu làm vườn cho những thế hệ sau. Khan cũng bán cây con và không ngần ngại chia chia sẻ bí quyết làm nông với những người nông dân khác.

Somesh Basavanna, giám đốc điều hành của Công ty sản xuất hữu cơ Sahaja Samrudha, đơn vị bán lẻ xoài của Syed Ghani Khan cho biết rất nhiều khách hàng có nhu cầu mua xoài của Khan nên các cửa hàng phân phối đều rất đắt hàng, thậm chí không đủ bán. Sản phẩm còn được xuất khẩu sang Abu Dhabi, Dubai, Qatar với giá cao.

Không chỉ bảo tồn được các giống xoài truyền thống, Khan còn kiên trì thu thập hạt giống của hơn 1.000 giống lúa trên khắp Ấn Độ và thế giới, rồi trồng thử chúng trên khu đất hơn 4.000m2 để nghiên cứu. Anh hy vọng có thể bảo tồn và phát triển những giống lúa phù hợp với khí hậu quê nhà, cũng như tìm ra bí quyết canh tác truyền thống mang lại lợi nhuận cao.