6 tháng đầu năm, kinh tế tỉnh Quảng Nam tăng trưởng âm
(Dân trí) - Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tỉnh Quảng Nam 6 tháng giảm 9,2% so với cùng kỳ. Khu vực thương mại dịch vụ và nông nghiệp tuy có tăng nhưng chưa bù đắp được sự sụt giảm của ngành công nghiệp.
Ngày 11/7, HĐND tỉnh Quảng Nam khai mạc kỳ họp thứ XV nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 để xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - cho hay năm nay là năm thứ 3 tỉnh thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2026, trong bối cảnh cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên với sự tập trung, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, khu vực thương mại, dịch vụ đang dần được phục hồi và có tăng trưởng, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Nhiều hoạt động kích cầu du lịch thu hút lượng lớn du khách đến tham quan và lưu trú, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Khu vực nông, lâm, thủy sản giữ mức tăng trưởng ổn định, tăng 3,2%. Thu ngân sách nhà nước đạt 44% dự toán HĐND tỉnh giao.
"Những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm là rất quan trọng, tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò điều hành của chính quyền các cấp. Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị và trách nhiệm trước nhân dân, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận rằng, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định", ông Phan Việt Cường phát biểu.
Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt theo kế hoạch đề ra; khu vực công nghiệp có sự sụt giảm mạnh 24,3%, kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2022; thu ngân sách chưa đạt so với dự toán giao; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như đất đai, môi trường, tài nguyên khoáng sản còn nhiều bất cập, chưa được xử lý, khắc phục; vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại kéo dài liên quan đến đất đai vẫn còn xảy ra; việc tổ chức thi hành một số bản án hành chính của chính quyền các cấp còn chậm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giảm 9,2% so với cùng kỳ; khu vực thương mại dịch vụ và nông nghiệp tuy có tăng nhưng chưa bù đắp được sự sụt giảm của ngành công nghiệp.
Quy mô nền kinh tế ước đạt 54,6 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), thuộc nhóm các tỉnh thành có quy mô nền kinh tế lớn trên cả nước, xếp vị thứ 23/63 tỉnh, thành phố; xếp vị thứ 5/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; xếp vị thứ 3/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Đà Nẵng, Quảng Ngãi).
Giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp giảm 24,3% so với cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 30%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 29,87% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng giảm 16,4% so với cùng kỳ.
Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt trên 4,5 triệu lượt khách, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch ước đạt 4.600 tỷ đồng, tăng gấp 2,64 lần so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 34 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ.
Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2023, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam đề nghị kỳ họp tập trung xem xét, thảo luận để quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.
Một số vấn đề quan trọng được thảo luận, quyết định tại kỳ họp này như xem xét thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2024; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Quảng Nam; quy định chính sách hỗ trợ luân chuyển, điều động cán bộ, công chức; chính sách hỗ trợ và mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh…
Phát biểu tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những nỗ lực, phấn đấu của tỉnh Quảng Nam trong việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, tích cực, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành nên đạt nhiều kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội dự kiến vượt và đạt kế hoạch đã đề ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong bối cảnh khó khăn nhưng thu ngân sách 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt khá (đạt 46,4% dự toán và bằng 60,8% so với cùng kỳ); khu vực thương mại - dịch vụ tuy chưa đáp ứng được kỳ vọng nhưng từng bước phục hồi, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ và doanh thu tiêu dùng tăng 9,9%.
Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định; du lịch có nhiều khởi sắc, với nhiều chương trình đa dạng, phong phú, nhiều sự kiện văn hóa đặc sắc thu hút du khách, số lượt khách thăm quan, lưu trú du lịch tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ; văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội, sắp xếp dân cư, ổn định đời sống cho người dân vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm. An ninh chính trị, biên giới, biển đảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND, UBND, UBMTTQ và Đoàn ĐBQH tỉnh, kỳ họp thứ 15 của HĐND tỉnh Quảng Nam sẽ có những quyết sách đúng đắn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội các tháng còn lại của năm 2023 và những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.