Chốt kiểm soát nội thành ùn ứ sẽ khiến TPHCM bỏ phí thành quả chống dịch
(Dân trí) - Thành viên Ban chỉ đạo quốc gia đặt câu hỏi về hiệu quả hoạt động của các chốt kiểm soát trong nội thành TPHCM và cảnh báo, tình trạng ùn ứ tại đây nếu tiếp diễn sẽ khiến nỗ lực chống dịch bị bỏ phí.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 có cuộc họp chiều 16/8 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Hiện tượng hàng nghìn lao động lũ lượt rời TPHCM
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo, chuyên gia đánh giá tình hình dịch bệnh tại nhiều địa phương vẫn đang diễn biến phức tạp. Ban Chỉ đạo yêu cầu UBND các tỉnh thành thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 theo ý kiến của Thủ tướng từ 17/7, đã kéo dài thêm 14 ngày kể từ ngày 31/7 tiếp tục căn cứ vào tình hình trên địa bàn để chủ động các biện pháp giãn cách trên địa bàn.
Các chuyên gia bày tỏ lo ngại khi một số phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin triển khai tại TPHCM chưa vận hành thông suốt gây tập trung đông người.
Đáng chú ý, hàng nghìn lao động ngoại tỉnh đã dồn về một số cửa ngõ từ TPHCM đi sang tỉnh khác sau khi thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm 1 tháng. Một trong những nguyên nhân chính là TPHCM chưa triển khai đồng bộ, thông tin kịp thời về những chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm bảo đảm mọi người dân, nhất là người lao động ngoại tỉnh đang không có việc làm, được bảo đảm có chỗ ở, được trợ cấp về lương thực, được chăm sóc y tế cần thiết.
Các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia cũng đặt câu hỏi về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các chốt kiểm soát trong nội thành và cho rằng nếu tiếp tục tình trạng như vậy, thành quả chống dịch cũng như nỗ lực chấn chỉnh, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội từ nhiều tuần trước đây của TPHCM sẽ bị bỏ phí.
Chưa kể những người tự phát rời TPHCM về các địa phương nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ trở thành những nguồn lây nhiễm mới.
Thực tế, phần lớn ổ dịch xuất hiện tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ đều có liên quan đến những người đi về từ vùng dịch ở khu vực TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Khi kiểm soát được số người về từ các địa phương có dịch thì tình hình dịch bệnh ở các tỉnh Tây Nam Bộ đã diễn biến theo chiều hướng tốt hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu yêu cầu, các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 phải thực hiện thật nghiêm túc và không để người dân tự ý đi ra khỏi địa bàn, nơi cư trú. Trường hợp nếu có một số người dân đã đi sang các tỉnh khác thì Bộ Quốc phòng chỉ đạo thu dung vào khu cách ly tập trung của quân đội.
Các tỉnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 phải có sự thống nhất với các địa phương khác về việc đưa đón người dân từ khu vực có dịch trở về quê, tổ chức chặt chẽ, an toàn, chu đáo và đặc biệt phải chú ý ưu tiên để đưa, đón phụ nữ mang thai sắp đến kỳ sinh và những phụ nữ đang nuôi con nhỏ.
Lãnh đạo Ban Chỉ đạo quốc gia lưu ý, một số địa phương phải thực hiện Chỉ thị 16 nhiều ngày, đời sống bà con nhân dân, kể cả những người trước đây chưa thuộc diện nghèo, khó khăn thì có thể đã và đang rất khó khăn. Do đó, các tỉnh thành cần triển khai thực chất các gói hỗ trợ theo quy định của Trung ương cũng như các gói hỗ trợ và sự chi viện cần thiết từ cộng đồng, bảo đảm không có người dân nào bị thiếu đói, thiếu chỗ ở, đều nhận được sự trợ giúp y tế khi có yêu cầu.
Tiêu chí kiểm soát được dịch bệnh để dừng giãn cách xã hội
Về tiêu chí kiểm soát được dịch bệnh ở một tỉnh, thành phố để dừng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, các chuyên gia cho rằng cần phân làm 2 nhóm.
Thứ nhất là các tỉnh, thành phố chưa phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Thứ hai là các tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 trong một thời gian thì Bộ Y tế cần hoàn thiện các tiêu chí cụ thể để một địa phương được coi là đã kiểm soát được dịch bệnh. Ví dụ như về số ổ dịch mới phát sinh trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây hoặc chưa xác định được ngay tất cả các trường hợp tiếp xúc với ca nhiễm trong một khoảng thời gian; năng lực chuẩn bị và tỷ lệ sử dụng thực tế của các khu thu dung, điều trị F0.
Thường trực Ban Chỉ đạo cũng thống nhất giao Bộ Y tế khẩn trương tiếp thu ý kiến của các cơ quan, địa phương, để chính thức có hướng dẫn về các tiêu chí xác định khi nào một tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh và được dừng thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn.
Một vấn đề khác đặt ra, thực tế, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông làm đầu mối xây dựng các công cụ, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chống dịch, tích hợp thành một nền tảng dùng chung thống nhất. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng và hoàn thiện các ứng dụng chưa đáp ứng tốt yêu cầu phòng, chống dịch.
Một số ứng dụng khi triển khai chưa được vận hành ổn định, thông suốt, chưa được liên thông tích hợp. Bên cạnh đó, xuất hiện thêm các ứng dụng có liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh do một số ngành, địa phương triển khai nhưng thiếu sự phối hợp thống nhất.
Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương cùng với Bộ Y tế, các bộ ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ để phát triển những công cụ chống dịch bám sát thực tiễn, thiết thực, hiệu quả, thống nhất, thông suốt toàn hệ thống; thuận lợi, dễ sử dụng với người dân; tránh tình trạng cát cứ thông tin, quá nhiều ứng dụng không liên thông, tích hợp.