Cô gái Quảng Trị "bỏ phố về quê" làm nông nghiệp sạch, sống tối giản
(Dân trí) - Sau một năm "bỏ phố về quê", Mộng Điệp đã trở thành cô nông dân, ngày ngày cuốc đất, trồng rau củ, chăm hoa hồng...
Trước đây, Hoàng Thị Mộng Điệp từng rời quê nhà, chuyển đến TPHCM để lập nghiệp. Lúc đó, cô gái trẻ làm giáo viên mầm non ở một trường quốc tế, có thu nhập ổn định, cuộc sống tiện nghi.
"Nhưng sau vài năm sống ở thành phố sôi động và hiện đại, mình mong muốn trở về quê nhà, sống gần với gia đình, thiên nhiên hơn là cuộc sống đông đúc", cô chia sẻ.
Năm 2020, trong thời gian nghỉ vì dịch bệnh Covid-19, Điệp về quê nhà Quảng Trị. Ngày ngày, cô được cùng mẹ trồng rau, nhặt trứng, làm vườn. Trong quãng thời gian đó, Mộng Điệp nhận ra đó là cuộc sống mà bản thân mong muốn. Do đó, cô trở lại thành phố, thu xếp công việc để chính thức "bỏ phố về quê" vào tháng 8/2020.
Khu vườn 1.500m2 ngập rau trái, hoa hồng
Khi bắt tay vào làm nông nghiệp chuyên nghiệp, Điệp phải học hỏi và chuẩn bị rất kỹ càng. "Khi bắt đầu, mình nghiên cứu kỹ đất đai và khí hậu địa phương và chọn mô hình phù hợp. Mình chọn mô hình trồng cây xen canh, lấy ngắn nuôi dài để có thu nhập ổn định hằng tháng và có dòng tiền đều để tái đầu tư", cô gái 29 tuổi nói.
Trên mảnh đất sẵn có của gia đình, Điệp cải tạo và quy hoạch thành trang trại ., vừa trồng trọt vừa chăn nuôi. Điệp trồng xen canh các cây ăn quả lâu năm như: ổi, bưởi da xanh với các cây ngắn ngày như bí đỏ, ớt, đậu lạc,…
Cô cũng quy hoạch một khu vực riêng để trồng rau ăn lá, cà chua và 200 gốc hoa hồng nhập. Do diện tích đất khiêm tốn nên Điệp đang nuôi lợn và gà với quy mô nhỏ. Cô thử nghiệm trồng thêm hương thảo, măng tây, cà rốt Đà Lạt…
Xác định canh tác theo phương pháp thuận tự nhiên, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, nên Điệp tự bắt sâu, nhổ cỏ, sử dụng dung dịch hữu cơ tự ủ…
"Canh tác phương pháp này rất mất thời gian, tốn công sức. Bên cạnh đó, rau củ cũng không đẹp mắt bằng cách canh tác truyền thống. Tuy nhiên, mục tiêu của mình là trồng rau củ sạch, an toàn nên vẫn kiên trì thực hiện", Điệp cho hay.
Ban đầu, lượng rau củ chỉ đủ phục vụ cho nhu cầu sử dụng của gia đình, dành tặng người thân. Sau một thời gian, nguồn rau củ ổn định, cô bắt đầu bán cho bạn bè, người quen trong bán kính 20km.
Ngay từ khi "bỏ phố về quê" làm trang trại, Điệp đã xây dựng fanpage riêng để quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu. "Dù fanpage chưa nhiều người biết đến nhưng mỗi bài đăng đều được làm hình ảnh, nội dung tỉ mỉ, trau chuốt, giúp khách hàng có thể quan sát được hành trình nông sản từ cánh đồng đến bàn ăn như thế nào. Đây cũng là cách để giúp người nông dân "thoát cảnh" được mùa mất giá", cô chia sẻ.
Không ít khó khăn
Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở quê hương Quảng Trị là một quyết định "liều lĩnh" của cô gái trẻ. Đây là khu vực thời tiết khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng bỏng da, ảnh hưởng gió Lào; năm nào cũng gánh chịu thiên tai bão lũ…
Với điều kiện khí hậu khắc nghiệt như vậy, Điệp và gia đình phải đầu tư chi phí tưới tiêu nhiều hơn, chăm sóc cây trồng, vật nuôi kỹ càng, tốn công sức hơn để tăng khả năng chống chịu thời tiết.
Gần một năm về quê làm nông nghiệp, từ cô gái thích đi chơi, mua sắm hàng hiệu, mê đồ công nghệ và "nghiện" mạng xã hội, Điệp trở thành cô nông dân chính hiệu, dành toàn thời gian cho vườn tược, cây cối.
"Mình đã trải qua nên hy vọng các bạn trẻ có dự định về quê cần chuẩn bị kỹ càng mọi yếu tố. Trong đó, bạn phải chuẩn bị một kế hoạch tài chính chi tiết. Kế hoạch tài chính phụ thuộc vào khả năng của mỗi người, ngoài khoản đầu tư cần chuẩn bị thêm khoản dự phòng", Điệp nhấn mạnh.