Cô gái 8X "hô biến" vải vụn thành quần áo, có sản phẩm bán tiền triệu

Phương Nga

(Dân trí) - Dưới bàn tay thiết kế của Nguyễn Thị Hà Mai (Sinh năm 1988, sống ở Hà Nội), những mảnh vải vụn được cắt may thành nhiều bộ trang phục độc đáo, mới lạ.

Ý tưởng xuất phát từ đam mê

Từng tốt nghiệp ngành tài chính kinh doanh, nhưng Hà Mai lại bén duyên với nhiếp ảnh, đặc biệt là công việc thiết kế. Cô gái 8X cho hay, bản thân đã sớm tham gia nhiều khóa học ngắn hạn về thời trang, ứng dụng cắt may để thỏa mãn niềm đam mê.

Sau 6 năm xây dựng và phát triển nhãn hiệu riêng, gần đây Hà Mai đã thực hiện dự án tái chế vải vụn thành trang phục mới, có giá trị sử dụng.

Cô gái 8X hô biến vải vụn thành quần áo, có sản phẩm bán tiền triệu - 1

Nguyễn Thị Hà Mai, chủ một nhãn hiệu thời trang bền vững tại Hà Nội.

Cô nàng chia sẻ: "Dự án này được chính thức thực hiện đầu tháng 5. Ý tưởng xuất phát từ mục đích hạn chế rác thải ra môi trường, điều mà tôi ấp ủ từ rất lâu."

Trước đây, Hà Mai thường xử lý vải vụn thành các phụ kiện: turban, dây buộc tóc…Tuy nhiên, những sản phẩm này không xử lý được nhiều vải vụn, hiệu quả không cao. Để tận dụng tối đa lượng vải thừa, Hà Mai nảy ra ý tưởng đưa vải vụn vào quần áo, váy vóc...

Các bộ trang phục tái chế được Hà Mai kỳ công chuẩn bị, đôi khi khó khăn hơn việc cắt may bằng vải thường. Đặc biệt, khi sử dụng rác vải để thiết kế sẽ không có quyền lựa chọn màu sắc, họa tiết hay kiểu dáng. Người thiết kế bắt buộc phải vận dụng tất cả kiến thức, tư duy mỹ để liên kết sao cho phù hợp, tạo thành một bộ trang phục hoàn chỉnh.

Cô gái 8X hô biến vải vụn thành quần áo, có sản phẩm bán tiền triệu - 2

Các trang phục được tái chế từ vải vụn mang lại phong cách mới lạ, độc đáo.

Cô gái 8X cho biết: "Tôi vẽ phác thiết kế form đồ, chia tỉ lệ các mảnh trên bản vẽ dựa vào độ to nhỏ của các miếng vải vụn, ký hiệu số cho từng mảnh. Sau đó là bước phối màu, họa tiết hình thêu dựa trên tông màu vải vụn. Tất cả phải được ký hiệu bằng số cẩn thận tương ứng với bản vẽ."

Nguồn nguyên liệu được Hà Mai thu gom từ chính rác vải của tiệm. Dự án là cơ hội giúp Hà Mai giải quyết được phần vải thừa mà đa số các xưởng may sẽ dồn lại đem đi vứt bỏ có thể ảnh hưởng đến môi trường.

Cô gái 8X hô biến vải vụn thành quần áo, có sản phẩm bán tiền triệu - 3
Mỗi bộ trang phục đều là công sức và sự sáng tạo không ngừng của Hà Mai.

Mỗi sản phẩm mất trung bình từ 6-7 tiếng để hoàn thiện, có những bộ trang phục mất một tuần (không tính công đoạn thiết kế). Giá thành tùy thuộc vào độ tỉ mỉ, chi tiết, dao động từ 600.000 đồng - 2,4 triệu đồng/sản phẩm.

Lan tỏa thông điệp xanh

Sau hơn một tháng thực hiện dự án, Hà Mai đã cho ra mắt 4 mẫu trang phục gồm quần, áo, váy… Trong đó, khoảng 30 chiếc áo, váy đã đến tay nhiều vị khách hàng yêu thích sản phẩm tái chế của tiệm.

Hà Mai tâm đắc: "Sau khi giới thiệu sản phẩm đến với mọi người, tiệm đã nhận được 100% phản hồi tích cực và hài lòng. Tôi đang tiếp tục vận hành dự án để làm ra nhiều sản phẩm hơn. Các bộ trang phục của tôi mang thông điệp xanh, đây còn là kết quả của quá trình sáng tạo đem lại sự khác biệt."

Cô gái 8X hô biến vải vụn thành quần áo, có sản phẩm bán tiền triệu - 4
Cô gái 8X luôn hướng đến sản phẩm thời trang vì môi trường.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, cô gái 8X bật mí sẽ phát triển dự án xuyên suốt hành trình làm thời trang của bản thân và đẩy mạnh các sản phẩm thân thiện với môi trường, lan tỏa thông điệp sống xanh đến với mọi người.

"Tôi muốn hướng khách hàng tới những thói quen sử dụng các sản phẩm xanh, từ đó thay đổi ý thức vì môi trường. Mỗi một người sử dụng sản phẩm xanh, chính là đã góp phần làm cho trái đất của chúng ta bớt tổn thương", Hà Mai gửi gắm.