Xúc động chương trình "Tình khúc thời hoa đỏ" chào mừng 30/4
(Dân trí) - "Tình khúc thời hoa đỏ" gồm 3 phần chính: "Những bông hoa lửa," "Nỗi lòng" và "Đón bình minh," với những ca khúc đi cùng năm tháng đã ghi dấu sâu đậm trong kí ức của nhiều thế hệ người Việt.
Kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề "Tình khúc thời hoa đỏ" vào tối 24/4 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội.
Đây cũng là sự kiện trong khuôn khổ các hoạt động biểu diễn nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, tiền thân là Đoàn văn công nhân dân Trung ương (1951-2021).
Chương trình gồm 3 phần chính: "Những bông hoa lửa," "Nỗi lòng" và "Đón bình minh," với những ca khúc đi cùng năm tháng đã ghi dấu sâu đậm trong kí ức của nhiều thế hệ người Việt.
Ở phần một: "Những bông hoa lửa," công chúng yêu nhạc đã được thưởng thức các ca khúc "Mời anh đến thăm quê tôi" (sáng tác Nguyễn Đức Toàn); "Đợi anh về" (thơ Lê Giang, âm nhạc Hoàng Hiệp); "Nhớ" (thơ Nguyễn Đình Thi, âm nhạc Hoàng Vân); "Gửi nắng cho em" (thơ Bùi Văn Dung, âm nhạc Phạm Tuyên)...
Ở phần hai với chủ đề "Nỗi lòng" gồm những khúc ca tâm tình, sâu lắng như "Tôi muốn - Yêu người và yêu đời - Thương nhau ngày mưa" (sáng tác Nguyễn Trung Cang - Lê Hựu Hà); "Thu sầu" (sáng tác Lam Phương); "Cô đơn" (sáng tác Nguyễn Ánh 9); "Tôi đi giữa hoàng hôn" (sáng tác Văn Phụng); "Nỗi lòng người đi" (sáng tác Anh Bằng)…
Trong phần 3 "Đón ánh bình minh" sẽ là các ca khúc "Lá cờ" (sáng tác Tạ Quang Thắng); "Bước đi không dừng lại"( sáng tác Dương Cầm); "Đón bình minh" (sáng tác Khắc Hưng); "Giấc mơ mang tên mình" (sáng tác Văn Phong)…
Ngoài những nghệ sĩ gạo cội như NSND Thái Bảo, NSƯT Đức Long, Trường Bắc... chương trình còn có sự góp mặt của các ca sĩ: Hoàng Quyên - Á quân Vietnam idol, Hoàng Yến - giải Nhất Cuộc thi tiếng hát quốc tế hữu nghị Việt-Trung, Phan Tuân và Nhóm Pha lê - Giải nhì Cuộc thi tiếng hát quốc tế hữu nghị Việt-Trung…
"Tình khúc thời hoa đỏ" được ê kip xây dựng dùng kĩ xảo chuyên môn, sáng tạo, phong cách mới, vừa tái hiện lại quá khứ, vừa tả thực hiện tại và hướng tới tương lai... Chương trình cũng là những thước phim sinh động ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, những đau thương, hy sinh, mất mát trong chiến tranh đã hóa thành bất tử. Cho dù năm tháng có thể qua đi nhưng không thể xóa nhòa. Đó là di sản tinh thần quý giá, là nguồn sức mạnh cổ vũ lớn lao cho tuổi trẻ hôm nay tiếp tục phấn đấu vươn lên, để giờ đây tất cả trở thành hồi ức không thể nào quên của năm tháng tuổi trẻ can trường.
""Tình khúc thời hoa đỏ" là chương trình nghệ thuật gửi gắm những cảm xúc về một giai đoạn lịch sử hết sức hào hùng của đất nước ta, dân tộc ta. Trong giai đoạn ấy kết tinh những điều tốt đẹp. Thời hoa đỏ không chỉ là một tứ thơ, một bức tranh, một tác phẩm âm nhạc quen thuộc với khán giả mà chúng tôi muốn nói rằng, lịch sử hào hùng của dân tộc ta.
Khi nói về đấu tranh cách mạng, thống nhất đất nước, giành độc lập tự do, không chỉ là bom đạn mà còn là tình yêu, là khát khao giành độc lập. Những điều đó được gửi gắm trong Ký ức thời hoa đỏ", Phó giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, đồng thời là Chủ nhiệm chương trình Hoàng Xuân Bình chia sẻ.