Chuyện những người trắng đêm lắp nhà vệ sinh khử khuẩn cho khu cách ly

Hương Thảo

(Dân trí) - Hàng trăm nhà vệ sinh khử khuẩn di động đã được Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam trao tặng các khu cách ly, bệnh viện dã chiến tại Bình Dương, Long An.

Xuyên đêm lắp đặt nhà vệ sinh khử khuẩn

Suốt hơn 2 tháng qua, gác lại công việc riêng, anh Phạm Phú Lộc (Thủ Dầu Một, Bình Dương) dồn hầu hết thời gian để tham gia giám sát việc sản xuất, thi công, lắp đặt nhà vệ sinh khử khuẩn di động cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Thậm chí, có những ngày, anh cùng anh em làm việc liên tục 39 giờ đồng hồ để kịp hoàn thiện hệ thống nhà vệ sinh trước khi đón người dân vào cách ly.

"Người thân cũng hay phàn nàn là dịch bệnh đang căng thẳng, người ta muốn ở nhà tránh dịch còn không được, cớ sao mình cứ lao ra làm việc, rồi vô toàn các khu cách ly, chốt gác, bệnh viện dã chiến", anh Lộc thật thà kể. Tuy vậy, có đến tận nơi, chứng kiến những nhà vệ sinh mới hiểu lý do anh Lộc và anh em trong hiệp hội cố gắng làm việc. Mặc dù, có ngày thức xuyên đêm, song vẫn cố gắng động viên nhau.

Anh Lộc là kỹ sư môi trường tham gia Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam từ những ngày đầu thành lập tới nay. Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, anh tích cực tham gia vào các hoạt động thiện nguyện của Hội, đặc biệt là hoạt động sản xuất - lắp đặt nhà vệ sinh khử khuẩn di động cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến.

"Dù không có khoản trợ cấp, chi phí nào, thậm chí bản thân anh Lộc hay nhiều anh em khác còn chưa được tiêm vắc xin nhưng vẫn sẵn sàng tham gia sản xuất, lắp đặt nhà vệ sinh khử khuẩn bất kể ngày đêm tại các khu vực cách ly. Từ tháng 7/2021 tới nay, Hiệp hội đã trao tặng khoảng 300 nhà vệ sinh khử khuẩn di động cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến… tại Bình Dương, Long An, Bến tre, Vũng Tàu, TPHCM", ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam cho biết.

Chuyện những người trắng đêm lắp nhà vệ sinh khử khuẩn cho khu cách ly  - 1
Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam đã trao tặng nhiều nhà vệ sinh khử khuẩn cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến trong thời gian qua.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam đã vận động thành viên tài trợ xây dựng nhà vệ sinh, máy kiểm tra thân nhiệt, cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế, nhu yếu phẩm trị giá gần 15 tỷ đồng cho tỉnh Bình Dương, phục vụ công tác phòng chống dịch. Trong đó, Hiệp hội đã nghiên cứu tìm giải pháp, sáng chế ra nhà vệ sinh khử khuẩn di động để trao tặng cho các bệnh viện dã chiến, khu cách ly với mục tiêu giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm giữa những người đang cách ly khi sử dụng nhà vệ sinh chung.

Theo ông Hiệp, tất cả nhà vệ sinh do hiệp hội tài trợ được làm bằng chất liệu Composite, trang bị đầy đủ: bồn tiêu tiểu, phòng tắm, máy cảm biến diệt khuẩn UV, phun siêu âm điện phân từ muối. Khi người dùng mở cửa đi vào, cảm biến tia UV sẽ tự động ngắt; sau khi người dùng đi ra, trong 3 giây, hệ thống diệt khuẩn tia UV sẽ hoạt động, bên cạnh đó là phun siêu âm điện phân từ muối - chất khử khuẩn hiệu quả nhưng không phải hóa chất độc hại.

Ưu điểm nổi bật của nhà vệ sinh này là chỉ cần có vị trí lắp đặt, nguồn nước cung cấp và đường nước thải đấu nối với nguồn điện là có thể đưa vào sử dụng.

Hiện, Hiệp hội đang thực hiện sản xuất 2 mô hình nhà vệ sinh khử khuẩn di động: Loại nhà vệ sinh đơn có giá 40 triệu đồng/chiếc, sản xuất được 4 chiếc mỗi ngày. Loại nhà vệ sinh ba buồng, có giá 86 - 90 triệu/chiếc, sản xuất được từ 2 - 3 chiếc/ngày. .

"Chúng tôi đã giới thiệu sáng chế nhà vệ sinh diệt khuẩn, tiêu diệt 500 loại vi khuẩn, virus thường có trong môi trường ẩm thấp của các nhà vệ sinh từ năm 2016. Với thực tế cấp bách hiện nay, tùy theo điều kiện thực tế tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, chúng tôi linh động thay đổi, đưa ra giải pháp phù hợp", ông Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội thông tin.

