Xuất xứ “Thánh Gióng tắm ở Hồ Tây” của Nguyễn Đình Thi

Đó là một đoạn trong tiểu luận Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích do nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết năm 1944, được đăng trong nhiều sách. Trong đó, tác giả khẳng định tình tiết đó do ông tưởng tượng.

Mặc dù vậy, truyện Thánh Gióng (hay theo cách viết nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh là Dóng) còn có rất nhiều dị bản trong văn học dân gian và văn học viết, trong đó không thiếu dị bản có chi tiết “Thánh Gióng tắm ở Hồ Tây”.

Chi tiết này được in trong sách Tiếng Việt lớp 5 và sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A (NXB Giáo dục Việt Nam), gây tranh cãi từ hôm 16/3 sau khi được đưa lên báo.

Xuất xứ 'Thánh Gióng tắm ở Hồ Tây' của Nguyễn Đình Thi

Tiểu luận “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích” được đăng ở nhiều sách. Văn bản Thể thao & Văn hóa tham khảo nằm trong sách Nguyễn Đình Thi – Tiểu luận bút ký. Ảnh: Mi Ly.

Trở lại với văn bản tiểu luận “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Thể thao & Văn hóa giới thiệu với độc giả bản in trong sách Nguyễn Đình Thi – Tiểu luận bút ký (NXB Văn học, 2001) đang được lưu tại một thư viện ở Hà Nội.

Tiểu luận nói trên là bài nói chuyện tại Ngày hội sinh viên năm 1944. Lúc này, Hội Văn hóa cứu quốc mà Nguyễn Đình Thi là thành viên, về sau là Tổng thư ký, đã vào hoạt động bí mật. Đế quốc Nhật và Pháp tuyên truyền “Cách mạng quốc gia”, tinh thần chúng tộc, chủ nghĩa "Đại Đông Á", đưa ra danh từ "quốc gia, dân tộc" để đánh lừa thanh niên và khuyến khích những xu hướng tôn sùng quá khứ, quay về với những tư tưởng thần bí và phong kiến.

Trong bối cảnh đó, nhà thơ Nguyễn Đình Thi mượn đề tài ca dao cổ tích để nói bóng gió đến phong trào đấu tranh bắt đầu nhóm lên trong sinh viên lúc đó, và nhắc đến lòng yêu nước của thanh niên.

Đoạn nhắc đến Thánh Gióng xuất hiện khi nhà thơ muốn chứng minh tinh thần lạc quan và né tránh đau thương của nhân dân ta khi kể lại lịch sử. Ông đưa ra ví dụ về Hai Bà Trưng và Thánh Gióng. Cụ thể, nhà thơ viết:

“Lịch sử thường sẵn những trang đau thương, mà hiếm những trang vui bẻ: bậc anh hùng hay gặp bước gian nguy, kẻ trung nghĩa thường lâm cảnh khốn đốn. Những khi ấy, trí tưởng tượng dân chúng tìm cách chữa lại sự thực, để khỏi phải công nhận những tình thế đáng ưu uất.

Ta thử lấy truyện Hai Bà Trưng mà xét. Tuy trong lịch sử có chép rõ ràng Hai Bà Trưng phải tự vẫn sau khi đã thất trận, nhưng ngay ở làng Đồng Nhân nơi thờ Hai Bà vẫn chép rằng Hai Bà đều hóa đi, chứ không phải tử trận. Đối với các nữ tướng của Hai Bà cũng vậy, ta chỉ thấy các vị anh hùng đó hóa lên trời.

Nghe truyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, với tâm hồn chất phác giản dị, như tâm hồn người thuở xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc nước nhà lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm (chỗ ấy nay lập đền thờ làng Xuân Tảo) rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, ngồi dựa một gốc cây to, giấu kín những phút cuối của mình mà chết”.

Đoạn văn về Thánh Gióng trong tiểu luận của Nguyễn Đình Thi. (Ảnh: Mi Ly)

Đoạn văn về Thánh Gióng trong tiểu luận của Nguyễn Đình Thi. (Ảnh: Mi Ly)

Như vậy, đoạn văn gây tranh cãi trong sách Tiếng Việt lớp 5 có xuất xứ rõ ràng, đứng tên một tác giả tên tuổi. Trong tiểu luận của mình, nhà thơ Nguyễn Đình Thi khẳng định đoạn văn trên là tưởng tượng của ông về cái kết đau thương của truyện Thánh Gióng (Gióng bị thương, ăn một bữa cơm, tắm ở Hồ Tây rồi qua đời trong một rừng cây), không lạc quan như cái kết quen thuộc “cưỡi ngựa sắt bay về trời”.

Nhưng theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hóa, trong số rất nhiều dị bản của truyện Thánh Gióng, có bản vẫn có những tình tiết như tưởng tượng của nhà thơ. Nhiều dị bản đã được những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tổng hợp thành sách từ lâu nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về những dị bản này.

Theo Mi Ly
Báo Thể thao Văn hóa

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm