Ý kiến trái chiều quanh việc tự ý đưa ảnh con trẻ lên mạng sẽ phạm luật
(Dân trí) - Nhiếp ảnh gia Tô Thanh Tân, diễn viên Việt Anh và nhà văn Trang Hạ đã có những ý kiến khác nhau xoay quanh luật quy định việc người lớn tự ý đăng ảnh con trẻ lên mạng xã bị coi là phạm luật.
Từ ngày 1/6, Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực. Một trong những hành vi bị cấm là công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên hoặc không được sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ trẻ.
Điều 33, Nghị định 56 của Chính phủ ban hành ngày 9/5 vừa qua quy định chi tiết thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em bao gồm: Các thông tin về tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án, hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại, địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho trẻ em... Nếu người lớn tự ý đăng những thông tin này của trẻ sẽ bị coi là phạm luật.
Thông tin này nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh bởi chiếu theo quy định thì thói quen chia sẻ hình ảnh của con trẻ lên mạng xã hội của các ông bố bà mẹ cũng được xem là phạm luật. Trước sự việc này, nhiếp ảnh gia Tô Thanh Tân, diễn viên Việt Anh và nhà văn Trang Hạ đã chia sẻ những ý kiến khá thẳng thắn về vấn đề này.
Nhiếp ảnh gia Tô Thanh Tân bày tỏ: "Tôi thấy, luật quy định việc chia sẻ hình ảnh của con trẻ lên mạng mà phạm luật là không khả thi. Nó cũng tương tự như việc Hoa hậu, người mẫu, người đẹp “post” hình ảnh lên mạng phải xin phép vậy.
Với những người sử dụng mạng xã hội thì việc chia sẻ hình ảnh con trẻ lên mạng với tâm lý muốn mọi người thấy con mình trưởng thành như thế nào theo thời gian. Cái này tôi nghĩ là một niềm tự hào, một sự hãnh diện và một niềm hạnh phúc của những bậc làm cha, làm mẹ… vậy sao lại cấm?
Dưới góc độ của một nhiếp ảnh gia, tôi thấy rằng, luật nên quy định rõ là cấm những hành vi phán tán hình ảnh có thể làm tổn thương tâm lý của con trẻ lên mạng xã hội khi chưa được sự đồng ý của con hoặc của bố mẹ hay người giám hộ.
Trong đó, cũng cần phân loại là hình ảnh nào là hình ảnh có thể gây tổn thương tâm lý cho con hoặc khiến con cảm thấy xấu hổ hoặc cảm thấy mặc cảm. Theo tôi đó là những hình ảnh hở hang, những hình ảnh phô bày khiếm khuyết trên cơ thể của con hoặc giới tính thật của con. Những hình ảnh đó kể cả là được sự đồng ý của con thì cũng không được phép chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội bởi có thể sẽ khiến con gặp phiền phức, rắc rối…
Còn những nhiếp ảnh gia, những người thích chụp ảnh… họ “săn” được những hình ảnh đáng yêu của con trẻ nếu muốn chia sẻ lên mạng phải xin phép trẻ hoặc cha mẹ trẻ thì phức tạp quá. Rồi kể cả việc nếu muốn tổ chức một cuộc triển lãm hoặc gửi ảnh tham gia một cuộc thi online nào đó cũng phải tìm đến tận nơi xin phép trẻ hoặc bố mẹ trẻ rồi mới được phép tham gia hoặc triển khai thì cũng quá nhiêu khê. Đó không phải là bảo vệ trẻ con mà là hạn chế quyền của trẻ con".
Diễn viên Việt Anh cho rằng, quy định này vẫn chưa thực sự rõ ràng, gây nên những hiểu nhầm trong các bậc phụ huynh. Anh đặt câu hỏi, việc bố mẹ đăng tải những hình ảnh đáng yêu của con trẻ lên mạng xã hội thì có vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc gây phương hại gì cho con đâu mà lại cấm.
"Tôi hoàn toàn ủng hộ việc giữ kín thông tin bí mật của con trẻ như: thông tin cá nhân, kết quả học tập, mối quan hệ bạn bè, những thói quen riêng tư… Còn hình ảnh của con, nếu không phải là khoảnh khắc xấu xí hoặc hở hang, có thể khiến con trẻ cảm thấy xấu hổ hoặc cảm thấy bị tổn thương thì sao lại cấm.
Theo tôi thì bất kỳ ông bố bà mẹ nào cũng sẽ đương nhiên ra sức bảo vệ con trẻ khi cảm thấy có một mối lo ngại hoặc nguy hại nào đó. Cái này không cần phải có luật thì các ông bố bà mẹ đã làm và sẽ làm. Vì thế, luật cần quy định rõ ràng, giải thích chi tiết… để những người thực thi luật nắm rõ luật.
Quan điểm của tôi là trẻ từ 7 tuổi đến 10 tuổi cũng chưa hẳn đã đủ nhận thức về mạng xã hội nên việc phải được sự đồng ý của con mới có thể chia sẻ hình ảnh của con lên mạng là hơi cứng nhắc. Có thể khi hỏi con, con sẽ gật đầu hoặc lắc đầu nhưng chưa chắc hành động lắc đầu đó là vì con hiểu rõ vấn đề mà có thể chỉ là cảm tính. Vậy nên, theo tôi là nên “mềm mại hoá” các quy định để tránh gây xôn xao", diễn viên phim "Người phán xử" bày tỏ quan điểm.
Nhà văn Trang Hạ từng chia sẻ, chị giấu tới 4 người trong gia đình trên trang cá nhân (gồm 3 con và ông xã) vì chị cho rằng, họ là những phần thuộc về cuộc sống riêng tư chứ không phải là những tác phẩm văn chương.
"Khi tôi có con gái đầu lòng, bố chồng tôi đã yêu cầu tôi xóa tất cả những hình ảnh con gái đang tắm trên trang cá nhân. Dù đó là những bức ảnh ông bà, bố mẹ… đang tắm cho cháu nhưng theo ông là những hình ảnh đó sẽ làm cho cháu cảm thấy xấu hổ khi cháu lớn.
Một câu chuyện khác, vào năm 2013, một anh bạn của tôi đăng ảnh cậu con trai lên trang Facebook. Đó là một cậu bé rất bụ bẫm, dễ thương… nhưng sau đó hình ảnh con trai anh được hàng trăm Facebooker lấy làm ảnh avatar. Và anh đã cảm thấy rất khó chịu khi ảnh avatar của trang Facebook đó là con trai mình nhưng bên dưới là link những nữ sinh đánh nhau hoặc những đoạn quảng cáo sản phẩm. Lúc đó anh mới hốt hoảng thu hồi lại hình ảnh của con thì hình ảnh đó đã “đi” quá xa rồi. Sự việc này khiến anh bạn tôi vô cùng hối hận.
Tôi cho rằng, việc chia sẻ hình như câu chuyện kể trên có thể là quyền của bố mẹ hoặc người giám hộ nhưng chúng ta nên cân nhắc cảm nhận của con. Có thể các con sẽ không bao giờ thoải mái khi chưa kịp vào đời với vai trò người trưởng thành thì hình ảnh đã bị quyết định bởi người khác. Theo tôi, thận trọng với hình ảnh của con trẻ cũng là việc nên làm.
Tôi cho rằng, luật pháp có quyền ra những quy định để bảo vệ quyền của trẻ em. Khi người lớn “bán” quyền nhân thân của con trẻ cho đám đông với giá không đồng thì việc đó không mang lại lợi ích gì cho con cả. Và những cái “like” hoặc “share” không giải quyết được điều gì. Đó càng không phải là liều thuốc an thần nếu sau này con cái quay trở lại trách móc bố mẹ và yêu cầu bố mẹ xóa những hình ảnh của con trước năm 13 tuổi", nhà văn Trang Hạ nói.
Hà Tùng Long