Chuyện những người trắng đêm lắp nhà vệ sinh khử khuẩn cho khu cách ly  - 2
"Bây giờ nhiều người không còn nói chúng tôi khùng nữa"

Cuối năm 2018, khi được công bố Quyết định thành lập, Hiệp hội Nhà vệ sinh VN đã nhận không ít ý kiến trái chiều.

"Thời điểm đó, nhiều người nói tôi khùng, điên, phí tiền của nghiên cứu những thứ vô bổ, không làm gì cho đời", ông Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội chia sẻ.

"Thời điểm đó, nhà vệ sinh bẩn là một điểm trừ trong mắt khách du lịch khi tới Việt Nam. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia, nhà vệ sinh được coi trọng như phòng khách, phòng ngủ chứ không phải là công trình phụ. Ngay từ lúc mới làm hồ sơ xin thành lập hội, nhiều người cũng khuyên tôi nên thay cái tên nhưng tôi nghĩ phải dùng chính xác từ "Nhà vệ sinh" để tác động trực tiếp đến mọi người", ông nói thêm. Ông Lê Văn Hiệp trước đây từng là trưởng đại diện Tổ chức Nhà vệ sinh Thế giới năm 2014, 2015.

Khi dịch Covid-19 xảy ra, việc thiếu nhà vệ sinh đảm bảo chất lượng tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, doanh nghiệp 3 tại chỗ trở thành vấn đề cấp thiết. "Tại nhiều bệnh viện dã chiến, y bác sĩ không có nơi đi vệ sinh, tắm rửa sau một ngày làm việc, thậm chí phải chờ đợi tới lượt nên họ mệt mỏi, không thoải mái. Tại các khu xưởng đón hàng ngàn người tới cách ly nhưng chỉ có vài ba nhà vệ sinh ọp ẹp, hôi hám, bà con không dám dùng. Chứng kiến thực tế đó, chúng tôi không thể ngồi yên", ông Hiệp chia sẻ.

Sau mỗi chuyến lắp đặt nhà vệ sinh khử khuẩn di động, Hiệp hội lại nhận được những lá thư cảm ơn, trong đó có nhiều dòng tâm sự xúc động. Những nhu cầu tế nhị, khó nói ấy đã được phần nào giải quyết, giúp người dân an tâm cách ly, cán bộ an tâm công tác.

Thiếu tá Đoàn Phương Tùng, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS thị xã Tân Uyên, Bình Dương cho biết, trong tháng 8 vừa qua, Hiệp hội đã trao tặng 76 nhà vệ sinh khử khuẩn cho 2 khu cách ly lớn tại thị xã.

"Các thành viên Hiệp hội tham gia lắp đặt rất nhanh chóng, nhiệt tình, không quản ngày đêm để hoàn thiện công việc. Nhờ hệ thống nhà vệ sinh này mà bà con an tâm hơn khi tới các khu cách ly tập trung, công tác chuẩn bị của các đơn vị chức năng được nhanh chóng hơn", Thiếu tá Đoàn Phương Tùng cho hay.

Chuyện những người trắng đêm lắp nhà vệ sinh khử khuẩn cho khu cách ly  - 3
"Hiện, nhiều người đã có cái nhìn khác về Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam của chúng tôi. Điều đó chứng minh những cố gắng, nỗ lực của các anh em đã bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, thay đổi tâm lý xem thường nhà vệ sinh của nhiều người", ông Hiệp chia sẻ.

"Tuy nhiên, công tác sản xuất, lắp đặt nhà vệ sinh khử khuẩn hiện nay cũng còn nhiều khó khăn, nhất là trong việc vận chuyển hay cấp giấy đi đường cho các anh em trong Hiệp hội", ông Hiệp cho biết.

Trong quá trình lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh tại các bệnh viện dã chiến, nhà xưởng, trường học chuẩn bị đón người dân tới cách ly rất dễ phát sinh việc thiếu nguyên vật liệu. Anh Phạm Phúc Lộc từng phải chạy xe máy lúc 4 giờ sáng, đi tìm mua máy bơm để kịp hoàn thiện công trình trước giờ đón người dân tới cách ly.

"Thế nhưng, do giấy tờ không thống nhất giữa các địa phương nên mình không được qua chốt kiểm soát. Gần 2 tiếng sau, mình mới có thể di chuyển, mang đồ về cho anh em lắp đặt. Bản thân cảm thấy rất nóng ruột vì công việc gấp và có chút tủi thân khi mọi người không thấu hiểu cho công việc của mình", anh Lộc cho hay.

"Trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng các địa phương có thể tạo điều kiện hỗ trợ để anh em trong Hiệp hội có thể thực hiện thuận lợi những công trình nhà vệ sinh khử khuẩn di động", ông Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội chia sẻ mong muốn.

"Thời gian qua, Hiệp hội đã nhận được sự tin tưởng ủng hộ, đồng hành của rất nhiều các công ty, doanh nghiệp trên cả nước, thậm chí cả các doanh nghiệp nước ngoài. Chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối với các tổ chức quốc tế, các công ty doanh nghiệp tại Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản… để có nhiều giải pháp, công nghệ nâng cao chất lượng nhà vệ sinh tại Việt Nam", ông Hiệp thông tin.